Vụ cháy công ty Rạng Đông: Bộ đội hóa học chuẩn bị phương án tẩy độc

Liên quan đến vụ cháy công ty Rạng Đông, thiếu tướng Lê Mạnh Tiến cho biết binh chủng Hóa học đã chuẩn bị sẵn sàng để tẩy độc nhưng vẫn phải có đề nghị của UBND TP.Hà Nội, Công ty Rạng Đông đến Bộ Quốc phòng.
Cán bộ Viện Hóa học môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) lấy mẫu phân tích tại hiện trường vụ cháy
Cán bộ Viện Hóa học môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) lấy mẫu phân tích tại hiện trường vụ cháy

Các chuyên gia cho rằng, với lượng 15 - 27 kg thủy ngân có thể phát tán ra môi trường sau vụ cháy Công ty Rạng Đông, đây là sự cố phát tán thủy ngân lớn nhất từ trước tới nay.

Phải xử lý như sự cố về môi trường !

Trả lời Thanh Niên, TS Trần Thế Loãn, nguyên Cục phó Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cho biết đã từng xảy ra những sự cố phát tán hóa chất, a xít ra môi trường do cháy nổ, phương tiện vận chuyển gặp tai nạn. Nhưng đối với thủy ngân thì đây có thể coi là vụ việc lớn nhất từ trước đến nay.

“Đáng lẽ vụ cháy phải được xem là một sự cố môi trường. Việc phản ứng, ứng phó với sự cố phải giống như việc cấp cứu, càng hành động nhanh, khẩn trương thì càng tốt, để giảm tối đa ảnh hưởng và thiệt hại”, ông Loãn đánh giá và cho rằng trong những ngày đầu, các cơ quan chức năng đã có phần lúng túng, chậm trễ.

Trong khi đó, thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết lượng thủy ngân phát tán trong vụ cháy ở nhà máy của Công ty CP bóng đèn, phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) chưa đến ngưỡng “thảm họa”, nhưng dứt khoát phải xử lý triệt để.

Vụ cháy công ty Rạng Đông: Bộ đội hóa học chuẩn bị phương án tẩy độc ảnh 1

Ngày 5.9, cán bộ Viện Hóa học môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) lấy mẫu phân tích tại hiện trường vụ cháy Công ty Rạng Đông

GS Đặng Kim Chi, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, thì phân tích: “Kể cả khi chưa có kết quả chính thức về mức độ ô nhiễm thì việc khoanh vùng, cô lập vẫn rất cần thiết để giảm bớt nguy cơ phát tán những hóa chất độc hại ra môi trường. Nguyên tắc phòng ngừa phải đặt lên hàng đầu, vì phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh”. GS Chi cho rằng hiện tại vẫn chưa thể đánh giá một cách chính xác mức độ nghiêm trọng về môi trường do vụ cháy gây ra vì các thông tin những ngày qua đưa ra thiếu chính xác và thuyết phục.

Lên phương án tẩy độc môi trường sau vụ cháy

Chiều 7.9, thượng tá Đậu Xuân Hoài, Phó viện trưởng Viện Hóa học môi trường quân sự (Binh chủng Hoá học, Bộ Quốc phòng), cho hay chiều 5.9, cán bộ của Viện đã lấy 25 mẫu đất, bùn, tro xỉ, vữa tường... từ đám cháy ở Công ty Rạng Đông để tiến hành phân tích.

Theo thượng tá Hoài, hiện tại các cơ quan quản lý nhà nước mới công bố một số kết quả quan trắc như thủy ngân trong không khí, nước, đất... nên bên cạnh việc kế thừa kết quả này, Viện tiến hành lấy mẫu với các đối tượng phục vụ cho công tác tiêu độc sau này. “Chúng tôi cần biết tro xỉ cháy vương vãi trong nhà xưởng, kho, vữa tường, bùn đất ở cống rãnh, ngoài sông Tô Lịch, rồi số lượng lớn bóng đèn đã cháy... có mức độ ô nhiễm thế nào, tồn lưu trong đất ra sao, khi đó mới có phương án xử lý hiệu quả”, ông Hoài phân tích và cho hay kết quả phân tích của Viện sẽ có trong tuần tới.

Tuy nhiên, ông Hoài cũng thông tin việc lấy mẫu kể trên là theo chỉ đạo của thủ trưởng binh chủng, để lên phương án tiêu độc cho khu vực xảy ra sự cố. “Hiện tại chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản chính thức của TP.Hà Nội hay cơ quan chức năng nào đề nghị Binh chủng Hóa học tham gia xử lý sự cố tại nhà máy Rạng Đông”, thượng tá Hoài nói.

