Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ban hành một sắc lệnh đặc biệt vào ngày 6/8, nội dung liên quan đến việc cấm mọi giao dịch giữa Mỹ với tập đoàn công nghệ ByteDance (công ty mẹ của TikTok) và WeChat, ứng dụng nhắn tin của Tencent.
Ông Trump viện dẫn lý do "tình trạng khẩn cấp liên quan đến công nghệ và hệ thống thông tin liên lạc" để cấm "mọi giao dịch bởi bất kỳ cá nhân/tổ chức thuộc quyền tài phán của Mỹ". Sắc lệnh sẽ được áp dụng từ ngày 20/9.
Theo CNBC, khi thông tin về sắc lệnh mới của ông Trump được công bố, giá cổ phiếu của hàng loạt tập đoàn công nghệ ở Trung Quốc bắt đầu lao dốc. Đúng một ngày sau, cổ phiếu công nghệ Trung Quốc trên sàn chứng khoán Hong Kong bốc hơi hơn 100 tỷ USD.
Bên cạnh những ảnh hưởng về mặt kinh tế và chính trị, sắc lệnh mới của ông Trump như đang vẽ lại bản đồ cho ngành công nghệ, nhất là trong lĩnh vực mạng xã hội.
TikTok là vật tế thần hoàn hảo
ByteDance được thành lập năm 2012 bởi một doanh nhân Trung Quốc có tên là Zhang Yiming. Từ những ngày đầu, CEO của ByteDance đã xác định tham vọng xây dựng công ty này thành "tập đoàn toàn cầu", và Mỹ là vùng đất mà Zhang luôn muốn chinh phục.
Theo CNBC, sản phẩm nổi tiếng nhất của ByteDance là nền tảng chia sẻ video Douyin, được ra mắt vào năm 2016 tại thị trường Trung Quốc. Douyin có "anh em sinh đôi" là TikTok, ứng dụng hoạt động chủ yếu bên ngoài Trung Quốc.
Tại thị trường nội địa, Douyin là một nền tảng mạng xã hội rất phổ biến. Tháng 7/2018, ByteDance cho biết cứ 2 người Trung Quốc thì sẽ có 1 người đang dùng Douyin. Với điểm tựa là Trung Quốc đại lục, ByteDance bắt đầu phát triển TikTok ở các khu vực khác như Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ...
Chỉ mới xuất hiện tại Mỹ từ năm 2018, TikTok nhanh chóng có hơn 100 triệu người dùng hàng tháng tại thị trường này, thành một đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực mạng xã hội với Facebook, Twitter và Snap.
CEO ByteDance Zhang Yiming luôn muốn chinh phục thị trường Mỹ. - Ảnh: New York Times. |
Không chỉ có Douyin và TikTok, ByteDance còn được biết với hàng loạt ứng dụng công nghệ đặc biệt trong nhiều lĩnh vực khác. Ví dụ như nền tảng chia sẻ video tương tự như YouTube có tên Xigua, ứng dụng tổng hợp thông tin TopBuzz, ứng dụng bảo mật văn phòng Lark.
Không những đa dạng về sản phẩm, ByteDance còn thể hiện tham vọng vươn ra ngoài Trung Quốc với những ứng dụng đặc thù cho từng khu vực địa lý. Như mạng xã hội Helo có 15 loại ngôn ngữ vùng miền dành cho thị trường Ấn Độ, ứng dụng tổng hợp tin tức Babe tại Indonesia.
Nếu sắc lệnh của ông Trump được áp dụng, khả năng cao loạt ứng dụng quốc tế của ByteDance sẽ không tiếp tục xuất hiện trên CH Play (của Google) và App Store (Apple), tương tự như lệnh cấm của Huawei trước đó. Và nếu thương vụ Microsoft mua TikTok không được hoàn thành trước 20/9, ByteDance sẽ mất luôn thị phần 100 triệu người dùng TikTok tại Mỹ.
Như vậy, sắc lệnh của Tổng thống Trump có thể chặn đứng tham vọng toàn cầu hóa của một trong những công ty công nghệ đang phát triển mạnh mẽ nhất của Trung Quốc là ByteDance, đang có mức định giá khoảng 140 tỷ USD.
Sắc lệnh giúp Mỹ lấy lại vị thế độc tôn
Theo The Verge, CEO Facebook Mark Zuckerberg đã chỉ đích danh TikTok như một ví dụ về sự cạnh tranh trong lĩnh vực mạng xã hội, và các công ty Mỹ nên được phép tự do phát triển để chống lại sự trỗi dậy của các ứng dụng từ Trung Quốc.
Sau đó, Mark nhận định việc Tổng thống Trump cho phép Microsoft mua lại TikTok thay vì cấm hoàn toàn sẽ tạo ra "tiền lệ rất xấu trong tương lai, tác hại cho nước Mỹ và toàn thế giới".
Theo BuzzFeed News, đây là lần đầu tiên Mark xác định rõ ràng một ứng dụng từ Trung Quốc là đối thủ của Facebook. Trước đó, vị CEO 36 tuổi này ít khi đề cập các ứng dụng bên ngoài Mỹ. Ứng dụng nhắn tin iMessage, YouTube, Amazon và Google là những cái tên Mark thường lấy ví dụ khi so sánh với các sản phẩm của Facebook.
CEO Facebook xác định TikTok là đối thủ trong lĩnh vực mạng xã hôi với Facebook. - Ảnh: AP. |
Theo Buffer, trong danh sách 10 ứng dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới tính theo số lượng người dùng hàng tháng, có 6 ứng dụng từ các công ty của Mỹ, 3 ứng dụng của Tencent (WeChat, QQ, Qzone) và TikTok của ByteDance.
Nếu sắc lệnh cấm được thực hiện, ứng dụng TikTok có khả năng sẽ rời khỏi cuộc đua cạnh tranh với Facebook, Twitter hoặc YouTube. Trả lại vị thế độc tôn về mạng xã hội cho các công ty Mỹ kiểm soát.
Thậm chí nếu Microsoft mua lại 70% cổ phần TikTok, thì thương vụ sáp nhập này sẽ tạo một mạng xã hội mới vẫn của người Mỹ.
Khác với trường hợp TikTok, lệnh cấm WeChat có tác động lớn hơn rất nhiều. Theo Sydney Morning Herald, sắc lệnh cấm có thể khiến cuộc sống của ít nhất 6 triệu người dân liên quan tới Trung Quốc bị ảnh hưởng. Đây cũng là siêu ứng dụng, không chỉ đơn thuần là một app nhắn tin.