Tại một hội nghị mới được tổ chức tại thành phố Thành Đô, ông Gao Fu - giám đốc CDC Trung Quốc, thừa nhận “vaccine Trung Quốc không có tỷ lệ bảo vệ cao”.
“Nhà nước hiện đang xem xét về khả năng sử dụng các loại vaccine từ các dây chuyền kỹ thuật khác cho quá trình tiêm chủng", ông Gao Fu cho biết.
Tỷ lệ hiệu quả của vaccine do hãng dược Sinovac sản xuất đã được các nhà nghiên cứu ở Brazil ghi nhận ở mức 50,4%. Trong khi đó, vaccine do Pfizer sản xuất đã được chứng minh là có hiệu quả tới 97%.
Tại hội nghị, ông Gao không đưa ra chi tiết về những thay đổi có thể có trong chiến lược tiêm chủng quốc, nhưng đề cập đến vaccine sử dụng công nghệ mRNA, một kỹ thuật thực nghiệm trước đây được các nhà phát triển vaccine phương Tây sử dụng, trong khi các nhà sản xuất thuốc của Trung Quốc sử dụng công nghệ truyền thống.
“Chúng ta nên xem xét những lợi ích mà vaccine mRNA có thể mang lại cho nhân loại. Chúng ta phải theo dõi một cách cẩn thận và không bỏ qua chỉ vì đã có một số loại vaccine khác", giám đốc CDC Trung Quốc chỉ ra.
Phát biểu trên báo giới vào tháng 12 năm ngoái, ông Gao Fu không loại trừ khả năng vaccine mRNA có tác dụng phụ tiêu cực.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc và các trang khoa học và sức khỏe nổi tiếng cũng đã đặt câu hỏi về tính an toàn và hiệu quả của vaccine Pfizer, vốn sử dụng công nghệ mRNA.
Tính đến ngày 2/4, khoảng 34 triệu người đã được tiêm hai liều vaccine của Trung Quốc và khoảng 65 triệu người đã được tiêm một liều, theo ông Gao Fu.
Các chuyên gia y tế cho biết việc trộn vaccine oặc tiêm chủng tuần tự có thể tăng tỷ lệ hiệu quả. Các cuộc thử nghiệm trên khắp thế giới đang xem xét việc phối trộn vaccine hoặc tiêm nhắc lại sau một khoảng thời gian dài hơn. Các nhà nghiên cứu ở Anh đang nghiên cứu sự kết hợp tiềm năng giữa hai vaccine của Pfizer và AstraZeneca.