Phóng viên (PV): “Tuyển chọn chủng vi khuẩn Bacillus từ ruột tôm để tạo chế phẩm Probiotic giúp nâng cao chất lượng và sản lượng tôm nuôi” là đề tài mà các bạn vừa giành giải trong cuộc thi Khoa học, kỹ thuật quốc tế Intel - Isef 2015 tổ chức tại Mỹ. Hãy chia sẻ với bạn đọc Thời Nay về đề tài này?
Hai bạn Nguyễn Minh Quang và Trần Vân Anh |
Vân Anh: Đề tài “Tuyển chọn chủng vi khuẩn Bacillus từ ruột tôm để tạo chế phẩm Probiotic giúp nâng cao chất lượng và sản lượng tôm nuôi” bắt đầu ý tưởng từ một chuyến thực địa của tôi đến tỉnh Bến Tre và nhận ra tôm chết rất nhiều do dịch bệnh trong khi các chế phẩm probiotic bảo vệ tôm thì vẫn còn hạn chế. Ý tưởng phân lập một chủng vi khuẩn mới để có thể bảo vệ tôm, giúp tôm khỏe hơn bắt đầu từ đó. Vi khuẩn sống trong ruột tôm là một hệ cộng sinh, khi vi khuẩn ở trong đó thì sẽ sinh ra các enzim giúp cho tôm phân giải thức ăn và hỗ trợ cho đường tiêu hóa tốt hơn. Bacillus là một chủng vi khuẩn có lợi, khi đưa vào ruột tôm với số lượng lớn thì sẽ giúp tôm tiêu hóa thức ăn nhanh hơn. Ngoài ra, chủng vi khuẩn này kháng lại một số vi khuẩn khác có hại cho tôm, từ đó giúp tôm sống khỏe hơn. Vi khuẩn Bacillus đã được nhiều người nghiên cứu, tuy nhiên, việc lấy vi khuẩn này từ chính ruột con tôm rồi nhân giống, rồi trả lại cho ruột tôm để chúng phát triển thì đây là lần đầu.
PV: Vậy, hai bạn đã thực hiện nghiên cứu này tại Bến Tre?
Minh Quang: Mẫu tôm và thử nghiệm sản phẩm thì chúng tôi thực hiện tại tỉnh Bến Tre, còn việc nghiên cứu, phân tích và nuôi cấy vi khuẩn được thực hiện tại Hà Nội. Sau khi ý tưởng của chúng tôi được Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đồng ý cho thực hiện đề tài và giao cô Vân Anh (Khoa Sinh học) trực tiếp hướng dẫn, chúng tôi phải trải qua một lớp học để bảo đảm các kỹ thuật an toàn trong phòng thí nghiệm rồi mới được thực hành. Chúng tôi lấy tôm sống từ Bến Tre mang ra Hà Nội, nghiền nát ruột tôm, phân tích và cấy trải cho vi khuẩn Bacillus phát triển. Sau khi chọn được những chủng vi khuẩn tốt nhất thì tiếp tục phối hợp một số công ty có đầy đủ thiết bị để nhân giống chủng này số lượng lớn và tạo thành một loại chế phẩm cho tôm ăn được. Số lượng chế phẩm ban đầu chúng tôi làm là 50 kg, rồi gửi vào thử nghiệm tại đầm tôm ở Bến Tre. Cứ một kg chế phẩm thì hòa được một tấn thức ăn nuôi tôm. Quá trình cho tôm ăn kéo dài khoảng ba tháng mới có thể ra được kết quả. Tỷ lệ sống của tôm tăng rất mạnh 70%, trọng lượng tăng 50%, sản lượng tôm tăng 82%, hơn hẳn các chế phẩm hiện tại bà con đang sử dụng. Điều này rất có ý nghĩa với người nuôi tôm vì nếu một đầm tôm không bị dịch bệnh thì tỷ lệ chết tự nhiên chỉ từ 2-5%, còn nếu đầm tôm bị dịch bệnh thì tôm chết hết hoặc ko thì phải tiêu hủy hết vì nó sẽ lây lan cho cả đầm khác. Vì vậy, nếu tôm khỏe, rủi ro sẽ ít hơn. Hơn nữa, chất lượng tôm tốt cũng giúp cho việc xuất khẩu dễ dàng hơn.
PV: Trở về từ cuộc thi, các bạn mong muốn và có ý tưởng gì tiếp theo cho đề tài nghiên cứu của mình?
Vân Anh: Khi mục tiêu đầu tiên trong kết quả nghiên cứu là tìm ra một loại vi khuẩn giúp nâng cao năng suất và chất lượng của tôm đã hoàn thành thì chúng tôi phát hiện ở vi khuẩn Bacillus lại chia ra hai chủng vi khuẩn nhỏ mà một loại tăng sản lượng và một loại tăng chất lượng. Chế phẩm mà chúng tôi dùng thử nghiệm cũng phân thành loại. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tiếp tục tìm ra một công thức hợp lý để kết hợp hai loại, giúp các chủ đầm tôm dễ dàng hơn trong quá trình sử dụng.
Minh Quang: Đề tài thực hiện hơn một năm qua khi chúng tôi mới là học sinh THPT, vì vậy chúng tôi không có kinh nghiệm hay chuyên môn sâu về việc xây dựng sản phẩm và thương mại hóa. Vì vậy, tôi mong muốn sau này sản phẩm này sẽ được phổ biến rộng rãi trong sản xuất để giúp phát triển kinh tế.
PV: Cảm ơn hai bạn và chúc những ý tưởng của các bạn sẽ sớm được phổ biến trong ngành nuôi trồng thuỷ sản nước ta!
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Chuyện lập nghiệp của lão nông miền Tây kiếm tiền tỷ nhờ nuôi cá nước ngọt ở cửa biển