Chính phủ không ép
Theo con số vừa được ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết chiều 19/11, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp. Trong số trên có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017.
Tuy nhiên, đến ngày 10/9, các đơn vị mới thực hiện cổ phần hóa được 11 doanh nghiệp. Đáng nói là hai thành phố có số lượng doanh nghiệp phải cố phẩn hóa lớn nhưng vẫn trắng tay.
Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh theo kế hoạch phải thực hiện cổ phần hóa 39 doanh nghiệp, chiếm 44% tổng số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa năm nay. Hà Nội cũng phải cổ phần hóa 14 doanh nghiệp, chiếm 16% tổng số doanh nghiệp. Tuy vậy, cả hai thành phố hiện vẫn chưa triển khai được đơn vị nào.
Nhìn lại cả giai đoạn, đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo công văn của Thủ tướng, giai đoạn 2017-2020 phải cổ phần hóa 127 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tới nay, con số được tính toán là 26/127 doanh nghiệp trong kế hoạch trên được phê duyệt, chiếm tỷ lệ 20,4%.
Trả lời cho câu hỏi Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi đề nghị xin hoãn việc cổ phần hóa hay chưa, ông Quyết Tiến khẳng định, phía Bộ Tài chính chưa nhận được văn bản nào như vậy.
“Chúng tôi thấy chậm nên đôn đốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thẩm quyền là của Thủ tướng Chính phủ và các bộ chuyên ngành,” ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, nếu có đề nghị hoãn thì thành phố phải làm rõ được nguyên nhân, trách nhiệm ai chịu.
Ông nêu vấn đề, lúc xác định danh mục cổ phần hóa, các thành phố tự đăng ký danh sách và tiến độ, Chính phủ không ép tiến độ. Bởi vậy, khi đã đăng ký, công bố thì các đơn vị phải thực hiện, nếu không làm được phải chỉ ra lý do, phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Ông nhắc lại, hai thành phố trên hiện chưa có báo cáo. Tuy nhiên, theo ông, ngày 21/11, Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Có thể tại hội nghị này, các thành phố sẽ nêu giải trình.
Hậu cổ phần hóa, doanh nghiệp sống khỏe không?
Vấn đề đặt ra với lãnh đạo Bộ Tài chính là, các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa làm ăn ra sao, liệu có sống khỏe hơn không?
Theo ông Tiến, tổng hợp kết quả hoạt động của trên 300 doanh nghiệp sau cổ phần hóa năm 2015 cho thấy, so với năm trước khi cổ phần hóa, bình quân lợi nhuận trước thuế các doanh nghiệp tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, %, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.
Điển hình như Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương có doanh thu tăng 20 lần, lợi nhuận tăng 40 lần. Hay, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam có doanh thu tăng 10 lần, nộp ngân sách tăng trên 6 lần, vốn chủ sở hữu tăng 13 lần.
Năm 2017, theo báo cáo của 294 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp cổ phần là 543.858 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2016.
Các doanh nghiệp này có tổng doanh thu đạt 482.545 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2016; tổng lợi nhuận kế toán trước thuế theo báo cáo hợp nhất là 36.633 tỷ đồng, tăng 11% so với số thực hiện năm 2016.
Tuy nhiên, theo báo cáo, vẫn có 35 doanh nghiệp với tổng số lỗ phát sinh là 844 tỷ đồng. Trong số này, một số doanh nghiệp cổ phần có số lỗ phát sinh lớn như Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh lỗ phát sinh 70 tỷ đồng; Tổng công ty LICOGI lỗ phát sinh 59 tỷ đồng,…
Với những con số trên, ông Tiến tổng kết, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển.
“Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp cổ phần hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu,” ông nói.
Vị này đưa ra ví dụ về trường hợp Công ty cổ phần Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam (âm vốn chủ sở hữu 79 tỷ đồng) hay Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng (âm vốn chủ sở hữu 41 tỷ đồng).
Xin hoãn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Trách nhiệm ai chịu?
Số doanh nghiệp được cổ phần hóa chưa bằng số lẻ trong tổng số 127 doanh nghiệp theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Hai thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thậm chí có tình trạng “trắng” doanh nghiệp cổ phần hóa.
Theo Vietnamplus