Bà ngồi nghỉ trước ngõ nhà ông thương binh, ông chú vào mùa hè thỉnh thoảng hò hét, leo thoăn thoắt tuốt lên ngọn cây đa trước cổng uỷ ban. Ông chú có cô con gái tên Thủy, hơn tôi 2 tuổi, học cùng trường tiểu học. Cái nghèo và sự yếm thế bởi người cha không bình thường có thể là lý do chị ấy luôn khép nép, ít nói.
Hôm ấy, chú thương binh ra ngồi cạnh bà cụ, họ nói chuyện, ông chú dẫn Thủy ra cùng, trên tay cô bé là cái bánh chưng đưa cho bà cụ, cùng ít tiền nhỏ. Tôi rất nhớ, vì lần đầu tiên thấy có người ở trên con phố này ôm lấy hai bố con họ tình cảm như vậy.
Tôi kể lại câu chuyện này vì gần đây vô tình gặp lại chị Thủy trong Thành phố Hồ Chí Minh, tại một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người già tuốt Thủ Đức. Chị cũng là người bảo trợ rất nhiều cho họ những ngày khó khăn trong đời dưới ngôi nhà này nhiều năm qua. Cô bé Thủy khi xưa đang hướng dẫn mấy bạn sinh viên bế lũ trẻ. Những bạn sinh viên ấy vẫn đến đây tay không mỗi cuối tuần chỉ để bế, phụ chị dọn dẹp, chăm những con người xa lạ.
Chị cũng nhớ ra tôi, bởi cả hai có điểm chung cùng có những ông bố “không bình thường” ở trong phố. Hai ông đều đã mất, 2 đứa trẻ bây giờ tuổi trung niên, có một thoáng chốc nhìn nhau mắt rơm rớm khi nhắc về họ.
“Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế người đời chúng ta chừng nào còn sống hãy cố gắng giúp nhau để cho tâm hồn trở nên bất tử. Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, và cứ như thế cho đến vô cùng…”. Đạo diễn Trần Văn Thuỷ.