Danh mục sử dụng khẩn cấp của WHO là một tín hiệu cho các cơ quan quản lý quốc gia về tính an toàn và hiệu quả của vaccine. Nó cũng sẽ cho phép vaccine Sinovac được đưa vào COVAX, cơ chế phân phối vaccine chủ yếu cho các nước đang phát triển, vốn đang gặp phải vấn đề lớn về nguồn cung do Ấn Độ ngừng xuất khẩu.
Nhóm cố vấn kỹ thuật của WHO đã đưa ra quyết định sau khi xem xét dữ liệu lâm sàng mới nhất về tính an toàn và hiệu quả của vaccine Sinovac cũng như thực tiễn sản xuất của công ty.
Được gắn nhãn hiệu CoronaVac ở một số khu vực, đây là loại vaccine thứ hai do Trung Quốc phát triển được WHO phê chuẩn. Trước đó vaccine Sinopharm cũng đã được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp vào ngày 7/5.
Một loại vaccine thứ ba của Trung Quốc, do hãng dược CanSino Biologics sản xuất, đã nộp dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, nhưng chưa được WHO xem xét.
Sinovac cho biết họ đã cung cấp hơn 600 triệu liều vaccine trong và ngoài nước tính đến cuối tháng 5 và hơn 430 triệu liều đã được sử dụng.
Theo WHO, vaccine Sinovac có hiệu quả 51% với số ca có triệu chứng lâm sàng ngăn ngừa 100% số ca có biểu hiện nặng và phải nhập viện.
Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược riêng biệt của WHO (SAGE) trước đây đã cho biết trong một tài liệu đánh giá rằng hiệu quả của vaccine này trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III ở nhiều quốc gia dao động từ 51% đến 84%.
Bộ Y tế Indonesia ngày 12/5 cho biết nghiên cứu của nước này trên 120.000 nhân viên y tế đã được tiêm vaccine cho thấy nó có hiệu quả 94% trong việc ngăn ngừa các ca bệnh có triệu chứng.
Trong một đánh giá sơ bộ, hội đồng SAGE nhận thấy rằng vaccine Sinovac có hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 ở người trưởng thành dưới 60 tuổi, nhưng thiếu một số dữ liệu chất lượng về nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng.
Trung Quốc đã tiêm chủng hàng trăm triệu liều vaccine Sinopharm và Sinovac trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước, đặc biệt là ở Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi.