Kilimanjaro: UNESCO đầu tư 8 triệu USD để bảo vệ tài nguyên nước

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tháng 3/2025, Tổng Giám đốc UNESCO công bố một sáng kiến mới nhằm bảo vệ tài nguyên nước và đa dạng sinh học tại khu vực Kilimanjaro. Dự án trị giá 8 triệu USD này, kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và hỗ trợ cộng đồng địa phương, sẽ mang lại lợi ích cho hơn 2 triệu người đang phụ thuộc trực tiếp vào nguồn nước từ đỉnh núi cao nhất châu Phi.
Kilimanjaro: UNESCO đầu tư 8 triệu USD để bảo vệ tài nguyên nước

Các sông băng đang tan chảy trên đỉnh Kilimanjaro – một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1987 – đang là mối đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hơn hai triệu người tại Tanzania và Kenya. Cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ chính quyền và người dân địa phương để bảo vệ nguồn tài nguyên thiết yếu này. UNESCO sẽ đầu tư 8 triệu USD (204,4 tỷ đồng) trong những năm tới để thực hiện sứ mệnh này.

Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO, trong cuộc gặp với Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan, cho biết: “Ngọn núi biểu tượng Kilimanjaro đang phải chịu áp lực từ biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng. Việc các sông băng có thể biến mất hoàn toàn vào năm 2040, cùng với hạn hán kéo dài, đang đe dọa nghiêm trọng sự ổn định của các hệ sinh thái và nguồn nước khu vực.”

Nghiên cứu khoa học và hỗ trợ cộng đồng

Sáng kiến lớn này được UNESCO thực hiện cùng FAO và tài trợ bởi Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF). Giai đoạn đầu sẽ tập trung vào tăng cường nghiên cứu khoa học: Các chuyên gia UNESCO sẽ lập bản đồ hệ thống nước ngầm trong khu vực, với mục tiêu giúp thêm 100.000 người tiếp cận nguồn nước uống an toàn.

Dự án cũng hướng tới cải thiện việc trữ và cung cấp nước ngầm trong mùa khô, hỗ trợ khoảng 615.000 người hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu nước. Một trung tâm quan trắc khoa học sẽ được thành lập để theo dõi chất lượng nước, mực nước ngầm và sức khỏe hệ sinh thái, với sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu của Kenya và Tanzania. Cuộc họp thành lập trung tâm này đã được tổ chức tại Arusha. UNESCO cũng có kế hoạch đào tạo thêm 200 cán bộ ngành nước ở cả cấp quốc gia và địa phương.

Phục hồi rừng mây – “tháp nước” tự nhiên

UNESCO sẽ hỗ trợ khôi phục 400 km² rừng mây – loại rừng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nước và bổ sung nguồn nước ngầm. Đồng thời, tổ chức sẽ hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển các hoạt động kinh tế bền vững, nhằm ngăn chặn nạn phá rừng.

Sáng kiến này nằm trong khuôn khổ Năm Quốc tế Bảo tồn Sông băng, do UNESCO phối hợp với Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) khởi xướng. Ngày Thế giới vì Sông băng đầu tiên được tổ chức vào ngày 20/3/2025.

Sắp ra mắt: Trung tâm ngôn ngữ Kiswahili

Trong cuộc gặp với Tổng thống Tanzania, bà Audrey Azoulay cũng nhấn mạnh cam kết của UNESCO trong việc hỗ trợ quốc gia này quản lý và phát triển các Khu dự trữ sinh quyển – chương trình nhằm khôi phục mối quan hệ cân bằng giữa con người và thiên nhiên.

UNESCO sẽ tiếp tục đồng hành cùng Tanzania trong việc bảo tồn và phát huy ngôn ngữ Kiswahili. Chính quyền nước này đang lên kế hoạch thành lập một viện nghiên cứu chuyên biệt, và UNESCO sẵn sàng đóng góp chuyên môn thông qua đào tạo nhân lực, kết nối với các trung tâm ngôn ngữ quốc tế, và phát triển nội dung liên quan đến Lịch sử Tổng thể của châu Phi.

Theo UNESCO
Bình luận
Các đại biểu tham quan khu trưng bày “Sản phẩm Khoa học, Công nghệ, Đổi mới Sáng tạo” trong khuôn khổ lễ hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2025 do Bộ KH&CN và UBND TP. Hà Nội tổ chức.
Sở hữu trí tuệ: Công cụ phát triển kinh tế trong thời đại số
(Ngày Nay) - Từ một bản nhạc vang lên trên nền tảng số đến sản phẩm địa phương vươn tầm quốc tế nhờ chỉ dẫn địa lý, tất cả đều phản ánh một thực tế: Khi ý tưởng được bảo hộ, sáng tạo mới có cơ hội sinh lời và lan toả giá trị bền vững.
Ảnh minh hoạ.
TP Hồ Chí Minh: Hướng dẫn chi tiết lịch thi vào lớp 10
(Ngày Nay) - Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh vừa công bố lịch thi lớp 10 năm học 2025-2026. Thí sinh dự tuyển lớp 10 năm học 2025 - 2026 sẽ thực hiện 3 bài thi, gồm: Ngữ văn, toán và ngoại ngữ (ngoại ngữ 1 đang học tại trường).
Ảnh minh họa
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc khuyến nghị nhiều giải pháp nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 25/4, trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam, ông Jean Todt, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về an toàn giao thông đường bộ đã làm việc với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các cơ quan liên quan, trao đổi giải pháp phối hợp nhằm nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành chủ trì buổi làm việc.