Hàng năm cứ vào chiều 30 tết, mỗi gia đình đều chuẩn bị một mâm cỗ đầy đủ những món ăn ngon để cúng tổ tiên, ông bà kết thúc một năm và mong cho một năm mới nhiều may mắn. Sau khi lễ cúng kết thúc, con cháu cùng nhau tụ tập sum vầy quây quần bên mâm cơm cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và tiễn những điều không may mắn trong năm.
Cúng Tất niên cuối năm.
Cứ như vậy, Tất niên là bữa tiệc thường niên của người Việt. Đây là phong tục tập quán lâu đời mang nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Cúng Tất niên cũng thể hiện một nếp sống tâm linh. Sau một năm làm ăn vất vả, vào những ngày cuối năm, mọi người đều dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tươm tất để cúng tất niên và chuẩn bị đón Tết.
Lễ cúng Tất niên là một lễ truyền thống nhưng lễ vật cúng không cần phải quá cầu kỳ, miễn sao thể hiện được tấm lòng thành của người cúng để tri ân đất, trời, thần linh... đã gia hộ bình an trong một năm qua.
Để ghi nhận thời khắc này, người ta thường làm hai mâm cỗ, một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và một mâm cúng trời, đất ở khoảng sân trước nhà.
Mâm lễ cúng Tất niên tùy theo điều kiện gia đình cũng như phong tục tập quán mỗi vùng mà thịnh soạn hay thanh đạm. Thế nhưng, một số thành phần bắt buộc phải có khi cúng theo phong tục của người Việt Nam gồm: hương hoa, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng… được bầy biện trang nghiêm.
Mâm cơm Tất niên.
Có thể nói, bữa cơm tất niên là nét văn hoá, in đậm trong tâm trí người Việt. Đây đã trở thành một nét đẹp truyền thống, đạo lý sâu xa của dân tộc về việc giáo dục chữ hiếu, nguồn cội cho cháu con, nhắc nhở họ nhớ về những kỷ niệm, công đức của ông bà.
Tuệ Linh