Năm 17 tuổi, Fanta mang thai. Khi bố của cô tới nói chuyện với thầy giáo thì người này không chịu thừa nhận là tác giả của cái thai. “Tôi nói với thầy giáo rằng ông ấy đã hủy hoại tương lai của con gái tôi, nhưng ông ấy khăng khăng từ chối”, ông Cheikh, bố của Fanta cho biết. Trường học cũng không quan tâm gì đến trường hợp của Fanta, giáo viên hiệu trưởng không hỏi thăm cô lấy một lời, và Fanta càng cảm thấy hổ thẹn hơn khi người thầy không chịu thừa nhận đứa con của cô: “Tôi cảm thấy bị sỉ nhục trước các bạn bè của mình”. |
Tại Senegal, những nữ sinh như Fanta phải đối mặt với nguy cơ bạo lực tình dục và bạo lực giới tính cao mà thủ phạm là chính thầy giáo hoặc các nhân viên nhà trường. Đối với các em, con đường đi tìm công lý cũng vô cùng gian nan. Nhà trường thường không mấy khi quan tâm hay điều tra những vụ việc này. Trong nhiều trường hợp, gia đình nạn nhân thà chấp nhận thương lượng với thủ phạm còn hơn là kiếm tìm công lý. Còn trong rất nhiều trường hợp khác, các nữ sinh không dám thổ lộ với chính gia đình của mình bởi định kiến và sự kỳ thị đối với các cô gái trẻ không chồng mà chửa trong xã hội Senegal còn rất nặng nề.
Quy mô của tình trạng lạm dụng tình dục nơi học đường vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên, nghiên cứu do các cơ quan Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ và các học giả cho thấy tình trạng bạo lực tình dục và giới tính nơi học đường là một vấn đề nhức nhối trong hệ thống giáo dục của đất nước này.
Dựa trên nghiên cứu tiến hành năm 2017 tại các khu vực Kolda, Sedhiou và Zigiunchor cực nam của Senegal cũng như tại khu vực thủ đô Dakar, tổ chức Giám sát Nhân quyền - HRW đã công bố một bản báo cáo về thực trạng giáo viên quấy rối, lạm dụng và xâm hại tình dục học sinh đang diễn ra rộng rãi và kêu gọi chính phủ Senegal có những biện pháp kịp thời để giải quyết điều này.
HRW đã phỏng vấn 42 nữ sinh tuổi từ 12 đến 25, và tổ chức thảo luận nhóm với 122 nữ sinh trung học cơ sở đến từ 22 trường học tại những khu vực khác nhau của đất nước. Kết quả cho thấy có nhiều giáo viên đã lợi dụng vị trí của mình để quấy rối và lạm dụng tình dục học sinh, trong đó có nhiều em chưa đủ 18 tuổi. Những giáo viên này thường hứa hẹn cho điểm cao, cho tiền hoặc quần áo, điện thoại di động để dụ dỗ học sinh của mình. Các nữ sinh - và ngay cả nhiều giáo viên - quan niệm rằng đây chỉ là một mối quan hệ tình cảm nam nữ thông thường. Tổ chức HRW cho rằng, chính quan niệm này đã làm giảm mức độ nghiêm trọng của vấn đề, khiến nhiều trường hợp lạm dụng tình dục học sinh không được trình báo lên chính quyền và khiến thủ phạm không nhận thức được sự sai trái trong hành vi của mình. Rất nhiều trường hợp được ghi nhận trong báo cáo có đủ yếu tố để cấu thành tội lạm dụng tình dục trẻ em.
Tình trạng giáo viên quấy rối và lạm dụng tình dục học sinh xảy ra theo nhiều cách khác nhau: Một số giáo viên tiếp cận và gạ gẫm nữ sinh ngay trên lớp học hoặc trong các hoạt động ngoại khóa. Nếu từ chối, các nữ sinh tin rằng mình sẽ bị giáo viên trừng phạt bằng cách cho điểm thấp hoặc tẩy chay, cô lập trong các hoạt động của trường lớp. Thông thường, hành động quấy rối thường xảy ra trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Các nữ sinh cũng bị tác động bởi những hành vi, thái độ kỳ thị phân biệt giới tính xảy ra trong lớp học. Một số nữ sinh cho biết giáo viên đã dùng những ngôn ngữ và cử chỉ thiếu đứng đắn để bình phẩm về cơ thể và trang phục của các em ngay trước mặt các bạn học. Khi những sự việc như thế này xảy ra, giáo viên, phụ huynh và ngay cả bạn cùng lớp thường cho rằng lỗi là tại học sinh chứ không phải thầy giáo. Senegal cũng thiếu một bộ quy tắc ứng xử quốc gia trong đó chỉ rõ nghĩa vụ của giáo viên và nhân viên giáo dục đối với học sinh của mình.
Những hành vi của giáo viên được đề cập đến trong bản báo cáo của HRW không chỉ là sự vi phạm nghiêm trọng với nghĩa vụ và đạo đức nhà giáo, mà còn là tội hình sự nếu nạn nhân dưới 16 tuổi. Theo luật, tội lợi dụng quyền lực để quấy rối và cưỡng ép học sinh vì mục đích tình dục có khung hình phạt lên tới 10 năm.
