Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết các tỉnh trọng điểm, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20/7.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, tình hình dịch sốt xuất huyết năm nay có diễn biến phức tạp hơn, số ca mắc gia tăng, địa bàn phát sinh dịch mở rộng, thời gian dịch đến sớm hơn.
Bộ Y tế dự báo, trong thời gian tới, sốt xuất huyết vẫn có xu hướng gia tăng. Do đó, các địa phương cần sẵn sàng tâm thế đối phó với dịch nhất là trong tháng Tám và tháng Chín tới.
“Trong thời gian qua, các địa phương đã có cố gắng nhưng vẫn chưa hiệu quả, chưa quyết liệt. Tại sao số ca mắc vẫn gia tăng; điều này chứng tỏ chúng ta chưa triệt để, chưa quyết liệt trong cuộc chiến chống sốt xuất huyết,” Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phân tích.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành rà soát lại các Ban Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức cách phòng chống dịch cho tuyến y tế cơ sở, tuyên truyền thay đổi hành vi cho người dân; kêu gọi các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, học sinh-sinh viên, Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng tham gia phòng chống dịch. Đặc biệt cần tăng cường xử phạt các tổ chức, đơn vị, cá nhân để phát sinh ổ dịch, ảnh hưởng đến cộng đồng
Theo số liệu của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đến nay, cả nước ghi nhận gần 58.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó có 15 trường hợp tử vong. Trong đó, tăng mạnh nhất phải kể đến khu vực miền Bắc với 736,8%, khu vực miền Nam là 17,7%. Miền Trung-Tây nguyên, đến thời điểm này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
10 tỉnh trong cả nước ghi nhận có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, An Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Tiền Giang.
Riêng tại phía Nam, ba địa phương là Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 50% tổng số ca mắc sốt xuất huyết của khu vực.
Chỉ ra nguyên nhân khiến sốt xuất huyết tăng cao trong thời gian qua, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, năm nay, nền nhiệt độ của khu vực miền Bắc có sự thay đổi, chênh lệch từ 1-2 độ so với những năm trước. Trong khi đó, miền Nam mùa mưa đến sớm và kéo dài. Đây là những điều kiện thuận lợi để muỗi sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển.
Mặt khác, tập quán sinh hoạt lưu trữ nước mưa của người dân, tốc độ đô thị hóa, sự di biến động dân cư, vệ sinh môi trường cũng là những nguyên nhân góp phần làm tăng cao số lượng người mắc sốt xuất huyết trong cả nước.
Để kiểm soát sốt xuất huyết, Cục trưởng Trần Đắc Phu cho rằng, các địa phương cần giám sát vector truyền bệnh, kiểm soát ổ lăng quăng (bọ gậy) nguồn.
Hiện nay, các nguồn lăng quăng ở miền Bắc chủ yếu thường phát sinh trong các chậu cây cảnh, bể chứa nước, lọ hoa, phế thải.
Khu vực miền Trung, Tây Nguyên chủ yếu là lọ hoa, chậu cây cảnh, máng nước gia cầm, chum vại, lốp xe, chậu, phuy chứa nước. Khu vực miền Nam là các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, phế thải….
Đồng tình quan điểm này, phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng gốc của vấn đề hiện nay là cần phải kiểm soát được véc-tơ truyền bệnh.
Các địa phương cần điều tra, tìm hiểu kỹ các ổ lăng quăng nguồn của từng địa bàn để lên phương án kiểm soát một cách phù hợp, hiệu quả:“Từng địa phương, từng quận, huyện, từng phường, xã đều có đặc trưng phát sinh ổ lăng quăng khác nhau, do đó cần xác định đúng nguồn lây lan bệnh thì phòng chống dịch mới hiệu quả.”
Muốn làm được điều này, theo ông Phan Trọng Lân, phải phát triển đội ngũ cộng tác viên “đến từng ngõ, gõ từng nhà” thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát nguồn phát sinh lăng quăng.
Đại diện một số địa phương cho rằng, mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp ngay từ đầu năm nhưng tình hình sốt xuất huyết vẫn rất khó kiểm soát.
Ngoài các yếu tố khách quan, lực lượng mỏng, kinh phí yếu, sự không hợp tác của người dân khiến cho việc phòng chống sốt xuất huyết càng khó khăn hơn