Hội nghị “Đứng lên chống lại sự quấy rối trực tuyến nhắm vào các nhà báo nữ. Nên làm gì?” đã diễn ra tại Trụ sở UNESCO vào ngày 18/6 vừa qua. Quấy rối trực tuyến là một vấn đề đang gia tăng và có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, bất cứ quốc gia nào. Một số nghiên cứu đã chứng minh sự tổn thương về tâm lý và tác động của các mối đe dọa này đối với các nhà báo nữ đang làm việc. Điều này không chỉ có ảnh hưởng đến bình đẳng giới mà còn tạo rào cản cho quyền tự do ngôn luận và đa dạng trên truyền thông.
Tất cả chúng ta phải đứng lên, câu chuyện quấy rối sẽ không phải chỉ của riêng nạn nhân mà còn là của cả cộng đồng”.
Khai mạc sự kiện, ông Moez Chakchouk, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Truyền thông và Thông tin, nhấn mạnh rằng với tư cách là cơ quan của Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm về Kế hoạch Hành động vì sự an toàn của nhà báo, UNESCO cam kết tạo ra một môi trường an toàn cho các nhà báo, đặc biệt là các nhà báo nữ trên toàn thế giới. Ông tuyên bố rằng UNESCO hiện đang lên kế hoạch thực hiện một nghiên cứu về các biện pháp hiệu quả để chống lại sự quấy rối trực tuyến nhắm đến các nhà báo nữ.
Nhà sản xuất của kênh phát thanh bản địa đầu tiên của Canada, bà Francine Compton và nhà báo người Nigeria, bà Azizatu Sani đều đồng tình và nhấn mạnh rằng sự quấy rối trực tuyến tác động đến niềm đam mê báo chí và tinh thần làm việc của các nữ ký giả.
Trong bối cảnh các nhà báo nữ ngày càng phải đối mặt với sự quấy rối và đe dọa trực tuyến, tất cả các thành viên tham gia hội thảo nhất trí rằng cần phải nỗ lực phối hợp để phát triển tình đoàn kết giữa các nhà báo nữ, quản lý và đồng nghiệp nam tại nơi làm việc. Bà Tine Johansen, Phó Chủ tịch Liên hiệp các nhà báo Đan Mạch chia sẻ rằng, “tất cả chúng ta phải đứng lên, câu chuyện quấy rối sẽ không phải chỉ của riêng nạn nhân mà còn là của cả cộng đồng”.
Ông Christophe Israël, tổng biên tập của nhật báo Libération (Pháp) - người điều hành phiên thảo luận thứ hai trong khuôn khổ hội thảo, kể về một vụ quấy rối trực tuyến có liên quan đến 2 nhà báo của báo này rồi cho rằng nhất thiết phải có cơ chế cụ thể dành cho các nạn nhân của những vụ quấy rối.
Một số đại diện các tờ báo ở các quốc gia khác cũng đưa ra những sáng kiến tương tự như Giám đốc Ban Pháp luật và Biên tập của The Guardian, ông Gill Phillips.
Nhận thấy rằng sự quấy rối trực tuyến nhằm vào các nhà báo nữ chỉ là phần nổi của tảng băng, The Guardian đã nghĩ ra các hướng dẫn để bảo vệ phụ nữ khỏi tình trạng bị lạm dụng và giáo dục về ứng phó với quấy rối của các đồng nghiệp.
Trong những năm gần đây, các vụ quấy rối có xu hướng gia tăng thông qua những dịch vụ nhắn tin cá nhân, nơi khó bị phát hiện và phơi bày hơn. Các hệ thống tư pháp trên khắp thế giới đang thích nghi với thực tế này ở những giai đoạn rất khác nhau.
Luật sư Martina Kronström cho hay, các cơ quan chức năng đang cố gắng thiết lập một ranh giới rõ ràng tội quấy rối hay chỉ là tự do ngôn luận.
Bà Neide de Oliveira, công tố viên liên bang từ Brazil đã đề cập tới những thách thức liên quan đến việc không đủ chuyên môn và thiếu sự đào tạo dành cho các nhân viên cơ quan thực thi pháp luật và tư pháp, cũng như sự cần thiết phải tăng cường cơ chế hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Trước những tiến triển của vấn đề này, người dùng đang đòi hỏi các công ty quản lý mạng xã hội như Twitter nên có trách nhiệm hơn để bảo vệ họ, nơi lạm dụng và quấy rối nhắm đến các nhà báo nữ nói riêng và các nạn nhân khác đang diễn ra lan tràn. Bà Audrey Herblin-Stoop, Trưởng phòng Chính sách công của Twitter tại Pháp và Nga đồng ý rằng tự do ngôn luận không có ý nghĩa gì nếu mọi người không cảm thấy an toàn.
Với 500 triệu bài viết được đăng tải mỗi ngày trên Twitter, bà Herblin-Stoop thừa nhận, đây là thách thức to lớn mà Twitter cần giải quyết để đảm bảo rằng công cụ này không bị lạm dụng cho việc quấy rối hoặc đe dọa người khác.
Bà Herblin-Stoop cũng cảnh báo mọi người không được tách biệt bạo lực trực tuyến và hiện thực cuộc sống. Không gian trực tuyến cũng chính là đời thực, và sự tổn thương xuất hiện trên mạng chắc chắn ảnh hưởng đến cuộc sống thực ngoài đời.
Bà Nighat Dad, Giám đốc điều hành của Tổ chức quyền kỹ thuật số tại Pakistan nhắc nhở các đại diện từ các quốc gia thành viên rằng: các biện pháp pháp lý được xây dựng để bảo vệ nữ nhà báo cần lấy nhân quyền làm trọng tâm.