UNET & Dấu ấn toàn cầu 2024

UNET & Dấu ấn toàn cầu 2024

Năm 2024 đánh dấu một năm hoạt động sôi nổi và nhiều dấu ấn của Trung tâm Thông tin UNESCO (UNET) với những bước tiến quan trọng trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa và công nghệ.

____________________

Từ việc trở thành đối tác tuyển sinh độc quyền cho Trung tâm UNESCO vì Hòa Bình tại Mỹ, tham gia hội thảo quốc tế về kinh tế và tài chính tại châu Âu, đến quảng bá văn hóa Việt Nam tại lễ hội Yosakoi ở Tokyo và ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn di sản, UNET đã khẳng định vai trò cầu nối giữa Việt Nam và thế giới, góp phần phát triển bền vững các giá trị giáo dục và văn hóa.

Ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn di sản

Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ vào bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trở nên cấp thiết. Ngày 18/1, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), UNET phối hợp với Phygital Labs công bố dự án “Ứng dụng công nghệ vật lý số nâng tầm giá trị di sản”. Dự án mở đầu bằng chiến dịch Tầm Chân, với mục tiêu tìm kiếm, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một.

UNET & Dấu ấn toàn cầu 2024 ảnh 1

Trọng tâm dự án là hình ảnh Nghê - linh thú thuần Việt tại Văn Miếu. Công trình nghiên cứu “Nghê nơi cửa Khổng sân Trình” của Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế đã được định danh số bằng công nghệ Nomion và chuyển thành cuốn sách vật lý số đầu tiên tại Việt Nam. Người dùng có thể tương tác với chip RFID gắn trên tượng Nghê đồng thau đặt tại Văn Miếu để mở khóa và trải nghiệm nội dung sách.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Tổng Giám đốc UNET, ông Nguyễn Hùng Sơn phát biểu nhấn mạnh việc áp dụng công nghệ mới là động lực để nâng tầm giá trị văn hóa trong thời đại số. CEO Phygital Labs, ông Huy Nguyễn, khẳng định công nghệ định danh số không chỉ chứng thực tính độc bản của di sản mà còn kết nối, lan tỏa tri thức, thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa Việt Nam.

UNET & Dấu ấn toàn cầu 2024 ảnh 2

Dự án hợp tác giữa UNET, Phygital Labs và Ban Quản lý Văn Miếu mở ra hướng đi mới trong bảo tồn di sản, mang lại trải nghiệm tương tác số sinh động, kết nối quá khứ với hiện tại. Chiến dịch Tầm Chân kỳ vọng mở rộng sang các di sản khác, đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với công chúng trong nước và quốc tế.

UNET trở thành đối tác tuyển sinh chính thức của Trung tâm UNESCO vì Hòa bình

Từ ngày 14/7 đến 27/7/2024, đoàn công tác của UNET do bà Ngô Phương Hạnh, dẫn đầu đã thăm trụ sở chính của Trung tâm UNESCO vì Hòa Bình tại Mỹ. Chuyến thăm đánh dấu cột mốc quan trọng khi hai bên ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giáo dục dài hạn. Theo thỏa thuận, UNET sẽ là đơn vị tuyển sinh độc quyền tại Việt Nam cho các chương trình giáo dục của Trung tâm UNESCO vì Hòa Bình.

Chương trình đầu tiên trong khuôn khổ hợp tác là iMUN-STEAM 2024, diễn ra tại Đại học Hood, Maryland, với sự tham gia của hơn 300 học sinh từ 25 quốc gia. Dành cho lứa tuổi 12–21, chương trình tập trung phát triển kỹ năng lãnh đạo, tư duy sáng tạo và giải quyết các vấn đề toàn cầu.

UNET & Dấu ấn toàn cầu 2024 ảnh 3

Đoàn Việt Nam gồm 12 học viên đã tham gia iMUN-STEAM 2024 với các hoạt động chính gồm: Mô hình Liên Hợp Quốc (MUN): Rèn kỹ năng tranh luận, giao tiếp và hiểu biết về hòa bình, an ninh quốc tế; STEAM: Giáo dục liên ngành về Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học; Dự án địa phương: Áp dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tế.

Ngoài học thuật, học viên còn được tham quan các địa điểm nổi bật như trụ sở Liên Hợp Quốc, Tượng Nữ thần Tự do và Washington DC. Đây là cơ hội mở rộng tầm nhìn và trải nghiệm văn hóa quốc tế.

Bà Ngô Phương Hạnh nhận định rằng Mô hình Liên Hợp Quốc (MUN) đã trở nên quen thuộc tại các trường học Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, phụ huynh tiếp cận chương trình. Sự kết hợp giữa học tập, hoạt động ngoại khóa và giao lưu quốc tế đã mang lại trải nghiệm vượt kỳ vọng cho nhiều học viên Việt Nam.

