Trò chuyện với kiến trúc sư, họa sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang, tôi mới biết, hình ảnh những con gà sum vầy trong tranh Đông Hồ chính là gà Hồ ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là giống gà tiến vua, một trong những loại gà quý ở Việt Nam.
Không chỉ là loại gà quý hiếm, gà Hồ xuất hiện trong tranh Đông Hồ chở theo những ước nguyện thầm kín của ông cha ta về cuộc sống an khang, thịnh vượng, sức khỏe, con đàn cháu đống, đại cát, đại lộc đón năm mới - họa sĩ Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
Ông chia sẻ: nhìn bề ngoài, gà Hồ rất đặc biệt, nó mang tầm vóc khá to so với các giống gà địa phương khác. Gà Hồ cũng hội tụ đủ những tiêu chuẩn “khó tính” nhất mà các cụ ngày xưa đặt ra: đầu công, mình ốc, cánh võ trai, đuôi nơm (chính cái nơm úp cá, để đạp mái dễ), da bụng, cổ màu đỏ, mào xuýt (mào kép), diều cân ở giữa, quản ngắn, đùi dài (cho thịt đùi nhiều) chân tròn, ngón tách nhau, da vàng, thịt ngon, lông mã lĩnh hay mận chín. Lông gà mái màu lá chuối hay màu võ nhãn, màu đất thó. Gà trống da vàng, màu lông mận chín hay mận đen, ngực nở, chân cao vừa phải, mào xuýt, thân hình chắc chắn.
Tranh dân gian Gà Thư hùng |
Trong quan niệm dân gian, gà mang đủ 5 đức tính tốt của người quân tử: Văn (mào đỏ tựa chiếc mũ cánh chuồn) - Võ (chân gà có cựa sắc nhọn như kiếm, dùng để chọi) - Dũng (thấy địch thủ, gà trống dũng cảm xông vào chiến đấu đến cùng) - Nhân (kiếm được mồi ngon gọi nhau cùng ăn) - Tín (hàng ngày gà gáy sang canh không bao giờ sai, đánh thức mọi người dậy đúng giờ).
Chính từ những đặc điểm nổi trội đó nên tranh Đông Hồ đã “ưu ái” dành hẳn một dòng tranh về gà. Những bức tranh này được nhiều gia đình treo trang trọng ở những vị trí đẹp, thậm chí người Đông Hồ có truyền thống tặng tranh ngày Tết với mong muốn trao những ước nguyện muôn thuở cho người thân, bạn bè.
Theo nghiên cứu của họa sĩ Nguyễn Trường Giang, gà trong tranh Đông Hồ có 6 loại chính và phổ biến: gà dạ xướng nhật minh, gà đại cát - nghinh Xuân, gà đàn, gà thư hùng, kê cúc, tam dương - thái thái - vinh hoa.
Mỗi loại gà lại mang một sức sống riêng, mong muốn riêng.
Gà dạ xướng nhật minh là chú gà trống gáy không bao giờ sai. Tầm vóc oai phong lẫm liệt, đi lại vững vàng, thể hiện một đức tính cao quý của con người là chữ Tín, luôn gáy đúng giờ đánh thức mọi người. Ý nghĩa của tranh gà dạ xướng nhật minh thể hiện một người luôn đúng giờ, coi trọng chữ Tín, mang theo nhiều điều tốt lành đón năm mới.
Tranh gà đại cát minh họa hình ảnh một con gà trống chân co, chân duỗi, giương cánh vỗ. Bên trên có hai chữ đại cát hoặc nghinh Xuân. Từ lâu, con gà “đại cát” đã đi vào lòng người Việt Nam như một lời chúc, mang ý nghĩa nghênh Xuân, một ý cổ động và được lặp lặp lại trong nhiều tranh khác, với lời chúc mọi người, mọi nhà đón Xuân và ăn Tết vui vẻ, tốt lành và may mắn.
Tranh gà đàn (gà mẹ - gà con): Bức tranh gà mẹ và 10 chú gà con được bố cục gọn ghẽ trong một hình chữ nhật nằm ngang, mỗi chú gà một vẻ, con nào cũng nghịch, đang rỉa lông rỉa cánh hay “nũng nịu” trên lưng mẹ bỗng dỏng cổ sau tiếng cục cục của gà mẹ, hướng về phía con mồi. Bức tranh là cầu nối chuyển tải mong ước của người nông dân về ước nguyện con đàn cháu đống, gia đình đông vui, hạnh phúc.
Tranh gà thư hùng lại mang ý nghĩa chúc nhau hạnh phúc, vợ chồng con cái sum họp, đầm ấm và đủ đầy. Theo KTS Nguyễn Trường Giang, các cụ kể lại, khoảng năm 1915, cụ Chánh Hoàn gả con gái cho anh Phán Vinh, cụ Đám Giác đã mừng đám cưới bằng một mẫu tranh mới là gà thư hung, với hình ảnh ấm áp về một gia đình gà có gà trống, gà mái và đàn con. Trên tranh có dòng chữ nôm “lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông”. Gà mái có bố cục theo đường xoắn ốc – tạo sự dịu dàng, nũng nịu. Gà trống được đặt trong một hình thang, đáy lớn nằm trên – tạo tư thế làm chủ, che chở cho gà mái và đàn con. Bức tranh gợi không khí hạnh phúc, đầm ấm trong một gia đình viên mãn.
Tranh Vinh Hoa với hình ảnh em bé ôm gà mang ý nghĩa chúc nhau có con trai ngoan hiền, sau này lớn lên cuộc đời sẽ hiển vinh.
Gà dạ xướng nhật minh |
Tranh kê cúc (gà trống bên cây cúc): Hình ảnh một chú gà hùng dũng, một chân gân guốc xoạc ra, chân kia bám vào tảng đá và rướn lên như sắp gáy, như sắp bước vào một trận quyết chiến thể hiện lòng quyết tâm và rắn rỏi giữa đời.
Điều đặc biệt hơn, theo họa sĩ Trường Giang, một năm có 12 tháng thì hình ảnh con gà trống được chọn là con vật tháng Giêng. Mọi người thường dán tranh ở cửa để cấm quỷ và cầu may mắn. “Những người am hiểu dòng tranh Đông Hồ đều tường tận và am hiểu ý nghĩa lớn lao của loại tranh này. Họ thường mua tranh vào cuối năm, treo tranh vào đầu năm mới để ước nguyện sức khỏe, bình yên, sung túc. Hình tượng gà trong tranh Đông Hồ không chỉ là lời nhắn nhủ của ông cha với cuộc sống trước đây mà nó vẫn còn mang ý nghĩa thời đại và tương lai" - ông Giang nói thêm.