Truyền thông Senegal cũng đã đưa tin về những vụ giáo viên xâm hại tình dục học sinh tại trường học trên khắp đất nước, làm dấy lên những nghi ngại về những gì các nữ sinh đang phải trải qua trên lớp học. Kể từ năm 2013, đã xảy ra ít nhất 24 trường học các giáo viên cấp I và cấp II bị truy tố vì tấn công tình dục học sinh. Mặc dù những vụ việc này được đưa ra ánh sáng, nhưng đa số các vụ việc khác, đặc biệt là những vụ ở mức độ nhẹ hơn như quấy rối tình dục, vẫn thường được bỏ qua.
Các vụ quấy rối tình dục học sinh thường không được trình báo là do phần lớn phụ thuộc vào quyết định của hiệu trưởng, bởi gia đình nạn nhân thường ngại ngần không trình báo lên nhà chức trách. Dù nhiều hiệu trưởng coi đây là những vụ việc nghiêm trọng, nhưng họ thường có xu hướng giải quyết nội bộ để bảo vệ giáo viên, tránh tai tiếng cho nhà trường trước các cơ quan thanh tra giáo dục và ủy ban bảo vệ trẻ em.
Bên cạnh đó, việc đề cập đến vấn đề này cũng được coi là đáng hổ thẹn đối với rất nhiều nữ sinh. Nhiều em không nhận thức đầy đủ thế nào là bị quấy rối và xâm hại tình dục. Giáo dục giới tính chưa được quan tâm đúng mức tại đất nước này.
Ngay cả khi những nữ sinh bị quấy rối và lạm dụng tình dục muốn tìm kiếm công lý, các em cũng rất ngần ngại trình báo với nhà trước do lo sợ bị chế giễu, kỳ thị. Ngay cả khi đã ra trình báo, nhiều em đã bị nghi ngờ và thậm chí là bị buộc tội khiêu khích giáo viên của mình. Điều này gây ra tâm lý mất tự tin, khiến các nạn nhân của tình trạng quấy rối tình dục nơi học đường hiếm khi lên tiếng.
Báo cáo của HRW cũng ghi nhận chính phủ Senegal đã có những nỗ lực nhất định trong việc giải quyết tình trạng bạo lực tình dục và phân biệt giới tính nơi học đường. Năm 2013, nước này đã thông qua một chiến lược bảo vệ trẻ em, theo đó thành lập các ủy ban bảo vệ trẻ em ở mọi cấp chính. Vơi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, chính phủ đã đưa ra những biện pháp để hạn chế tình trạng trẻ vị thành niên mang thai. Tuy nhiên, những chương trình này chưa được triển khai hiệu quả, vẫn còn lệ thuộc vào nguồn tài trợ bên ngoài và vẫn chưa thể trả lời được câu hỏi về hiện tượng lạm dụng tình dục xảy ra nơi học đường. Chính phủ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng các học sinh đều được tiếp cận với nguồn giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản. Về lĩnh vực này, Senegal vẫn còn đang giậm chân tại chỗ do chính phủ chưa thể thông qua một chương trình giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản cấp quốc gia.
Hầu hết các trường học tHRW tiến hành khảo sát cũng không thể đưa ra một bộ giáo trình giáo dục giới tính đầy đủ, bao hàm, chính xác về mặt khoa học. Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên cũng không có nhiều cơ hội tiếp nhận thông tin từ cộng đồng. Dù chính phủ đã có những nỗ lực tăng cường bao phủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe vị thành niên, nhưng tại các khu vực nông thôn, các dịch vụ này vẫn rất thưa thớt.
Tổ chức HRW khuyến cáo chính phủ Senegal cần có những phản ứng mạnh mẽ hơn ở cấp độ quốc gia nhằm chấm dứt tình trang gạ gẫm, quấy rối, lạm dụng tình dục nơi học đường. Trong số những ưu tiền hàng đầu, chính phủ cần thông qua một chính sách toàn quốc nhằm giải quyết các tường hợp quấy rối, bạo hành tình dục trong nhà trường. Chính sách này cần chỉ rõ những hành vi nào là không được phép, cũng như chỉ rõ rằng quan hệ giới tính giữa giáo viên và nữ sinh, việc dùng điểm số và vật chất để “gạ tình” là những hành vi bị cấm và sẽ phải chịu trừng phạt.
Chính phủ cũng cần tập trung vào việc xử lý mạnh tay những trường hợp vi phạm, và đảm bảo rằng hiệu trưởng và những người có quyền hạn tại trường học phải hiểu được trách nhiệm của mình trong việc điều tra thấu đáo các trường hợp quấy rối, xâm hại tình dục. Nhà trường cũng cần tập huấn giáo viên về bảo vệ trẻ em.
HRW nhận định đã đến lúc cần lên tiếng và phá vỡ “văn hóa im lặng” xung quanh những vụ quấy rối và tấn công tình dục trong nhà trường. Công việc cụ thể phải làm là đơn giản hóa thủ tục báo cáo, thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng với đối tượng tiếp nhận chính là học sinh, sinh viên. Chiến dịch này cần phá vỡ định kiến và tâm lý tự hối lỗi của nạn nhân, cũng như trang bị cho thanh thiếu niên kiến thức về quấy rối, xâm hại tình dục cũng như sự tự tin để tham gia vào những cuộc tranh luận xã hội về chủ đề này.