“Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm, “Ước mơ làm công nhân” của Trần Phương Thảo, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của Nguyễn Thị Thắm..., là 3 trong số 20 bộ phim tài liệu được trình chiếu trong “Cuộc phiêu lưu của Varan Vietnam”. Những tác phẩm này được thực hiện trong khuôn khổ các khóa đào tạo về làm phim tài liệu do trại sáng tác Varan Vietnam tổ chức từ năm 2004.
Bằng phong cách làm phim hiện đại với trải nghiệm của điện ảnh trực tiếp, âm thanh đồng bộ và hạn chế đến mức tối đa lời bình, các phim tài liệu được dẫn dắt bằng chính những hình ảnh và lời nói trực tiếp của nhân vật trong phim, từ đó cuốn hút khán giả bằng sự đồng cảm với các nhân vật trong cuộc sống hằng ngày của họ.
Đề tài các cuốn phim phản ánh cuộc sống và những tâm tư tình cảm đa dạng của các cá nhân hoặc cộng đồng dân cư thuộc nhiều thành phần, hoặc ở thành thị, hoặc ở nông thôn, trong một xã hội Việt Nam mở cửa và phát triển nhanh chóng. Với những chiếc máy quay kỹ thuật số, các nhà làm phim trẻ mong muốn nói lên khát vọng vươn lên trong cuộc sống của những người dân Việt Nam bình dị.
Sau mỗi buổi trình chiếu, 6 đạo diễn, nhà sản xuất và dựng phim của Varan Vietnam là Trần Phương Thảo, Đoàn Hồng Lê, Phạm Thị Hảo, Swann Dubus, Hà Lệ Diễm và Nguyễn Ngọc Thảo Ly đã có những buổi tọa đàm, gặp gỡ công chúng để trao đổi về mục đích cũng như trải nghiệm của họ trong quá trình học tập và làm những thước phim tài liệu đầy tính nhân văn.
Nói về thành công của mình, đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm cho biết nhờ có sự hỗ trợ của Varan Vietnam, cô đã hoàn thành phim tài liệu thực tế đầu tay “Những đứa trẻ trong sương”. Phim mô tả cuộc sống của cô bé tên Di, người H’Mông sống tại Sapa (tỉnh Lào Cai), từ những ngày tháng tuổi thơ vô tư, hồn nhiên, đến khoảnh khắc em trở thành thiếu nữ.
Bộ phim phản ánh sự va chạm, xung đột giữa những giá trị văn hóa truyền thống với hiện đại, những thách thức mà các bé gái người dân tộc thiểu số phải đối mặt trong xã hội khi đối diện với tục kéo vợ của người dân tộc mình.
Mặc dù quá trình làm phim vất vả và kéo dài đến hơn 4 năm, nhưng Lệ Diễm tự hào khi tác phẩm dài 92 phút của cô đã gây được tiếng vang lớn không chỉ trên trường quốc tế mà còn được chào đón tại các rạp chiếu ở Việt Nam.
Được biết, phim đã tham gia gần 100 liên hoan phim quốc tế, đạt 34 giải thưởng lớn nhỏ, trong đó có Giải Clarens cho phim tài liệu nhân văn tại Liên hoan phim thực tế năm 2022 tại Pháp, và mới đây đã lọt vào top 15 đề cử cho phim tài liệu tại giải Oscar 2023 ở Mỹ. Riêng ở Việt Nam, chỉ sau hai tuần công chiếu, phim đã thu hút hơn 10.000 lượt xem tại các rạp.