Chương trình kỷ niệm vẫn có thể "thăng hoa" cùng tình yêu lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Được tổ chức đều đặn từ 15 năm nay vào đúng 2 giờ chiều ngày 2/9 - ngày Quốc khánh - ngay thời điểm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1945 - “Điều còn mãi”, từ một chương trình kỷ niệm Quốc khánh của một tờ báo - Báo điện tử Vietnamnet - đã trở thành một chương trình hòa nhạc quốc gia được mong đợi hàng năm.
Chương trình nghệ thuật "Điều còn mãi" 2024 ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả
Chương trình nghệ thuật "Điều còn mãi" 2024 ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả

Tình yêu đích thực thì không bao giờ cũ

Tác phẩm trình diễn trong “Điều còn mãi” luôn là những tác phẩm kinh điển, những bài ca đi cùng năm tháng. Thách thức của nhà tổ chức là phải làm sao cho những tác phẩm ấy vừa sống lại vẹn nguyên trong ký ức của những người cùng tuổi, cùng thế hệ với thời điểm tác phẩm ra đời, lại vừa chạm được vào trái tim của người nghe lần đầu.

Mùa thu này, lại là thử thách cũ và giải pháp mới của Trần Mạnh Hùng - người từ vai trò nhạc trưởng các mùa trước chuyển sang Giám đốc Âm nhạc 2 mùa gần đây.

Rất phóng khoáng và táo bạo: Hoà nhạc quốc gia mừng Tết độc lập đã mời Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời cùng nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine và khá đông nghệ sỹ trình tấu nước ngoài tham dự phần sáng tạo chính.

Sự cảm thấu và thăng hoa của các nghệ sỹ không mang dòng máu Việt với các tác phẩm âm nhạc kinh điển của một thời hoa lửa của các nhạc sỹ Việt Nam đã được thể hiện thật tinh tế : “Hành quân xa” nhọc nhằn, gập ghềnh “vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi” được dàn dây rỉ rả như tiếng dế đêm, mơn man như lúa hát nâng giọng 5 sỹ quan trẻ măng của nhóm Áo Lính. “Hò kéo pháo”, “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Tiến về Hà Nội”... hào hùng một thuở cũng được truyền tải theo phong cách ấy. Hoà bình cũng gần 50 năm rồi, tình yêu nước cũng không nhất thiết phải thể hiện máu lửa như thời đạn bom.

Chương trình kỷ niệm vẫn có thể "thăng hoa" cùng tình yêu lịch sử ảnh 1

Và, còn gì “xưa cũ” hơn “Người Hà Nội” - Bài hát siêu kinh điển, bất hủ, đã qua bao thế hệ hát rồi, mùa này Khánh Ngọc - giọng Opera hiếm hoi từ phương Nam hát thật xúc động.

Rất đông đảo khán giả các thế hệ đã quen với các phiên bản “Người Hà Nội” trước đây sẽ thấy bỡ ngỡ ở đoạn cuối khi bài hát kết thúc ở "ngày về" chứ không có hai chữ "chiến thắng" vút cao như mọi lần.

Chương trình kỷ niệm vẫn có thể "thăng hoa" cùng tình yêu lịch sử ảnh 2

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Minh Đức: “Chuyện này này đã được nói nhiều lần rồi, rằng bản gốc bài hát của Nguyễn Đình Thi chỉ có “ngày về” thôi và cũng không biết từ khi nào mà “chiến thắng” được thêm vào. Có “chiến thắng” thì cũng hay, mà không có thì vẫn hay theo cách của tác giả. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - người chuyển soạn ca khúc đã rất nhiều lần mong muốn đưa bản gốc đó lên sân khấu, gia đình nhạc sĩ cũng mong như vậy và đã có một vài lần bản “ngày về” được hát rồi. Hôm nay, trong ngày lễ Quốc khánh, với phiên bản rực rỡ này được truyền hình khắp nơi, thì mọi người sẽ biết thêm về một “Người Hà Nội” khác với mình từng nghe, và vẫn thăng hoa lộng lẫy.

Một bữa tiệc nghệ thuật chứ không phải mâm cỗ "cúng cụ" vô hồn

15 mùa biểu diễn thành công của Hoà nhạc "Điều còn mãi" mang đến nhiều gợi ý thú vị cho việc tổ chức các chương trình nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước

Dù nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước hay xã hội hoá, dù cơ quan đoàn thể hay cá nhân đứng ra tổ chức, ai cũng mong muốn sẽ có một chương trình tầm cỡ, nhiều đại biểu VIP đến dự, nhiều nghệ sỹ tham gia biểu diễn, nhiều nhà tài trợ am hiểu nghệ thuật rộng rãi ra tay, nhiều khán giả hưởng ứng trực tiếp và lan toả rộng rãi trên sóng truyền hình và các nền tảng khác. Nhưng thật sự hiếm có chương trình nào đạt được tất cả hoặc phần lớn các tiêu chí đó.

Chương trình kỷ niệm vẫn có thể "thăng hoa" cùng tình yêu lịch sử ảnh 3

Khán giả thường được chứng kiến một mâm cỗ ê hề đặc sản, có đủ tinh thần toàn dân kháng chiến, nếm mật nằm gai, xẻ dọc Trường Sơn, vít đầu thần sấm, Hà Nội linh thiêng hào hoa, công nông binh trí thức đoàn kết đủ thành phần, trang phục áo nâu áo bà ba áo trấn thủ áo dài nhất quyết không thiếu áo nào, đạo cụ từ gậy tầm vông đến bom ba càng, từ tháp pháo đến giáo án nhất định phải bê đủ lên sân khấu.

