Giữa đám đông khỏa thân, nghiễm nhiên người mặc quần áo bị coi là kẻ tâm thần. Tâm lý ấy, cùng một hai câu khích bác của anh em trên bàn nhậu đã đẩy vô số “tài xế” đến cảnh lao tù.
Có lẽ nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi xem đoạn clip ghi lại vụ tai nạn cướp đi 3 mạng người xảy ra tại phố Ái Mộ (Bồ Đề - Long Biên – Hà Nội) ngày 29/2. Dư luận càng giận dữ hơn khi biết người điều khiển phương tiện gây tai nạn không có bằng lái và điều khiển xe trong tình trạng say rượu. Với một số người, say rượu vào lúc 7h30 sáng là chuyện vô cùng lạ lẫm. Nhưng với dân nhậu, sáng say, chiều xỉn, tối lai rai âu cũng là chuyện bình thường.
Qua nhận định của luật sư, tài xế có thể phải ngồi tù 15 năm vì “không may đạp nhầm chân ga” (theo lời khai tại cơ quan điều tra). 15 năm ấy có thể là nỗi ám ảnh suốt những năm tháng sau này nhưng ít nhất anh ta vẫn còn tương lai. Còn ba nạn nhân trong vụ tai nạn đã vĩnh viễn mất đi “ngày mai”, mất đi “những năm tháng sau này”. Ký ức về họ trở thành nỗi đau không thể xóa nhòa với người ở lại.
Hiện trường vụ tai nạn.
Trước mỗi cảnh tượng đau thương, thậm chí vượt xa sức tưởng tượng, người dân thường kêu gào, truy cứu trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Rằng giá như hành vi uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông bị xử lý thật nặng, thật nghiêm, hẳn con người sẽ tự tin hơn rất nhiều khi bước ra ngoài xã hội!
Song nhìn vào những chính sách, đề xuất "động chạm" đến bộ phận lớn người dân bị phản đối quyết liệt trước đó, cùng con số thống kê lượng tiêu thụ bia rượu mỗi năm ở Việt Nam, thật khó để hình sự hóa hành vi thiếu trách nhiệm này. Chừng nào "nhậu" còn đóng đinh trong "Top" sở thích, sở trường của người Việt, thì chừng ấy mọi biện pháp tuyên truyền hay thậm chí điều chỉnh tăng thuế rượu bia đều trở nên vô nghĩa.
Bạn đã từng trông thấy những người trẻ tay phì phèo điều thuốc, tay kia lăm lăm đưa bao thuốc in đầy hình ảnh máu me, kinh dị cho bạn học với vẻ mặt hết sức bình thản? Bạn đã từng chứng kiến những hành vi vi phạm xảy ra ngay tại nơi có biển cấm: “cấm đổ rác”, “cấm đỗ xe”, “cấm nghe điện thoại”,…?
Khi biển cấm sinh ra để… làm cảnh. Ảnh: Infonet.
Dĩ nhiên, người thực hiện các hành vi kể trên không hề mất khả năng cảm nhận thị giác hoàn toàn (hay còn gọi là đui, mù). Thông thường, người ta phớt lờ mọi lời cảnh báo, “thấy quan tài” mà “không đổ lệ” chỉ vì hai nguyên nhân: Thích giỡn mặt với Tử thần hoặc… bị ép.
Giữa đám đông khỏa thân, nghiễm nhiên người mặc quần áo bị coi là kẻ tâm thần. Tâm lý ấy, cùng một hai câu khích bác của anh em trên bàn nhậu đã đẩy vô số “tài xế” đến cảnh lao tù, kéo theo đó là hàng loạt cái chết oan uổng, đau thương đến tận cùng…
“Đã uống rượu bia, không lái xe” – Việc đơn giản như vậy, lẽ ra tất cả mọi người đều thực hiện được mới phải!
Trương Chi