Vì một vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trải qua quãng đường cả đi và về gần 4.600 hải lý, chiều 14/10, con tàu CSB 8004 chở đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam do Đại tá Lê Thanh Hải, Phó Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 chỉ huy đã cập quân cảng Đình Vũ an toàn, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và giao lưu với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Những kết quả thu được từ chuyến đi đã góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, cùng hợp tác và phát triển giữa hai lực lượng.
Đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các thành viên trên tàu Tosa/Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản.
Đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các thành viên trên tàu Tosa/Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản.

Những ấn tượng trên đất nước Mặt trời mọc

Trưa 2/10, sau 8 ngày hành trình liên tục, tàu CSB 8004 đã cập cảng Shinko, thành phố Kobe để bắt đầu chuỗi các hoạt động tại đất nước Nhật Bản xinh đẹp.

Nhắc đến Nhật Bản, ai cũng đều biết, đây là một đất nước vô cùng coi trọng những giá trị văn hóa, nét đẹp truyền thống. Thế nhưng, một điểm tạo nên sự khác biệt làm cho Kobe trở nên nổi tiếng ở chỗ, Kobe là một trong những thành phố đầu tiên mở rộng giao thương với phương Tây vào năm 1868 và cho phép người nước ngoài nhập cư vào. Đây là thành phố lớn nằm trên đảo Honshu thuộc tỉnh Hyogo và cũng là cảng biển chính lớn nhất của Nhật Bản. Kobe là thành phố sầm uất, nhộn nhịp với khoảng 1,5 triệu người, trong đó có hơn 45.500 là cư dân người nước ngoài đến từ hơn 100 quốc gia khác nhau sinh sống, làm việc tại đây.

Lễ đón tàu CSB 8004 được phía bạn long trọng tổ chức vào buổi chiều cùng ngày tại khách sạn La Suite Kobe nằm trong khu vực cảng Shinko. Thành phần tham gia lễ đón tàu có sự hiện diện của các nghị sĩ thuộc Hạ Nghị viện và Thượng Nghị viện Nhật Bản, Thống đốc tỉnh Hyogo, Thị trưởng Kobe, Tư lệnh Vùng 5/ Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cùng Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Nhật Bản. Điều đó khiến cho mỗi thành viên đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam đều cảm nhận được sự chu đáo, trọng thị, tình cảm mà phía chủ nhà dành cho đoàn. Chuyến đi của tàu CSB 8004 lần này như một điểm nhấn đánh dấu mối quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt giữa hai Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản cũng như giữa Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản.

Chính trong lời phát biểu chào mừng đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam, Ngài Hattori, Tư lệnh Vùng 5/Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã nhấn mạnh, năm nay, đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Trong năm đáng nhớ như vậy, đây là lần đầu tiên, một tàu tuần tra của Cảnh sát biển Việt Nam cập bến cảng Kobe, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản rất vui mừng và tự hào về điều này. Chuyến thăm của tàu CSB 8004 tới thành phố Kobe lần này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa hai lực lượng, đồng thời cũng sẽ góp phần thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai nước và hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Ngài Tư lệnh Vùng 5/ Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản kế thúc bài phát biểu chào mừng của mình bằng lời cầu nguyện cho sự an toàn được đảm bảo trên toàn khu vực.

Sau lễ đón tàu CSB 8004 là một chuỗi các hoạt động của đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam tại Nhật Bản. Trong sáng 3/10, Đại tá Lê Thanh Hải dẫn đầu đoàn công tác đã đến chào xã giao chính quyền địa phương tỉnh Hyogo, thành phố Kobe và Vùng 5/Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Tại các nơi đoàn đến, thay mặt đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam, Đại tá Lê Thanh Hải cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, trọng thị, thắm tình hữu nghị của các cấp chính quyền địa phương nói chung và Vùng 5, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản nói riêng. Đồng chí trưởng đoàn cũng bày tỏ niềm vui khi được đặt chân đến thành phố Kobe xinh đẹp, con người hồn hậu, mến khách cũng như những thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh Hyogo.

