Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm giai đoạn 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành nội vụ vào sáng 30/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá với vai trò là cơ quan chủ trì, giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực của công tác nội vụ, Bộ Nội vụ đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Toàn ngành nội vụ đã vượt qua mọi khó khăn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện và hoàn thành toàn diện, hiệu quả nhiệm vụ chính trị của ngành, trong đó có những việc lớn, quan trọng đạt kết quả nổi bật, được dư luận xã hội đồng tình, ghi nhận.
Cụ thể, nhiệm kỳ qua, ngành đã xây dựng và trình Trung ương ban hành 5 nghị quyết rất quan trọng là Nghị quyết 18, 19, 26, 27 và 28; trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư 9 văn bản, đề án. Đã tham mưu trình Quốc hội thông qua 4 luật; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội 14 nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 40 nghị định, 8 nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 05 quyết định và ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền 60 thông tư...
Công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính và sự nghiệp có nhiều tiến bộ mới, thiết thực đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm qua. Toàn ngành đã thực hiện đồng bộ, quyết tâm, quyết liệt việc sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền cho các bộ, ngành và địa phương góp phần thúc đẩy tính độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan các cấp trong việc quyết định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
Công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố có bước đột phá quan trọng. Trong 2 năm 2019-2020, toàn ngành Nội vụ đã tham mưu cấp có thẩm quyền tiến hành sáp nhập cấp huyện, cấp xã ở 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, giảm được 8 huyện; 557 xã, đồng thời giảm được 38.369 thôn, tổ dân phố so với thời điểm năm 2015.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Đây là kết quả có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, là cơ sở để các địa phương tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bên cạnh đó, ngành nội vụ cũng tham mưu Chính phủ hoàn thành việc giải quyết dứt điểm các vấn đề địa giới hành chính chưa thống nhất giữa các địa phương do lịch sử để lại.
Công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đổi mới, đạt kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới; công tác tuyển dụng cán bộ, công chức cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm. Công tác cải cách hành chính được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, tạo sự chuyển biến rõ rệt.
Bộ đã chủ động xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ điện tử, tạo hành lang pháp lý cho công tác văn thư, lưu trữ điện tử phát triển, hội nhập và tiến tới Chính phủ điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào công tác văn thư, lưu trữ, qua đó góp phần đưa hoạt động này vào nền nếp và phát huy tốt giá trị tài liệu lưu trữ được xã hội ghi nhận; quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cơ bản ổn định, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người được đảm bảo ngày càng tốt hơn, phát huy được nguồn lực của tôn giáo trong đời sống xã hội.
Công tác thi đua, khen thưởng có nhiều đổi mới cả về nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng. Việc thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở đã thực sự phát huy và nâng cao quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố vững chắc mối quan hệ tổng thể “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.
Công tác bình đẳng giới đạt nhiều tiến bộ nhất là về nữ cán bộ, công chức, viên chức, nữ doanh nhân, nữ trí thức, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ. Chính sách phát triển thanh niên Việt Nam từng bước được hoàn thiện góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên; tổ chức hoạt động của hội, quỹ được quan tâm, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hội, quỹ; tạo điều kiện để các tổ chức này hoạt động đúng hướng và hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước…
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, bên cạnh những kết quả đạt được, toàn ngành Nội vụ cần tập trung khắc phục một số tồn tại, hạn chế đó là, công tác truyền thông có mặt chưa sâu rộng, hiệu quả còn hạn chế, chưa tạo được sự thống nhất cao, đồng bộ trong nhận thức về chủ trương xây dựng chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Một số cấp uỷ, chính quyền và người đứng đầu chưa kiên quyết, tập trung thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi sắp xếp tổ chức; còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc còn có tư tưởng chờ đợi kết quả của các bộ, ngành, địa phương khác rồi mới triển khai thực hiện theo.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, yếu kém về phẩm chất, năng lực. Công tác kiểm tra, thanh tra có mặt còn hạn chế, nhất là việc xử lý, phục sai phạm khi được phát hiện còn chậm, chưa kiên quyết. Vẫn còn tình trạng chưa chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp với yêu cầu cấp thiết của thực tiễn đời sống...
Toàn cảnh Hội nghị. |
Nhấn mạnh, năm 2021 là năm có ý nghĩa chính trị sâu sắc, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2026 của Chính phủ, trong đó nhiệm vụ của ngành Nội vụ có vị trí, vai trò rất quan trọng, thiết thực xây dựng nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, đảm bảo công khai, minh bạch, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị toàn ngành cần tập trung làm tốt 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, thứ nhất là quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2026 tới đây để xây dựng chương trình công tác cho cả nhiệm kỳ, trong đó lưu ý tiếp tục tập trung công tác xây dựng thể chế đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực mà Bộ, ngành nội vụ được phân công.
Thứ hai, Bộ Nội vụ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước. Phát huy vai trò của cơ quan thường trực về cải cách hành chính. Trước mắt, ngành khẩn trương tham mưu Chính phủ tiến hành tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 và đề xuất nhiệm vụ cải về cách hành chính giai trong giai đoạn tới.
Thứ ba, tập trung xây dựng, hoàn thiện đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, lưu ý rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, phối hợp có hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót nhiệm vụ; chủ động trong việc phối hợp tổ chức thẩm định trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định quyết định về tổ chức của cơ quan để triển khai Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ mới. Rà soát, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị bên trong bộ, ngành và địa phương theo các tiêu chí, quy định, có cơ chế phối hợp hiệu quả trong xử lý các vấn đề liên ngành.
“Chúng ta phải nghiên cứu để có những cải tiến bộ máy tổ chức của Chính phủ cho phù hợp, vừa tinh gọn, vừa hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời cũng không bỏ sót nhiệm vụ nhưng quan trọng hơn là bên trong bộ phải tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không trùng chéo, và có mối quan hệ phối hợp một cách nhuần nhuyễn, nhanh chóng; không nên để tình trạng bộ máy quá nhiều cồng kềnh, tầng nấc”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh
Thứ tư, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Thay đổi nhận thức trong đánh giá, sử dụng cán bộ, chú trọng đến phẩm chất, năng lực thực thi nhiệm vụ thay vì chỉ quan tâm đến bằng cấp chứng chỉ.
Quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư do sắp xếp tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nghiên cứu có giải pháp đồng bộ dài hơi để khắc phục tình trạng thiếu biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, bảo đảm nguyên tắc có học sinh thì phải có giáo viên, có người bệnh thì phải có nhân viên y tế.
Tham mưu thực hiện chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xây dựng văn hóa công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại chuyên nghiệp hoạt động hiệu lực, hiệu quả ./.