Văn hóa đồng bào Thái ở Điện Biên: Mạch nguồn chảy mãi

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Đồng bào Thái là một trong ba dân tộc có dân số đông nhất trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Trải qua quá trình phát triển lâu dài trên mảnh đất Tây Bắc, đồng bào dân tộc Thái đã tạo dựng cho mình một nền văn hóa đặc sắc, riêng biệt.
Văn hóa đồng bào Thái ở Điện Biên: Mạch nguồn chảy mãi

Nhiều năm qua, bằng niềm đam mê, trách nhiệm và sự am hiểu, những người con dân tộc Thái đã miệt mài nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản sách về nét văn hóa đặc trưng, đồng thời lưu giữ, bảo tồn các làn ca, điệu múa, nhạc cụ truyền thống của dân tộc.

Bà Bạc Thị Luyện ở bản Tông Khao, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên là một trong số ít người còn lưu giữ được những giá trị văn hóa đặc trưng qua điệu múa, lời ca, tiếng hát của đồng bào dân tộc Thái. Bằng niềm đam mê tâm huyết của mình, tháng 2/2019, bà thành lập Câu lạc bộ Hoa ban khuống bản em (Hoa ban sân bản em) Mường Thanh Điện Biên - nơi hội tụ của những người yêu thích các điệu múa của dân tộc Thái.

Câu lạc bộ có 150 hội viên, chia thành 12 đội văn nghệ, sinh hoạt chủ yếu tại hai huyện Tuần Giáo và Điện Biên. Những điệu múa truyền thống mà các thành viên trong Câu lạc bộ thể hiện như múa bật bông, múa xòe đều mang đậm nét văn hóa Thái... Thành viên trong Câu lạc bộ là những người con dân tộc Thái, những người yêu văn hóa Thái đã và đang bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa này nhằm lưu truyền cho các thế hệ mai sau.

Bà Bạc Thị Luyện cho biết, ngay từ khi còn nhỏ, bà đã được đắm mình trong các điệu múa truyền thống của dân tộc Thái, ghi nhớ từng động tác, từng lời hát của ông bà, cha mẹ, từ đó hun đúc nên tình yêu với văn hóa dân tộc. “Tôi muốn lưu giữ, truyền lại cho các thế hệ sau này văn hóa của dân tộc mình. Lúc đầu tôi tập hợp mọi người để vào một đội văn nghệ, từ đội văn nghệ dần phát triển lên thành câu lạc bộ.” bà Luyện chia sẻ.

Bên cạnh những lời ca, điệu múa, trong đời sống hiện đại, nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái đang dần bị mai một, trong đó có chữ viết và một số phong tục tập quán. Trước thực tế đó, anh Tòng Văn Hân ở bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên đã phục dựng lại một số văn hóa của dân tộc mình bằng việc nghiên cứu, sưu tầm chuyển thể xuất bản qua 15 đầu sách. Nguồn sách này đã làm sống dậy phần nào kho tàng văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Thái, ngành Thái đen ở Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung. Ngoài sưu tầm, nghiên cứu về tri thức dân gian Thái cổ trong hệ thống luật tục, nghi lễ, anh Hân còn tham gia dạy chữ Thái cổ cho người dân trên địa bàn.

Anh Tòng Văn Hân cho biết, khi đã viết và biên dịch, hiểu, bình giảng được những câu tục ngữ ca dao của người Thái, anh đã mở một lớp dạy chữ Thái cho cộng đồng dân tộc của mình. Anh khuyến khích người dân tự nguyện đến học và cùng họ tìm hiểu những câu ca dao, tục ngữ về kinh nghiệm sản xuất, lối ứng xử trong cộng đồng, về tình cảm anh em, họ hàng, làng xóm. Qua đó, tạo dựng cơ sở vững chắc để cộng đồng cùng gìn giữ văn hóa phi vật thể của dân tộc, mở rộng thêm để con cháu có thể học và đọc được chữ Thái cổ của mình.

Thị xã Mường Lay của tỉnh Điện Biên được biết đến như là thủ phủ, trung tâm văn hóa của đồng bào Thái trắng ở Tây Bắc, với những di sản văn hóa, nghi thức truyền thống được gìn giữ và lưu truyền từ bao đời nay. Đến nay, những nghệ nhân của các loại hình nghệ thuật đặc sắc này vẫn còn lưu giữ và truyền dạy để các thế hệ con cháu bảo tồn và phát huy về sau. Nghệ nhân Vàng Văn Thức với hơn 30 năm thực hành, truyền dạy loại hình nghệ thuật hát Then, được xem là người giữ gìn linh hồn dân tộc Thái ở Mường Lay. Những làn điệu Then được ông trình diễn trong những nghi lễ khác nhau như lễ giải hạn, lễ mừng nhà mới, lễ chúc thọ, lễ cầu bình an...

Nghệ nhân Vàng Văn Thức cho biết, từ nhỏ, ông đã được nghe mẹ hát những làn điệu Then. Dù không hiểu nhưng ông cảm thấy hay và hứng thú. Lớn lên, được theo mẹ đi khắp nơi trong vùng để trình diễn hát Then, ông càng thêm hiểu và yêu hơn những làn điệu này. Được mẹ truyền dạy lại những điệu Then cổ cùng với nỗ lực cố gắng của bản thân, ông đã sử dụng thành thạo, linh hoạt các điệu Then để trình diễn trong những nghi lễ khác nhau. Để những làn điệu Then cổ không bị mai một, ông Thức đã truyền dạy cho con cháu trong gia đình cũng như những người yêu thích Then ở khắp các vùng, miền trong cả nước, với mong muốn góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Thái.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đồng bào dân tộc Thái ở các địa phương đã thành lập nhiều câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng về văn hóa dân tộc mình. Họ cùng nhau sưu tầm, luyện tập, biểu diễn, truyền dạy các điệu xòe, lời ca, tiếng đàn… đặc sắc của người Thái. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái không chỉ góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên, mà còn là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.