Lãnh đạo EU đã tham gia vào các cuộc tranh cãi gay gắt với các công ty dược về tình trạng thiếu nguồn cung vaccine và các nghĩa vụ pháp lý. Việc chậm triển khai tiêm chủng cho người dân gây ra làn sóng phẫn nộ tại châu Âu.
Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới Hans Kluge cho biết các quốc gia cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
"Ngoài ra, các công ty dược phẩm cạnh tranh cũng phải gia tăng năng lực sản xuất, đó là những gì chúng ta cần," ông Kluge nói.
Trong một dấu hiệu cho thấy sự cấp bách ngày càng tăng, nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell cho biết ông hy vọng vaccine Sputnik V của Nga sẽ sớm được chấp thuận sử dụng ở châu Âu.
“Đó là tin tốt cho toàn nhân loại vì nó có nghĩa là chúng ta sẽ có thêm công cụ để chống lại đại dịch", ông Borrell khẳng định.
Các chuyên gia đã cảnh báo rằng vắc xin sẽ chỉ kiểm soát được sự lây lan nếu toàn thế giới được tiêm chủng. Mặc dù đã có hơn 115 triệu mũi tiêm đã được thực hiện cho đến nay, nhưng hầu hết đều ở các nước có thu nhập cao.
Ông Kluge nhắc lại lời kêu gọi của WHO đối với các quốc gia giàu có rằng hãy giúp đỡ các nước nghèo trên thế giới bằng cách chia sẻ nguồn vaccine.
Hãng dược phẩm Johnson & Johnson đã yêu cầu các cơ quan quản lý Mỹ phê chuẩn vaccine do công ty này sản xuất. Vaccine của Johnson & Johnson chỉ cần một liều và có thể được bảo quản ở nhiệt độ lạnh bình thường.
Tuy nhiên, các thử nghiệm đã chỉ ra rằng vaccine của Johnson & Johnson không hiệu quả đối với biến thể có khả năng lây lan cao lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi.