Người cõng sách “thần kinh”
Lần đầu tiên Nguyễn Quang Thạch bước vào phòng giáo dục huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, người ta nghĩ rằng “anh này có vấn đề về đầu óc”. Khó mà không nghĩ vậy. Một người đàn ông xa lạ đến, rao giảng về tầm quan trọng của sách với học sinh, và tuyên bố sẽ xây dựng tủ sách đến từng lớp học trong địa bàn, không mất một đồng nào - chỉ cần lãnh đạo Phòng Giáo dục ủng hộ.
Nhà giáo ưu tú Phạm Đức Phiệt, Trưởng phòng Giáo dục huyện Thái Thuỵ khi ấy, nhớ về lần đầu tiên gặp Thạch, đã không nén được việc đưa ngón tay lên chỉ vào thái dương, ý nói thần kinh cậu này không bình thường.
Nhiều người nghĩ như vậy, gồm cả những người thân thiết. Những ngày đầu tiên, Thạch xuống Thái Bình để xây dựng tủ sách lớp học, anh ở nhờ nhà một người bạn. Cứ đi bộ khắp vùng cả ngày, tìm hiểu, thăm dò về tình trạng đọc sách của trẻ, rồi buổi tối trở về. Vợ của người bạn, cũng là một giáo viên trung học trong huyện, cũng không giấu được suy nghĩ anh là một kẻ “thần kinh”.
Nguyễn Quang Thạch bỏ lại rất nhiều thứ phía sau để quyết định đi làm “cách mạng thư viện” theo cách gọi của anh. Diễn đạt nôm na, thì đó là một công cuộc cõng sách về nông thôn để học sinh có sách đọc, để khuyến khích tinh thần tự học và tự đọc, và bổ sung vào một khoảng trống giáo dục mà theo anh là vô cùng nghiêm trọng.
Anh bỏ lại công việc ở một Ban quản lý dự án của Nhà nước, phụ trách nhiều dự án ODA lớn. Bỏ, sau khi nhận ra có những “lỗ đen” trong việc cấp và giải ngân vốn ODA tại Việt Nam. Bỏ, chỉ vì một ngày, phát hiện ra rằng nếu tiếp tục ở lại, anh sẽ phải thoả hiệp với nhiều điều bất cập để tồn tại.
Anh bỏ lại sự lo toan cho một cuộc sống bình thường và ổn định. Bỏ lại cả mối quan ngại về sức khoẻ của một người sắp qua tuổi thanh niên, bị bong võng mạc và đã mù hẳn một mắt. Để cứ thế dấn thân vào hành trình cõng sách.
Khi Nguyễn Quang Thạch bắt đầu khảo sát tại Thái Bình, số lượng sách trung bình mỗi năm được mượn từ thư viện nhà trường chỉ là 0,4 cuốn/học sinh/năm. Thư viện nghèo nàn. Thày cô không khuyến khích các em đọc ngoài sách giáo khoa. Phụ huynh cũng không tin rằng con mình cần đọc gì khác ngoài chương trình “chính khoá”.
Trong khi lũ trẻ rất muốn đọc sách. Có một hình ảnh làm Nguyễn Quang Thạch ám ảnh, đó là một lần, anh đến nói chuyện ở một trường tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Địa phương không nghèo, trường lớp cũng khang trang. Nhưng đến cuối buổi, có một em học sinh chạy theo anh ra đến tận cổng trường. “Chú ơi cho cháu xin một quyển sách” - em nói - “Cháu thích sách lắm nhưng không có tiền”.
Bây giờ thỉnh thoảng nghĩ đến hình ảnh ấy mắt anh vẫn cay xè. Nó nói với Thạch rằng lũ trẻ có nhu cầu khám phá tri thức tự thân, và những gì người lớn đang làm, là tước đoạt đi nhu cầu ấy. Anh đặt ra mục tiêu mang sách về cho 15 triệu trẻ em nông thôn.
Anh không có tiền. Ít người biết rằng Nguyễn Quang Thạch có một pháp nhân, là người đứng đầu một tổ chức mang tên “Trung tâm hỗ trợ phát triển tri thức cộng đồng”. Nhưng về cơ bản, phần lớn thời gian Thạch cô độc: Tiền trả lương nhân viên cũng là một vấn đề với anh. Chủ yếu, người đàn ông quê Hà Tĩnh này sử dụng ý chí và sự kiên trì để thuyết phục những người khác song hành: Từ các lãnh đạo phòng giáo dục địa phương, các thầy cô giáo, các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội cho đến từng gia đình nông thôn.
