Theo ông Lê Xuân Huy - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, vệ tinh NanoDragon có 3 đường truyền thông: đường truyền dữ liệu đo xa (thông tin về trạng thái của vệ tinh) từ vệ tinh phát xuống mặt đất ở dải tần UHF; đường phát lệnh điều khiển từ mặt đất lên ở dải tần VHF; đường truyền dữ liệu nhiệm vụ từ vệ tinh xuống mặt đất ở băng tần S. Hiện trạm mặt đất chưa thu được thông tin ở đường truyền dữ liệu đo xa ở dải UHF do đó các thông số trạng thái chi tiết của vệ tinh là chưa xác định được.
Trong quá trình chuẩn bị phóng, vệ tinh NanoDragon đã vượt qua 4 vòng kiểm tra an toàn phóng của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) với nhiều tiêu chuẩn khắt khe và các thử nghiệm quan trọng về môi trường.
Vệ tinh cũng đã vượt qua các vòng kiểm tra tại Việt Nam và được phép gửi sang Nhật Bản tham gia phóng theo kế hoạch của JAXA từ ngày 6/8/2021.
Đến nay, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã thực hiện các công việc liên quan đến theo dõi, vận hành vệ tinh NanoDragon gồm: bám sát thông tin về quỹ đạo của vệ tinh NanoDragon để theo dõi, vận hành điều khiển vệ tinh; theo dõi, vận hành trạm mặt đất 2 lần 1 ngày vào khoảng 9 giờ 30 phút sáng và 9 giờ 30 phút tối tại Trạm mặt đất tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc; gửi các lệnh điều khiển vệ tinh ở băng tần VHF để dò tìm tín hiệu ở băng S; phối hợp với cộng đồng (Satnogs) để thu tín hiệu vệ tinh, trong đó có 2 trạm có khả năng gửi lệnh lên vệ tinh NanoDragon và thu tín hiệu ở băng S.
Trung tâm cũng thực hiện việc tìm kiếm, sàng lọc mọi dữ liệu liên quan đến tín hiệu vệ tinh NanoDragon trên cộng đồng Satnogs; trao đổi, phân tích các khả năng tình huống có thể xảy ra trên vệ tinh và các tìm kiếm giải pháp với MEISEI và JAXA.
Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam Lê Xuân Huy khẳng định: "Hiện nay, các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm tín hiệu của NanoDragon. Chúng tôi tin rằng quá trình chế tạo NanoDragon đã mang lại nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá cho các kỹ sư cũng như cán bộ của Trung tâm trong tất cả các giai đoạn".