Rất sợ thiếu dữ kiện lịch sử và rất sợ khán giả không hiểu - tư duy minh hoạ của khá đông các nhà tổ chức, dẫn đến các chương trình cứ na ná như nhau: một chương trình tạp kỹ theo chủ đề lịch sử được sân khấu hoá có các bài hát và bản nhạc, điệu múa tập thể xen kẽ các phát biểu và các đoạn diễn giải lịch sử...

Chính vì thế, thật xúc động mỗi khi cả khán phòng đứng dậy đặt tay lên ngực cùng hát “Quốc ca” với dàn nhạc quốc tế mà chỉ huy là một nhạc trưởng nước ngoài.

Cũng như vậy, phút cả khán phòng vỗ tay theo nhịp bài “Bài ca Hồ Chí Minh” do các chàng trai nhóm Oplus thể hiện, một luồng sinh khí mới cho The Ballad of Ho Chi Minh nổi tiếng vốn đã vô cùng quen thuộc với khán giả Việt Nam qua giọng hát của nghệ sĩ Ewan MacColl hay giọng ca gân guốc hào sảng của Quang Hưng ngày xưa khiến khán giả hôm nay hoàn toàn tin được: nghệ thuật thực sự không có biên giới, không ngại thời gian.

An Trần 19 tuổi, con gái của nghệ sỹ Trần Mạnh Tuấn chơi saxophone bản “Tình ca Tây Bắc” của Bùi Đức Hạnh từng làm ngất ngây bao chàng trai cô gái 60 năm trước hay Bảo Yến, cô gái mới 22 tuổi đời, xinh đẹp như một đoá hoa rừng hát “Bài ca trên núi” có hơn 60 năm tồn tại cùng bộ phim kinh điển “Vợ chồng A Phủ” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương cũng là một minh chứng sinh động cho độ thấu cảm và lan toả của những tác phẩm đỉnh cao với các nghệ sỹ trẻ và khán giả hôm nay.

Chương trình kỷ niệm vẫn có thể "thăng hoa" cùng tình yêu lịch sử ảnh 4

Một số hình ảnh đẹp trong chương trình "Điều còn mãi" 2024

Không gian đẹp đẽ, trang trọng và đơn giản, hầu như không có chi tiết thừa, không có những lời dài dòng sáo rỗng, 2 tiếng đồng hồ của chiều 2/9 thiêng liêng hàng năm, hoà nhạc quốc gia “Điều còn mãi” thực sự là một hình thức tổ chức rất đáng suy nghĩ của các chương trình nghệ thuật chào mừng tầm cỡ quốc gia - nhất là khi năm 2025, năm của rất nhiều ngày đại lễ đang đến rất gần!

Các em nhỏ, cùng phụ huynh hào hứng tham gia buổi làm bánh Trung thu.
Vừa học làm bánh Trung thu, vừa hướng tới trẻ em vùng lũ
(Ngày Nay) - Tết Trung thu 2024 diễn ra trong những ngày miền Bắc gồng mình khắc phục cơn bão số 3. Tại Hà Nội, nhiều khu dân cư, trường học đã chuyển số tiền tổ chức Tết Trung thu sang từ thiện vùng lũ. Nhưng cũng có nơi vừa tổ chức buổi làm bánh Trung thu cho trẻ trải nghiệm, vừa hướng tới trẻ em vùng lũ bằng việc làm thiết thực.
Ngày mai ở Làng Nủ
Ngày mai ở Làng Nủ
(Ngày Nay) - Làng Nủ bình yên, làng Nủ xanh mát, làng Nủ… Cho đến cái ngày định mệnh 10/9. Cơn lũ từ đỉnh núi Voi đã san phẳng 37 ngôi nhà. Biến xóm làng bình yên trở thành một bãi bùn đất khổng lồ, tan hoang, tang tóc.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão số 3.
Tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm có thể giảm do bão số 3
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi. Bộ trưởng đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Có khoảng 1.000 người dân tại TP Hồ Chí Minh được khám tầm soát miễn phí bệnh lý về thận tại chương trình.
Người bệnh thận ngày càng trẻ hoá, làm sao để phát hiện sớm?
(Ngày Nay) - Theo PGS.TS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), tại Việt Nam, trong 100 người thì có khoảng 6 - 8 người có khả năng mắc các vấn đề về thận, đa phần là không có triệu chứng. Rất nhiều người trẻ mắc thận được phát hiện khi đã ở giai đoạn nặng và phải chạy thận.
Người dân vận chuyển nhu yếu phẩm vào hỗ trợ người dân trong vùng lũ xã Trí Yên, huyện Yên Dũng (Bắc Giang).
Chương trình nghệ thuật "Việt Nam kiên cường" chung tay vì đồng bào vùng bão lũ
(Ngày Nay) - Nhằm chung tay hỗ trợ đồng bào các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc chịu ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi), với tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Oscar Media và Báo Hà Nội Mới tổ chức thực hiện chương trình nghệ thuật “Chung tay vì đồng bào vùng bão lũ” với chủ đề “Việt Nam kiên cường”.