Anh cứ lang thang đi khắp Việt Nam trong một chiếc áo sơ mi màu trắng đã cũ sờn, một đôi giày Adidas bẩn và mòn đế, hành trang chỉ gói gọn trong một cái ba lô cũ kỹ.
Sẽ rất khó để người ta tin tưởng một người “tay không bắt giặc” và đề ra một mục tiêu quá lớn là “Sách hoá nông thôn” - như tên gọi chương trình của anh. Nhưng bên cạnh những người nghĩ rằng Thạch “thần kinh”, vẫn có những người bị ý nguyện của anh thuyết phục.
Lãnh đạo của một tổ chức chuyên hỗ trợ các dự án xã hội, kể rằng bà đã rơi nước mắt khi nghe Thạch trình bày về ý tưởng của mình. Người phụ nữ đó sau này đã cấp cho Thạch 7.000 USD để hỗ trợ chương trình. Bà kể rằng thật ra những vấn đề liên quan đến giấy tờ, báo cáo, của Nguyễn Quang Thạch, chẳng hề đạt “chuẩn” của một tổ chức phi chính phủ. Nhưng họ hiểu hết. Người đàn ông đó phần lớn cô độc trong cuộc hành trình này. “Đại bản doanh” của anh là một căn phòng chưa đầy 10 mét vuông, dưới tầng hầm, thuê từ một người họ hàng tại Hà Nội. Sẽ không khó để bắt gặp anh mặc một chiếc áo phông đã rách, từ ngày này qua ngày khác, từ cuộc gặp với giáo sư này sang nhà báo khác.
Vững như Thạch
Phương pháp luận của Nguyễn Quang Thạch là gì? Tại sao chỉ có một mình, tiền không có, lại đặt ra mục tiêu sách hoá nông thôn, và cho đến giờ đã cùng xã hội xây dựng được 10.000 tủ sách trên khắp đất nước?
Đầu tiên, Thạch khẳng định rằng việc trẻ em nông thôn không có sách, và không được đọc ngoài sách giáo khoa là một quốc nạn. Trong mắt anh, không có gì có thể biện minh cho điều đó, dù là cái nghèo, hay tâm lý “ăn còn không đủ thời gian đâu mà đọc sách”. Hoạt động tự đọc và tự học của trẻ em, với anh là thứ sẽ định dạng tương lai của đất nước và không ai có thể cưỡng đoạt. Không cho trẻ đọc sách, là một tội ác.
Sau đó anh “chẻ” trách nhiệm của việc này về phía từng bên: Nhà trường, nơi không hề có hoạt động khuyến khích đọc, với những thư viện nghèo nàn và thày cô giáo vốn cũng được nuôi dạy mà không hề có sách - không thực sự hiểu giá trị của việc đọc; cộng đồng xã hội, nơi nhiều đang không ý thức được “quốc nạn” thiếu sách ở trẻ em nông thôn; gia đình, nơi muốn con cái học rộng biết nhiều, thay đổi tương lai nhưng không ý thức được quyền đọc sách của trẻ.
Rồi cuối cùng, là những phép tính đơn giản: Nếu mỗi người góp chỉ vài trăm nghìn đồng một năm, thì sẽ có bao nhiêu trẻ em trên cả nước có sách đọc, cả một thế hệ được “xoá mù tri thức” và thay đổi tương lai đất nước.
Những luận điểm đó, Thạch có thể nói bao nhiêu lần cũng được, ngày qua ngày, trong suốt gần 20 năm. Anh không chuyển hoá các thông điệp của mình trở nên dễ nghe hơn, để phục vụ mục đích truyền thông, kêu gọi, quyên góp sách cho trẻ. Tội ác là tội ác. Tước đoạt là tước đoạt. Chính tác giả của bài viết này, cũng đã nhiều lần góp ý với Nguyễn Quang Thạch để “truyền thông tốt hơn” - nhưng anh cương quyết bám lấy những luận điểm rắn chắc của mình.
Đem điều đó đi nói với 10 người, có thể 10 người cùng cho rằng Thạch bị điên. Đem đi nói với 100 người, có người bị thuyết phục. Nói với 1.000 người, rồi 10.000 người, anh xây dựng được một cộng đồng những người có cùng ý thức: Trẻ em nông thôn không có sách đọc đúng là quốc nạn. Rồi các mô hình bắt đầu ra đời. Tủ sách phụ huynh, tủ sách dòng họ, tủ sách giáo xứ,… đều là những “hụi tri thức” theo cách gọi của tiến sỹ kinh tế Nguyễn Đức Thành: Mỗi người trong từng cộng đồng sẽ đóng góp những khoản tiền rất nhỏ để mua sách, mỗi tủ sách đặt trong lớp học chỉ tốn có 1,5 triệu đồng. Nhưng rồi sau đó, trẻ sẽ có sách đọc thường xuyên.