Sẽ có văn bản gửi TP.Hà Nội để quân đội tham gia xử lý

Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến cho hay theo quy định thì phân cấp xử lý vụ việc này vẫn thuộc trách nhiệm UBND TP.Hà Nội. Trong trường hợp UBND TP.Hà Nội không xử lý được thì phải đề nghị phía Bộ Quốc phòng tham gia hỗ trợ. “Binh chủng Hóa học đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, khi có lệnh của Bộ Quốc phòng thì vào cuộc ngay, nhưng vẫn phải có đề nghị của UBND TP.Hà Nội và Công ty Rạng Đông đến Bộ Quốc phòng”, ông Tiến cho hay. 

Cô lập 3 nguồn khả năng phát tán hóa chất độc hại

Theo GS Đặng Kim Chi, việc cô lập, khoanh vùng khu vực xảy ra sự cố như vụ cháy Công ty Rạng Đông cần phải thực hiện ở cả 3 “nguồn” có khả năng phát tán hóa chất, gồm không khí, nước và đất.

Đầu tiên là phải che chắn khu vực xảy ra sự cố bằng vải địa nhiệt hoặc vật liệu chuyên dùng. Đồng thời xem xét khả năng bay hơi của hóa chất độc hại để duy trì, đảm bảo nhiệt độ của khu vực sự cố thấp hơn nhiệt độ bay hơi của các hóa chất này.

Để ngăn sự phát tán hóa chất độc hại vào nguồn nước, phải đào hào xung quanh khu vực sự cố để nếu có mưa thì toàn bộ nước từ khu vực có nguồn hóa chất sẽ chảy vào rãnh rồi tiến hành thu gom, xử lý. “Nước này không được xả ra môi trường tự nhiên mà phải gom lại để xử lý đặc biệt. Thậm chí có thể phải hy sinh cả cái hồ để đặt vải địa nhiệt ở dưới rồi thu gom nước về đó để xử lý”, GS Chi cho hay.

Đối với chất thải rắn như đất, bụi, GS Chi cho rằng cần phải đưa về khu xử lý chất thải rắn nguy hại để xử lý chuyên biệt. Những người tham gia xử lý cũng phải trang bị mặt nạ phòng độc, quần áo, giày dép chống độc chuyên dùng. Người dân ở khu vực xung quanh tùy theo hàm lượng nhiễm độc có thể phải di dời và cách ly.

Theo thượng tá Hoài, hiện tại các cơ quan quản lý nhà nước mới công bố một số kết quả quan trắc như thủy ngân trong không khí, nước, đất... nên bên cạnh việc kế thừa kết quả này, Viện tiến hành lấy mẫu với các đối tượng phục vụ cho công tác tiêu độc sau này. “Chúng tôi cần biết tro xỉ cháy vương vãi trong nhà xưởng, kho, vữa tường, bùn đất ở cống rãnh, ngoài sông Tô Lịch, rồi số lượng lớn bóng đèn đã cháy... có mức độ ô nhiễm thế nào, tồn lưu trong đất ra sao, khi đó mới có phương án xử lý hiệu quả”, ông Hoài phân tích và cho hay kết quả phân tích của Viện sẽ có trong tuần tới.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, để xảy ra sự cố hóa chất là vấn đề nhạy cảm liên quan đến ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự và kinh tế xã hội, do đó sự tham gia của Bộ Quốc phòng là rất quan trọng để góp phần cung cấp thông tin, ổn định tình hình chính trị - xã hội của địa phương. “Ở vai trò của Văn phòng thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chúng tôi đang chuẩn bị văn bản gửi đến UBND TP.Hà Nội và Bộ TN-MT để các cơ quan này có đề nghị lực lượng quân đội tham gia xử lý các tàn dư, tiêu độc môi trường khu vực xảy ra vụ cháy”, thiếu tướng Tiến nói.

16 người nhập viện điều trị sau vụ cháy

Báo cáo cuối ngày 7.9 của Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong hai ngày 6 - 7.9, đã có 598 người dân (trong đó 84 người dưới 18 tuổi) sống gần vụ cháy Công ty Rạng Đông đã đến khám sức khoẻ tại 2 trạm y tế P.Hạ Đình và P.Thanh Xuân Trung (Hà Nội).

Trong số này, 204 người được chuyển tuyến trên để xét nghiệm thủy ngân và một số xét nghiệm chuyên khoa, trong đó 16 trường hợp phải điều trị tại các bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa. Đợt khám này dự kiến đến hết 12.9. 

Theo Thanh Niên
TIN LIÊN QUAN
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.