Cô gái hỏi tôi, anh có sự giao cảm nào với người đã khuất không? Tôi đáp rằng không. Nhưng cũng thêm rằng, một vài lần trong suốt hơn 30 năm qua, tôi mơ thấy bố mình. Điều đó luôn làm tôi ngạc nhiên, vì bố mất khi tôi mới hơn 4 tuổi, chỉ là một làn khói ký ức rất mỏng.
Nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ nói: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?”.
Mẹ tôi đảm nhiệm 1 lúc cả 2 vai Bố và Mẹ. Bà thành công trong nỗ lực để tôi được ăn học đàng hoàng, chưa bao giờ thiếu thốn gì. Nhưng là một người phụ nữ, đương nhiên nhiều lúc bà bất lực trong vai trò thay Bố.
Những năm tháng tuổi trẻ bồng bột, liều lĩnh, để lại nhiều dấu vết trong tôi. Không chỉ là những vết sẹo, hình xăm, hay kho ngôn từ tục tĩu đường phố. Đó còn là sự bất cần và những cơn giận dữ luôn tiềm ẩn, khiến chính tôi nhiều khi cũng phải cảm thấy sợ hãi bản thân mình.
Nhưng sau tất cả, phúc đức của Mẹ đủ để tôi vẫn tồn tại, và làm một người được cho là tử tế trên đời.
Đọc bài viết của cộng tác viên trẻ về hình ảnh chiếc xe máy cũ và những ông bố yêu con, tôi nhớ đến lưng áo đẫm mồ hôi của mẹ.
Mãi mãi, mỗi khi nhìn thấy những lưng áo ướt mồ hôi của một người phụ nữ, tôi luôn nhớ về mẹ mình. Những chiều hè, bà đạp xe đón tôi từ trường về nhà, những tối mùa đông bà đưa tôi đi tiêm kháng sinh điều trị viêm phế quản, những ngày lễ Tết bà đèo tôi khắp Hà Nội thăm bè bạn họ hàng. Tấm lưng áo đẫm mồ hôi ấy, và mùi của mẹ, là hình ảnh tuyệt vời đầu tiên về người phụ nữ mà tôi được thấy.
Nhớ lại ngày rằm tháng Bảy, lễ Vu Lan. Thật ngạc nhiên, người ta sợ ma quỷ đến mức gọi tháng Bảy là tháng cô hồn, trong khi có thể gọi đó là tháng hiếu thuận.
Nếu bạn cài lên ngực một bông hồng đỏ thì thật hạnh phúc thay, bạn vẫn còn có mẹ.
Tục này thực ra do thiền sư Thích Nhất Hạnh mang về từ Nhật Bản, khi ông được cài một bông hồng trắng lên ngực áo vào Ngày của Mẹ. Sau, thiền sư viết 1 bài tản văn tên là “Bông hồng cài áo” (1962) rất nổi tiếng, được đưa vào thi ca nhạc họa, sân khấu. Từ đó, các chùa Việt Nam bắt đầu có nghi thức cài hoa đỏ/ hoa trắng lên ngực Phật tử dự lễ Vu Lan rằm tháng Bảy. Trong bài tản văn của thiền sư Thích Nhất Hạnh, có 1 tứ rất hay.
“Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc về, anh hãy vào trong phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: “Mẹ ơị mẹ có biết không?”. Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi anh, vừa hỏi vừa cười: “Biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ nói: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?”.
Tôi nghĩ, nếu ngực trái bạn vẫn được cài bông hồng đỏ, thì hãy về nhà ăn cơm tối.