Tổng giám đốc UNESCO bày tỏ: “Ngày nay, việc thúc đẩy tự do báo chí là một ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động của UNESCO. Tôi rất vui khi Vương quốc Anh tiếp tục đồng hành với UNESCO trên con đường này”.
Biên bản ghi nhớ được ký nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế để tăng cường sự an toàn của các nhà báo thông qua một Hội đồng pháp lý cấp cao và thúc đẩy tự do truyền thông trên toàn thế giới cũng như tại các diễn đàn quốc tế. Thông qua việc ký thỏa thuận, Vương quốc Anh cũng tái khẳng định cam kết của mình đối với Quỹ bảo vệ truyền thông toàn cầu do UNESCO quản lý, coi đây là một sáng kiến quan trọng đóng góp cho các mục tiêu trong Kế hoạch hành động của Liên hợp quốc về an toàn của các nhà báo.
Thỏa thuận được ký kết trong khuôn khổ sự kiện bên lề của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, mang tên “Tự do Truyền thông: Trách nhiệm toàn cầu” do Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh tổ chức, trước sự chứng kiến của ông Abdalla Hamdok, Thủ tướng Sudan; Tổng Giám đốc UNESCO; bà Amal Clooney, Đặc phái viên của Vương quốc Anh về Tự do Truyền thông và nhà báo Jason Rezaian. Sự kiện này có sự tham gia của các phái đoàn từ 30 quốc gia đã tham gia Cam kết toàn cầu về tự do truyền thông do Anh và Canada phát động đầu năm nay, cũng như đại diện của cộng đồng truyền thông và các tổ chức phi chính phủ chuyên ngành.
Trong sự kiện này, Thủ tướng Sudan nhấn mạnh lại rằng tự do báo chí là một trụ cột của nền dân chủ, quản trị và nhân quyền được đảm bảo. Ông này cam kết, chính quyền không bao giờ bỏ tù các nhà báo vì hoạt động nghiệp vụ và đề nghị quốc tế hỗ trợ cho quá trình cải cách truyền thông đang diễn ra ở Sudan.
Tổng Giám đốc UNESCO cảm ơn đại diện của Vương quốc Anh và Canada vì cam kết tăng cường tự do truyền thông thông qua việc thành lập Quỹ bảo vệ truyền thông toàn cầu, được công bố vào tháng 7 năm nay. Bà cũng nói về các hành động của UNESCO liên quan đến Kế hoạch hành động của Liên hợp quốc vì sự an toàn của các nhà báo và sự hỗ trợ của họ cho việc phát triển khuôn khổ lập pháp ở các quốc gia trên toàn cầu. UNESCO cam kết hợp tác với Sudan để thúc đẩy tự do truyền thông và đảm bảo các nhà báo có thể thực hiện công việc của họ một cách an toàn và tự do.
Bà Clooney, Đặc phái viên của Vương quốc Anh thì khẳng định cần phải bảo vệ các nhà báo đang hành nghề tại mọi khu vực hoặc quốc gia mà không có bất kỳ ngoại lệ nào, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo mạnh tay hơn nữa trong việc thúc đẩy tự do truyền thông.
Cuộc thảo luận có sự tham gia của các trưởng đoàn cấp bộ trưởng, từ Canada, Ghana, Estonia và Montenegro, cũng như người đứng đầu Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, tổ chức Phóng viên không biên giới và Trung tâm Hỗ trợ Truyền thông quốc tế.