Thành công trong tương lai của một đứa trẻ được quyết định bao nhiêu bởi trí tuệ bẩm sinh? Nhà kinh tế học James Heckman (Mỹ) đã hỏi nhiều người không làm trong lĩnh vực khoa học, trong đó có nhiều chính trị gia, về mối liên hệ giữa thu nhập và chỉ số thông minh (IQ). Phần lớn cho rằng tỷ lệ là 25%, có người thậm chí nói là 50%. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy tỷ lệ này rất thấp, chỉ khoảng 1-2%.
Câu hỏi đặt ra là nếu IQ chỉ là một yếu tố rất nhỏ ảnh hưởng đến thành công, đâu mới là yếu tố chính? Các nhà khoa học chưa có câu trả lời chính xác, dù trong nhiều trường hợp, may mắn cũng có tác động.
Theo nghiên cứu tháng trước mà Heckman là đồng tác giả, chìa khóa thành công chính là tính cách. Ông kết luận thành công tài chính có mối liên hệ với sự tận tụy – tính cách đặc trưng bởi sự chăm chỉ, kiên nhẫn và kỷ luật. Nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Science.
Để đi đến kết luận này, nhóm của ông đã nghiên cứu 4 bộ dữ liệu khác nhau, gồm điểm IQ, kết quả các bài kiểm tra đã được chuẩn hóa, điểm số ở trường và đánh giá tính cách. Khảo sát được thực hiện trên hàng nghìn người ở Anh, Mỹ và Hà Lan. Một số bộ dữ liệu còn theo dấu người được khảo sát trong nhiều thập kỷ, ghi lại không chỉ thu nhập, mà còn hồ sơ phạm tội, chỉ số cơ thể (BMI) và độ hài lòng trong cuộc sống.
Nghiên cứu tìm ra rằng điểm số và các kết quả kiểm tra, đánh giá còn dự báo chính xác về thành công sau này hơn là IQ. Không như nhiều người vẫn nghĩ, Heckman cho rằng điểm số không chỉ phản ánh trí tuệ, mà còn phản ánh "các kỹ năng phi nhận thức", như kiên nhẫn, thói quen học tập tốt và khả năng hợp tác. Hay nói cách khác, đây chính là sự tận tụy.
Heckman đã giành giải Nobel Kinh tế năm 2000. Ông tin rằng thành công không chỉ nhờ khả năng bẩm sinh, nà còn nhờ các kỹ năng có thể được dạy sau này. Nghiên cứu riêng của ông cho thấy việc can thiệp ngay từ nhỏ có tác dụng. Và dĩ nhiên, sự tận tụy dễ đào tạo hơn nhiều so với IQ.
Dù vậy, ở một mức nào đó, IQ vẫn khá liên quan. Ví dụ, một người có IQ 70 sẽ không thể làm được nhiều việc một cách dễ dàng như người có IQ 190. Tuy nhiên, Heckman cho rằng nhiều người không thể tìm được việc làm vì thiếu các kỹ năng không đong đếm được bằng IQ. Ví dụ, họ không biết cách ứng xử trong các buổi phỏng vấn, như đến muộn, hay ăn mặc không phù hợp. Hoặc trong công việc, họ không làm nhiều hơn yêu cầu tối thiểu.
John Eric Humphries – đồng tác giả của báo cáo trên cho biết họ hy vọng nghiên cứu của mình sẽ làm rõ những hiểu lầm về trí tuệ. Thậm chí chính bản thân bài kiểm tra IQ cũng không chỉ đo lường về trí thông minh. Trong một nghiên cứu năm 2011, Angela Duckworth – nhà tâm lý học tại Đại học Pennsylvania cũng tìm ra điểm IQ còn phản ánh nỗ lực của con người. Do những người chăm chỉ, có động lực lớn sẽ cần mẫn giải các câu hỏi khó hơn là những người trí tuệ tương đương nhưng lười.
Dù vậy, việc nắn tính cách tại trường học không phải là điều dễ dàng. Vì không ai biết thế nào là đủ. IQ thì rất rõ ràng là càng cao càng tốt. Tận tụy cũng vậy. Tuy nhiên, những tính cách khác thì chỉ cần vừa phải. Ví dụ, chẳng ai muốn quá hướng nội đến mức không nói một câu nào, và cũng chẳng ai muốn hướng ngoại đến mức không bao giờ im lặng và lắng nghe.
Những nghiên cứu này còn có ý nghĩa về mặt kinh tế học. "Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là cải thiện mức sống của con người", Heckman cho biết. Vì yếu tố quan trọng tác động đến sự thịnh vượng của một cá nhân chính là kỹ năng. Nó sẽ giúp họ có cuộc sống tốt hơn sau này. Và điều đó có lợi cho cả xã hội.