Thạch rất vững. Mắt anh bị bệnh. Một mắt đã mù. Mắt kia đau nhức suốt những hành trình đi bộ xuyên Việt để kêu gọi sách hoá nông thôn. Rồi cái sống lưng của người đàn ông ngoài 40 không chịu nổi cuộc hành xác, cũng đã hỏng, với những cơn đau kéo dài.
Những thành quả đầu tiên
Năm 2013, em Uông Hải Minh, một học sinh lớp 8 ở Thái Bình, viết cho Bộ trưởng giáo dục khi đó là ông Phạm Vũ Luận một lá thư. Em nói rằng nhờ có tủ sách phụ huynh mà chú Thạch giúp xây dựng, cháu đã có sách đọc thường xuyên, và mong Bộ trưởng tìm cách để các bạn nông thôn khác cũng có sách đọc như cháu. Rồi cô bé nhờ Nguyễn Quang Thạch chuyển nó đến cho Bộ trưởng.
Lá thư đó chững chạc đến mức chính anh Thạch cũng không dám tin rằng một đứa trẻ hơn 10 tuổi đầu có thể viết được như thế. Anh hỏi vặn rất nhiều lần mới dám tin rằng đó thực sự là lời Minh muốn nói.
Lá thư được gửi đến Bộ Giáo dục mà rất lâu sau không có hồi đáp. Anh lại nhờ đến báo chí. Nhiều báo không hợp tác vì cho rằng lá thư như thế ngày nào Bộ trưởng chẳng nhận cả trăm. Nhưng rồi nó cũng xuất hiện trên mặt báo. Một ngày cuối tháng 9 năm ngoái, khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về thăm Thái Bình, ông gặp lại Uông Hải Minh, và nói với em trước mặt báo chí: “Vì lá thư của cháu mà bác ở đây”.
Câu chuyện ấy hay được Nguyễn Quang Thạch kể lại để nói về ý thức của một đứa trẻ có thể đáng ngạc nhiên thế nào khi nó được tiếp cận với sách, với tri thức. Và hành trình 2 năm của lá thư, nói lên sự kiên trì của Thạch trong việc thuyết phục các bên cùng “sách hoá nông thôn”.
Sau nhiều năm, bắt đầu từ huyện Quỳnh Phụ, sau đó là huyện Thái Thuỵ - nơi thày Phiệt nghĩ anh là “đồ thần kinh”, rồi đến tỉnh Thái Bình, bây giờ ngay cả Bộ Giáo dục cũng đã bị thuyết phục bởi ý tưởng của Thạch. Chính Bộ trưởng Luận đã cùng anh đi thực địa. Rồi sau đó, Bộ Giáo dục ra một văn bản đề nghị cả nước cùng phát triển mô hình tủ sách lớp học.
20 năm lặn lội với hành trình cõng sách, 10.000 tủ sách đã được xây dựng, hàng triệu người đã được đọc, được nghe và hiểu được tinh thần của Nguyễn Quang Thạch. Anh cũng đã được ghi nhận ở tầm thế giới. UNESCO đã trao cho Thạch giải thưởng Xoá mù tri thức 2016 vì những đóng góp của mình.
Nhưng Nguyễn Quang Thạch sẽ không dừng lại, bởi những thành công ấy là quá nhỏ so với những gì anh mơ ước. Trước ngày sang Pháp nhận giải thưởng lớn của UNESCO, vẫn một cái áo rách mặc hai ngày, đến một cái va li cũng chưa kịp mua (vì trước nay có mỗi cái ba lô), vẫn đi gặp các nhân sỹ trí thức và báo giới để tiếp tục bắn đi thông điệp về 15 triệu trẻ em nông thôn khát sách.
Và Thạch đã bắt đầu nói đến việc sẽ đem mô hình của mình sang những vùng khó khăn khác của thế giới. Đại sứ Việt Nam tại Indonesia đang rất muốn cùng làm điều gì đó với anh tại quốc gia cũng có hàng chục triệu đứa trẻ “khát sách” này.
Anh sẽ lại đi…
(Đức Hoàng)