Chuyến thăm mở ra cơ hội giúp thanh thiếu niên Việt Nam tiếp cận nền giáo dục toàn cầu, đồng thời góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa và xây dựng thế hệ trẻ sáng tạo, hướng đến hòa bình và phát triển bền vững.

Dấu ấn Việt Nam tại Lễ hội Yosakoi Tokyo 2024

Trong khuôn khổ dự án giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản, UNET đã đưa hai tiết mục đặc sắc tham gia Lễ hội Harajuku Omotesandou Genki Matsuri Super Yosakoi 2024 tại Tokyo ngày 24–25/8/2024.

Tiết mục “Thiên Linh Diệm Vũ” của đội Kumoyo kể câu chuyện cầu mưa mang đậm yếu tố tâm linh, gắn với văn hóa Nhật Bản. Trong khi đó, “Bàn Vương Xướng – Quá Sơn Chi Ca” của đội Hanuyo khai thác truyền thuyết Bàn Vương, thủy tổ của dân tộc Dao, kết nối văn hóa miền núi Việt Nam với nghệ thuật Yosakoi Nhật Bản.

UNET & Dấu ấn toàn cầu 2024 ảnh 4
UNET & Dấu ấn toàn cầu 2024 ảnh 5

Đặc biệt, màn trình diễn xuất sắc của đội Hanuyo đã được lựa chọn tham gia diễu hành trên đường Omotesando – phần quan trọng nhất của lễ hội. Dù gặp phải lịch trình dày đặc và thời tiết khắc nghiệt, các nghệ sĩ Việt Nam vẫn tỏa sáng nhờ tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng và sự sáng tạo.

Khán giả Nhật Bản dành nhiều tràng pháo tay nồng nhiệt, khẳng định sự thành công của tiết mục và đóng góp vào mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản. Sự kiện một lần nữa cho thấy vai trò của UNET như cầu nối đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Mở rộng hợp tác qua các hội thảo kinh tế quốc tế tại châu Âu

Nhằm nâng cao năng lực và học hỏi từ các mô hình kinh tế tiên tiến, UNET đã tổ chức đoàn công tác do bà Nguyễn Lệ Hằng, Phó Tổng Thư ký, Ủy viên thường trực Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam dẫn đầu, tham dự hai hội thảo quốc tế: Hội nghị Quốc tế về Nghiên cứu Kinh tế và Tài chính (ICEFR) tại Paris và Hội nghị Nghiên cứu Tài chính Hành vi tại Amsterdam.

Tại ICEFR (12/10/2024, Paris), các chuyên gia kinh tế, học giả và nhà nghiên cứu đã thảo luận về các vấn đề từ kinh tế vĩ mô đến tài chính vi mô và tài chính hành vi. Hội nghị tạo nền tảng để trao đổi kinh nghiệm, giải pháp ứng phó với những thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu. Đoàn công tác Việt Nam đã có cơ hội học hỏi nhiều ý tưởng mới và thiết lập các mối quan hệ hợp tác quốc tế.

UNET & Dấu ấn toàn cầu 2024 ảnh 6

Tiếp nối thành công tại Paris, đoàn tham dự Hội nghị Nghiên cứu Tài chính Hành vi lần thứ 5 (17–18/10/2024, Amsterdam). Hội nghị tập trung vào yếu tố tâm lý và hành vi ảnh hưởng đến các quyết định tài chính, lĩnh vực đang nhận được nhiều quan tâm từ cộng đồng nghiên cứu quốc tế.

UNET & Dấu ấn toàn cầu 2024 ảnh 7

Thông qua các hội thảo và những chuyến tham quan thực địa tại các mô hình kinh tế, UNET không chỉ hỗ trợ các thành viên đoàn mở rộng kiến thức chuyên sâu mà còn tạo cơ hội ký kết các đề án hợp tác, góp phần nâng cao năng lực phát triển kinh tế địa phương trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế.

***

Từ hợp tác giáo dục quốc tế, tham gia hội thảo chuyên ngành đến quảng bá văn hóa và ứng dụng công nghệ bảo tồn, các hoạt động của UNET đã khẳng định vai trò tiên phong trong kết nối, thúc đẩy giao lưu quốc tế và phát triển bền vững.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc thăm và làm việc tại công viên logistics Viettel
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc thăm và làm việc tại công viên logistics Viettel
(Ngày Nay) -Lạng Sơn ngày 17/4/2025, trong khuôn khổ Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 9, Đại tướng Phan Văn Giang – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thượng tướng Đổng Quân – Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã cùng đoàn đại biểu cấp cao hai nước tới thăm và làm việc tại Công viên Logistics Viettel (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn).