Đối với thị trường Mỹ, xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện có mức tăng trưởng cao nhất, lên đến gần 50%. Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam lại nhập khẩu nhiều xăng dầu hơn cả với mức tăng trưởng lên đến 110%.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2018, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ là mặt hàng điện thoại và linh kiện với mức tăng trưởng 49,8%. Bên cạnh đó, xuất khẩu giày dép cũng tăng 14,6%; hàng dệt may tăng 12,4%.
Tiếp đến là EU đạt 38,2 tỷ USD, tăng 8,8%, trong đó hàng dệt may tăng 9,7%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 9,3%; điện thoại và linh kiện tăng 8%.
Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 38,1 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp đó, xuất khẩu sang ASEAN đạt 22,7 tỷ USD, tăng 14%; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 17,1 tỷ USD; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 16,9 tỷ USD.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 11 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 59,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017.
Thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều thứ hai là Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 43,5 tỷ USD, tăng 1,7%. Các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc là sắt thép và điện tử, máy tính và linh kiện.
Nhập khẩu từ ASEAN đạt 29 tỷ USD, tăng 13,5%, trong đó, mặt hàng ôtô nguyên chiếc có mức tăng trưởng mạnh nhất, tăng 29,5%.
Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu nhiều từ Nhật Bản với 17,5 tỷ USD, tăng 15,2%; EU đạt 12,6 tỷ USD, tăng 14,3%.
Riêng nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ đạt 11,8 tỷ USD, tăng 38,7%, trong đó nhập khẩu mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu tăng mạnh nhất với 185,7%.