Tuy nhiên, việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển vẫn luôn đặt ra nhiều thách thức, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi UNESCO đòi hỏi ngày càng cao và khắt khe đối với việc bảo tồn các danh hiệu di sản, trong khi nhu cầu khai thác, nhất là đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của các địa phương để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cũng ngày càng lớn.
Ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam nhưng đòi hỏi sự tham gia đồng thời của nhiều chủ thể, từ Bộ Ngoại giao, các bộ ngành, địa phương cho đến các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội... Ngoại giao văn hóa cũng là một lĩnh vực cần có sự đầu tư về thời gian, sức sáng tạo, nguồn lực con người, vật chất.
Theo ông Dũng, Bộ Ngoại giao với vai trò là cơ quan điều phối các hoạt động liên quan đến UNESCO giữa các bộ ngành và địa phương… đang phát huy vai trò trong việc đồng hành, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan nhằm giải quyết bài toán hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình danh hiệu của UNESCO. Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt chẽ với UNESCO, các địa phương tìm ra các biện pháp, cách thức phù hợp nhất để khai thác, phát huy nguồn “tài nguyên đặc biệt” là di sản trên cơ sở tôn trọng và thực hiện nghiêm túc các quy định của quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ cũng giới thiệu cho các địa phương ý nghĩa thực sự của các danh hiệu của UNESCO.
Trong 6 tháng cuối năm 2019, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”, trên cơ sở đó đề ra các phương hướng, hoạt động mới, hiệu quả hơn để giới thiệu tới bạn bè quốc tế các giá trị, tư tưởng của Việt Nam thông qua tư tưởng và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vụ cũng có nhiều hoạt động chuẩn bị cho việc tổng kết 10 năm thực hiện “Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020”. Theo ông Dũng, đây là công việc có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá các kết quả đạt được và xác định phương hướng, trọng tâm của công tác ngoại giao văn hóa trong giai đoạn tiếp theo.
Một nội dung quan trọng khác là tiếp tục tăng cường quan hệ, tham gia sâu và có trách nhiệm tại tổ chức UNESCO để vừa học hỏi, vận dụng các sáng kiến của tổ chức trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa phục vụ phát triển đất nước, vừa đóng góp cho hoạt động của UNESCO. “Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các cơ quan, địa phương liên quan bảo tồn và phát huy giá trị các di sản hiện có, đồng thời vận động cho các danh hiệu UNESCO sắp tới”, ông Dũng nhấn mạnh.