Các nhà nghiên cứu cho biết, trong một thử nghiệm ở Brazil, vaccine COVID-19 do Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển chỉ có hiệu quả 50,4% trong việc ngăn ngừa dịch bệnh, chỉ vừa đủ đáp ứng các quy định để thông qua sử dụng, nhưng thấp hơn hẳn so với tỷ lệ được công bố hồi tuần trước.
Những kết quả trên là một nỗi thất vọng lớn với Brazil bởi vaccine của Trung Quốc là 1 trong 2 loại vaccine mà chính phủ nước này ưu tiên tiêm chủng giữa bối cảnh thế giới đối mặt lới làn sóng bùng phát dịch bệnh COVID-19 chết chóc thứ hai.
Một số nhà khoa học và nhà quan sát chỉ trích trung tâm y sinh Butantan vì cách đó vài ngày công bố những dữ liệu mang tính khả quan, tạo tâm lý mong đợi không thực tế.
Diễn biến này đã làm gia tăng sự hoài nghi ở Brazil về vaccine của Trung Quốc. Nhà vi sinh học Natalia Pasternak chỉ trích các dữ liệu của Butantan và nhận định: "Chúng ta có một loại vaccine tốt. Nhưng không phải loại vaccine tốt nhất thế giới. Không phải một loại vaccine lý tưởng".
Tuần trước, các nhà nghiên cứu Brazil đã bày tỏ sự lạc quan về những số liệu cho thấy vaccine trên có hiệu quả tới 78% với các ca mắc COVID-19 "từ nhẹ đến nặng", một tỷ lệ mà họ gọi là "tính hiệu quả lâm sàng".
Ricardo Palácios, giám đốc trung tâm Butantan cho biết tỷ lệ hiệu quả của vaccine thấp hơn so với các số liệu mong đợi ban đầu là do trong số các bệnh nhân có cả những người mắc COVID-19 nhưng chỉ có những triệu chứng "rất nhẹ".
Các nhà nghiên cứu ở Butantan đã trì hoãn việc thông báo kết quả 3 lần, đồng thời đổ lỗi cho điều khoản bảo mật trong hợp đồng với Sinovac.
Trong khi đó, hồi tháng trước, các nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ cho biết CoronaVac của Sinovac có hiệu quả 91,25% dựa trên các phân tích sơ bộ. Indonesia cũng thông qua khẩn cấp việc sử dụng loại vaccine này với dữ liệu sơ bộ cho thấy vaccine của Trung Quốc có hiệu quả 65% trong việc ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19.
Đại diện Butantan cho biết việc nghiên cứu của Brazil tập trung vào các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, cũng như bao gồm cả các tình nguyện viên lón tuổi nên không thể so sánh trực tiếp với các cuộc thử nghiệm hoặc các loại vaccine khác.
Dù vậy, vaccine COVID-19 từ Pfizer và Moderna trong quá trình sử dụng vẫn cho thấy tính hiệu quả trong việc ngăn ngừa dịch bệnh lên tới 95% trong những cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối quan trọng.
Dữ liệu gây thất vọng của CoronaVac là bước lùi gần đây nhất trong nỗ lực tiêm chủng vaccine ở Brazil giữa bối cảnh nước này báo cáo hơn 200.000 người chết do COVID-19, cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Chương trình tiêm chủng toàn quốc của Brazil hiện nay dựa vào CoronaVac và vaccine do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển, song cả hai loại đều chưa được thông qua theo quy định ở Brazil.