Dựa trên phân tích dữ liệu vệ tinh, nhóm nghiên cứu của WWF cho biết gần 59 triệu ha rừng đã tái sinh kể từ năm 2000. Rừng Đại Tây Dương ở Brazil đã mọc lại 4,2 triệu ha, gần tương đương diện tích đất nước Hà Lan. 1,2 triệu ha rừng cũng được tái sinh ở phía Bắc Mông Cổ. Một số diện tích rừng ở miền Trung châu Phi và Canada cũng được khôi phục.
Các nhà nghiên cứu cho rằng diện tích rừng được khôi phục trong 20 năm qua có khả năng hấp thụ 5,9 gigatonne khí CO2 - nhiều hơn tổng lượng khí phát thải hằng năm của Mỹ.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy những khu rừng được khôi phục bằng cách tự nhiên hoặc nhờ sự tác động của con người, như trồng cây bản địa hoặc rào chắn rừng để ngăn chặn việc chăn thả gia súc.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng bảo vệ và khôi phục rừng là giải pháp chống biến đổi khí hậu hiệu quả, những khu rừng hiện nay không chỉ hấp thụ khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều hơn mà còn bảo vệ động vật hoang dã và đa dạng sinh thái. Ông William Baldwin-Cantello, thuộc WWF chi nhánh tại Anh nhận định việc khôi phục rừng tự nhiên sẽ ít tốn kém hơn và hữu ích cho hệ sinh thái hơn là trồng rừng mới.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đồng thời cảnh báo thế giới đang mất các khu rừng với tốc độ "đáng sợ", nhanh hơn nhiều so với tốc độ rừng được tái sinh. Theo nghiên cứu, diện tích rừng Đại Tây Dương của Brazil hiện nay chỉ bằng 12% so với diện tích ban đầu. Cần tăng gấp đôi diện tích rừng này để đạt ngưỡng tổi thiểu nhằm duy trì sự bảo tồn.