Đại tá Lê Thanh Hải nhấn mạnh, đây là chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa quan trọng, nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973 - 21/9/2023). Thông qua chuyến đi nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Đồng thời đây là dịp để hai bên có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, tăng cường phối hợp đối phó với các thách thức trong vấn đề an ninh truyền thống và phi truyển thống trên biển. Qua đó góp phần tăng cường giao lưu, hợp tác và phát triển giữa hai lực lượng.

Tại các cuộc gặp, những người đứng đầu của tỉnh Hyogo, thành phố Kobe và Vùng 5/Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đều bày tỏ sự vui mừng và trân trọng khi được đón đoàn đại biểu Cảnh sát biển Việt Nam và tàu CSB 8004 đến thành phố cảng Kobe để thực hiện các hoạt động tại đây. Lãnh đạo các cấp hy vọng, chuyến đi này của Cảnh sát biển Việt Nam tới Nhật Bản sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa hai lực lượng nói riêng, chính quyền và nhân dân tỉnh Hyogo, thành phố Kobe với chính quyền và nhân dân các địa phương của Việt Nam nói chung. Qua đó góp phần thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa hai Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam.

Những ấn tượng đẹp về đất nước, con người Nhật Bản nói chung, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản nói riêng còn đọng lại trong lòng mỗi thành viên đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam thông qua các hoạt động khác như tham quan, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về sơ cấp cứu trên tàu tuần tra Tosa; dự và tổ chức tiệc chiêu đãi giữa hai lực lượng; tham quan Trung tâm Điều phối giao thông trên vịnh Osaka; tham quan tàu tuần tra Settsu; tham quan các di tích lịch sử, văn hóa của thành phố Osaka, thành phố Kobe. Mỗi nơi đoàn đến, mỗi sự kiện mà đoàn tham gia đều cho thấy sự nghiêm cẩn trong công việc, tính chuyên nghiệp, hiện đại của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng như tính cách hiền lành, chăm chỉ, hồn hậu, mến khách của người dân đất nước Mặt trời mọc. Những ấn tượng đó sẽ luôn đọng lại trong tâm trí của mỗi thành viên đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam.

Góp phần khẳng định sự lớn mạnh của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

Sáng 6/10, tàu CSB 8004 chở đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam kéo 3 hồi còi tạm biệt thành phố cảng Kobe xinh đẹp, tiến ra vịnh Osaka thực hiện nội dung luyện tập chung tìm kiếm cứu nạn trên biển và nghi thức chia tay Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản để trở về Việt Nam sau 1 tuần lưu lại xứ sở hoa anh đào.

Tình huống giả định được đưa ra là: tàu CSB 8004 của Cảnh sát biển Việt Nam đang di chuyển trên vùng biển quốc tế, lân cận vùng biển phụ trách của Vùng 5/Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Trong lúc tàu CSB 8004 đang di chuyển trong vùng biển này, Trung tâm điều hành của Vùng 5/Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản thông báo với Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam (RCC) về việc có 2 người trên một tàu hàng gặp nạn, bị rơi xuống nước, gần khu vực di chuyển của tàu CSB 8004. Ngay sau khi nhận thông tin trên, RCC đã yêu cầu tàu Cảnh sát biển Việt Nam khẩn trương phối hợp thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn. Khi tàu CSB 8004 và các tàu tuần tra của Vùng 5/Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đến khu vực tìm kiếm thì thông báo cho nhau về tần số liên lạc, chia sẻ vị trí dự đoán trôi dạt của người bị nạn từ Trung tâm điều hành Vùng 5. Tiếp đó, máy bay trực thăng MH chở đội cứu hộ cơ động của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã bay ra và phát hiện phát hiện được 1 nạn nhân và tiến hành vớt lên máy bay. Tàu CSB 8004 đã hạ xuồng làm công tác tìm kiếm và vớt được nạn nhân thứ hai, đưa về tàu, tiến hành sơ cứu, bàn giao lại cho tàu Tosa rồi tiếp tục hành trình.

Là người làm công tác chỉ đạo luyện tập của Cảnh sát biển Việt Nam, Đại tá Phan Duy Cường, Trưởng phòng Cứu hộ, cứu nạn/Bộ Tham mưu Cảnh sát biển cho biết: “Nội dung luyện tập chung tìm kiếm cứu nạn trên vịnh Osaka hôm nay được hai bên thực hiện rất chặt chẽ và hiệu quả. Sở dĩ có được kết quả tốt này là do hai lực lượng đã có những buổi làm việc, thống nhất về nội dung, kế hoạch một cách chi tiết trước khi diễn ra; sự phối hợp, hiệp đồng nhịp nhàng trong quá trình luyện tập. Mặc dù thời gian diễn ra tuy ngắn nhưng có thể nói quy mô của buổi luyện tập tương đối lớn, tình huống sát với thực tế hoạt động của hai lực lượng. Thông qua luyện tập đã giúp cho Cảnh sát biển Việt Nam có cơ hội học hỏi, tiếp thu nhiều kinh nghiệm từ phía bạn cũng như góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau trong phương pháp, cách thức tổ chức tìm kiếm, kỹ thuật cứu hộ, cứu nạn trên biển!”.

Chương trình luyện tập chung trên biển kết thúc cũng là lúc các tàu của hai lực lượng thực hiện nghi thức phun nước chào tạm biệt nhau. Trong tiếng còi tàu rền vang trên vịnh Osaka, những cái vẫy tay đầy lưu luyến giữa đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam và thủy thủ đoàn các tàu bạn, con tàu CSB 8004 tiến ra khỏi vịnh Osaka để trở về quê hương Việt Nam thân yêu đem theo những dấu ấn tốt đẹp của chuyến hải trình đáng nhớ. Một chuyến hải trình của tình hữu nghị, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản nói chung; sự hợp tác, phát triển giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản vì một vùng biển hòa bình, ổn định trong khu vực.

Theo Đại tá Lê Thanh Hải, chuyến thăm và giao lưu với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Bên cạnh ý nghĩa về chính trị, chuyến công tác của tàu CSB 8004 lần này là dịp để cán bộ chỉ huy, nhân viên các ngành nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, khả năng thao tác, làm chủ vũ khí, trang bị trong điều kiện hoạt động dài ngày trên biển; từ đó tích lũy thêm những kinh nghiệm quý trong tổ chức, đưa tàu đi tham dự các hoạt động đối ngoại quốc phòng của Cảnh sát biển Việt Nam. Thành công của chuyến công tác sẽ góp phần khẳng định sự lớn mạnh, vai trò, vị thế của của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Các đại biểu tặng hoa tri ân ông, bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê
Trưng bày cố định Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng
(Ngày Nay) - Nhân dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005-2024), sáng ngày 23/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (97 Phó Đức Chính, Q.1) đã khai mạc Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng nhằm tôn vinh di sản nghệ thuật của danh họa này.
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
(Ngày Nay) - Chùa Pháp Hoa là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng Thành phố Hồ Chí Minh. Nằm ở trung tâm thành phố xô bồ, chùa Pháp Hoa yên bình tĩnh lặng đến lạ. Không chỉ là ngôi chùa cổ có lịch sử gần 100 năm, nơi đây còn là cái nôi văn hóa Phật pháp, được nhiều du khách thập phương tìm về hành hương mỗi dịp lễ Phật.
Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường
(Ngày Nay) -  Để ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường, tỉnh Ninh Thuận tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và kinh tế - xã hội. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế để bảo vệ môi trường hiệu quả, bền vững.
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.