“Tháp Mười đẹp nhất bông sen!”
Câu thơ quen thuộc khiến ai khi đến với Đồng Tháp đều mong muốn được một lần tới thăm những đầm sen bát ngát nơi đây.
Đồng Tháp là vùng đất trù phú và có nhiều đồng sen nhưng nổi bật nhất là khu du lịch đồng sen Tháp Mười ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, cách thành phố Cao Lãnh gần 40km.
Đường đi đến đây cũng khá dễ dàng. Sen Đồng Tháp nở quanh năm nhưng đồng sen đẹp nhất vào mùa nước nổi (từ tháng 8 đến tháng 11).
Du khách đến đây sẽ bất ngờ trước tấm thảm sen trải rộng tít tắp tầm mắt với sắc xanh mướt của lá lại điểm xuyết màu hồng dịu ngọt của hoa, màu vàng thanh thoát của nhụy… tạo nên bức tranh đồng quê tuyệt đẹp không dễ gì tìm thấy ở chốn thị thành.
Cánh đồng xanh bạt ngàn mát mắt, xen lẫn với những bông hoa sen đưa nhẹ trong gió, thoang thoảng mùi sen. Đó cũng là điều quyến rũ bao người khách ghé thăm nơi đây, khiến cho ai cũng phải luyến lưu, thương nhớ khi xa rồi lại muốn về gần.
Trong đồng sen người ta làm rải rác một số chòi lá cho du khách ngắm hoa, nghỉ ngơi, ăn uống. Nối các chòi là lối đi bằng gỗ, vừa mộc mạc vừa hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên.
Du khách có thể di chuyển sâu vào trong đồng sen trên chiếc xuồng ba lá nhỏ lướt chầm chậm trên mặt nước, hòa mình vào những làn gió mát, trong mùi hương sen thơm dịu, làm cho những lo lắng, muộn phiền của cuộc sống đời thường dường như tan biến.
Sen ở đây rất độc đáo, hoa bắt đầu nở từ sáng sớm có sắc trắng, đến trưa thì chuyển sang màu hồng, đến khoảng 15 giờ chuyển thành màu hồng đậm và hóa đỏ khi mặt trời lặn. Cứ lặp lại như vậy 3 ngày thì hoa chuyển sang màu tím thẫm rồi tàn.
Đến đây du khách còn có cơ hội được thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương trong đó không thể thiếu sự góp mặt của sen như cá lóc nướng cuốn lá sen non, gỏi gà ngó sen, xôi sen, chè sen, sữa sen và cả trà sen nữa.
Chiều xuống, từng đàn chim kéo nhau về tổ tạo thành những chấm màu đen dày đặc trên nền trời xanh tắt nắng tạo nên khung cảnh rất đỗi bình yên.
Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng cùng hiệu quả kinh tế, những năm qua, diện tích, sản lượng cây sen ở Tháp Mười ngày càng được nâng lên. Sen hiện là 1 trong 5 ngành hàng trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện và được chú trọng quy hoạch, xây dựng thương hiệu, hình ảnh.
Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ 1 năm 2022 diễn ra tại Thành phố Cao Lãnh từ ngày 19- 21/5 cũng là dịp để nhiều người biết đến hình ảnh sen, kinh tế sen... của huyện.
Huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích trồng sen đạt 1.000ha; trong đó, tập trung phát triển 5 vùng nguyên liệu sen tại các xã Tân Kiều, Mỹ Hòa, Trường Xuân, Hưng Thạnh và Thạnh Lợi.
Mục tiêu trồng sen ở Tháp Mười là hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm đảm bảo tính bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi chuỗi giá trị sản phẩm sen Tháp Mười.
Cùng với đó, phát triển đa dạng hóa và nâng cao chất lượng của các sản phẩm ngành hàng sen đạt các tiêu chuẩn có thể tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện Tháp Mười và hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Huyện Tháp Mười hướng đến phát triển các sản phẩm từ sen kết hợp với du lịch sinh thái và ẩm thực sen.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ. Đặng Văn Đông, Viện Nghiên cứu rau quả cho biết Đồng Tháp là địa phương có điều kiện thuận lợi cho cây sen phát triển. Thời gian qua, nhiều mô hình trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân với lợi nhuận cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa.
Ngoài ra, Đồng Tháp đã gia tăng giá trị cây sen thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch từ sen và phát triển sản phẩm OCOP. Đến nay, tỉnh có 50 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ sen; 11 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Để ngành hàng sen phát triển diện tích 1.000ha, tỉnh Đồng Tháp đề ra giải pháp hỗ trợ các sản phẩm từ sen trở thành ngành hàng chủ lực được tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc; duy trì và nâng chất các sản phẩm từ sen hiện có để tham gia chương trình OCOP, có ít nhất 25 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP; trong đó, 5 sản phẩm đề xuất cấp quốc gia, xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với sen đạt chuẩn OCOP.
Những năm gần đây, nguồn nguyên liệu sen được quan tâm đầu tư, phát triển và có xu thế gia tăng. Nhiều diện tích được ký hợp đồng liên kết tiêu thụ.
Một số doanh nghiệp như Chi nhánh tại Đồng Tháp - Công ty Thực phẩm Sen Đại Việt, Công ty Xuất nhập khẩu Khánh Thu sẵn sàng đầu tư và phát triển nguồn nguyên liệu sạch tại chỗ cung cấp cho sản xuất ra sản phẩm từ sen đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Việc sản xuất sen hiện nay không chỉ dừng lại ở bán sen tươi, mà chuyển dần sang sơ chế, chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm của cây sen. Việc đăng ký mã vùng trồng cũng được đẩy mạnh, từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương đã đề nghị cấp mã số vùng trồng sen cho 60ha.
Chị Hồ Thị Diễm Thúy, chủ Cơ sở sữa sen Diễm Thúy 2 tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, chia sẻ với diện tích trồng sen lớn, nguồn nguyên liệu dồi dào, cơ sở đã hình thành ý tưởng nấu sữa hạt sen để gia tăng giá trị kinh tế. Ngoài sản phẩm sữa sen tươi, hiện cơ sở phát triển thêm sản phẩm sữa sen dạng bột và được thị trường rất ưa chuộng.
Trước đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “Sen Tháp Mười.” Đơn vị đã ban hành các quyết định, quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sen Tháp Mười,” cấp tem nhãn, logo nhãn hiệu chứng nhận cho Công ty Đồng Tháp Mười dùng thử nghiệm vào năm 2018.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện, dự án trồng sen ở Tháp Mười cần đề ra những mục tiêu cụ thể; trong đó, có số lượng các sản phẩm từ sen đạt OCOP 5 sao, đa dạng các sản phẩm, tránh trùng lặp.
Với định hướng phát triển du lịch gắn với vùng nguyên liệu, cần lựa chọn địa điểm phù hợp để xây dựng tour gắn với việc mua sắm các sản phẩm từ sen nhằm tăng trải nghiệm, chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.
Quý 1 năm 2023, diện tích trồng sen ở huyện Tháp Mười hơn 302ha, đã thu hoạch 151,3ha. Huyện khai thác các thế mạnh của sản phẩm nông nghiệp, giá trị văn hóa, lịch sử vào phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của huyện theo định hướng sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn trở thành một sản phẩm của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm “đa dạng hóa” và “đặc thù hóa” sản phẩm du lịch cho địa phương.