Tết của người già khó định nghĩa, ngay cả cái việc trước Tết dăm hôm các cụ hò con cái gói bánh chưng cho các cháu xem. Nhiều nhà con cái nhăn như khỉ “Cần thì ra Quốc Hương mua, bánh ngon nhất rồi”.
Tâm hồn người cũ, chuyện cái bánh chưng thời nào cũng thế, nó là biểu tượng cho những năm tháng còn bình yên của các gia đình, khi trong nhà chưa có người ốm, khi cuối năm không phải đi trốn nợ, thành viên trong nhà đủ đầy... Bánh chưng là thứ bánh làm lấy “vui” trong cái không khí sum vầy cả nhà mỗi người một chân một tay.
Khi gói bánh chưng người ta không thể giả bộ sum vầy. Nó là thứ nghi thức truyền thống để sau này, đám lít nhít kia kìa, tiếng Anh tiếng Pháp iPad thành thần cũng biết mà nhớ mang máng rằng đã có lúc còn ông còn bà và những lúc ấm cúng gia đình... Còn thong dong để gói bánh chưng mỗi năm là trong lòng đã biết ơn, biết mọi thứ vuông vắn, biết mọi thứ còn tươi xanh. (Phan Thị Vàng Anh).
Không biết dăm chục năm nữa Tết như thế nào? Thế hệ con trai tôi có đòi bỏ Tết hay gộp với Tết Tây nữa không? Liệu chúng ăn Tết với mình hay lại cũng đi biền biệt? Không có gì chắc chắn, nhưng cũng hơi mơ hồ lo rằng nó quên.
Rồi nhỡ nhà có khách, mong đủ sức khỏe ra mở cửa kèm nụ cười, lỡ người ta có hỏi con ông đâu, chắc mắt đủ tinh tường giở điện thoại xem Facebook nó đang check-in ở đâu hay là nói dối cháu nó sang nhà bạn một lát?