Hãy cẩn thận, mụ phù thủy độc ác vẫn đang tìm cách rình rập để quay trở về thế giới loài người. Theo như giới thiệu của phim thì Egor có một số khả năng đặc biệt có thể làm cầu nối cho Yaga sống lại. Nhưng xem phim xong thì thấy không phải vậy. Đầy khả năng mụ phù thủy hiện ra trong giấc mơ của bất cứ đứa bé nào và thừa sức khiến cho chúng tưởng mình có vai trò “quan trọng” đó.
Cậu bé Egor nhân vật chính có hoàn cảnh cũng khá thuận lợi để Yaga ghé thăm. Mẹ mất, bố lấy vợ hai và có em bé đang còn nằm nôi. Đến trường mới, gặp ngay một bọn chuyên bắt nạt. Sự kết nối trong gia đình không được tốt lắm. Egor khá có lý khi cho rằng dì chưa đi làm thì đâu cần thuê vú em. Nhà thì cũng chỉ là căn hộ vài phòng. Nhưng ông bố vẫn quyết. Tất nhiên cô bảo mẫu được thuê chính là hiện thân của phù thủy, và không chỉ giúp việc cho riêng nhà Egor…
Phim Nga có đặc điểm khá lạ là nhịp độ chậm nhưng diễn biến cốt truyện lại khá nhanh, gây nên sự giật cục. Khán giả chưa kịp thấy Yaga gây cảm tình gì với gia đình Egor thì mụ đã mang em bé đi mất, xóa luôn cả ký ức về em trong đầu phụ huynh. Nói chung, mụ lừa mọi người khá dễ dàng. Rõ ràng Yaga thế kỷ 21 đã tiến hóa thành quỷ có khả năng lập tức thôi miên người khác. Điện tưởng là một vũ khí giúp con người ngày nay xua đuổi ma quỷ thì mụ dùng luôn các thiết bị diện để nhát người.
Xã hội hiện đại xem ra bất lực trước quyền năng của Yaga. Chẳng mấy chốc khu đô thị bìa rừng vắng bặt tiếng trẻ con mà chẳng ai hay biết. Kể cũng lạ, thay vì ở tít trong rừng sâu thì túp lều của mụ ngay sát nơi bọn trẻ ở, chỉ chạy vài bước là đến. Không gì có thể chống trả được mụ phù thủy này ngoài sự gan dạ và đoàn kết của chính các nạn nhân của mụ- là những đứa trẻ. Mà mụ này thì xơi tất, cả trẻ hư lẫn trẻ ngoan.
Hóa ra tiếp tay cho mụ chính là những người lớn mải công việc hoặc quá cứng nhắc, thiếu quan tâm tới con em mình. Nhiều khi bản thân họ cũng đầy những vấn đề tâm lý chưa tự giải quyết được nên lại càng gây áp lực cho con cái. Thông điệp này của phim quá rõ vì ngay từ khi phù thủy chưa lộ diện thì các người lớn đã xuất hiện trong các bộ dạng đầy khả nghi, như đã sẵn sàng làm tay sai cho Yaga. Nói chung thay vì tập trung làm một phim thật hay, đạt chuẩn kinh dị thì Yaga vẫn hơi nặng tính “tuyên truyền”, kỳ vọng giáo dục (người lớn) hơi lộ liễu.
Tự nhiên lại có phân đoạn “ma điện thoại” nhắc nhở mọi người rằng điện thoại thông minh cũng là một loại phù thủy giam hãm bọn trẻ. Và có lẽ cũng vì thiếu tình tiết để bồi đắp cho một cốt truyện xuyên suốt nên cũng có một số cảnh thiên về trang trí, hoặc cũng có ý muốn ám ảnh người xem mà chưa rõ ý. Chẳng hạn sợi len đỏ giăng dệt khắp căn phòng em bé, rồi lại giăng đầy trong rừng không hiểu để ngăn cản hay để chỉ đường. Nó giúp Yaga tạo nên hình hài nhưng lại cũng dùng để đan tất cho em bé. Như thể phim muốn nói yêu con không khéo lại thành hại con?!
Việc em bé liên tục biến hình rồi hiện trở lại… tưởng làm khán giả sợ nhưng lại gây hiệu ứng ngược. Vì nếu mối đe dọa không thực sự có tác dụng thì nó sẽ thành trò đùa. Yaga rút cuộc tài phép cũng khá hạn chế hoặc chỉ muốn hù dọa cảnh báo rằng xã hội hiện đại có vài thứ còn đáng sợ hơn phù thủy?!
Tất nhiên có thể dùng lý lẽ như sự tổn thương về tinh thần còn nguy hiểm hơn cả thể chất để biện hộ cho sự “thiếu máu” của phim, nhưng như thế chỉ càng chứng tỏ phim đề cao tính giáo dục hơn giải trí. Hơi vô lý khi phim cấm khán giả dưới 18 tuổi, khi e rằng khó dọa được người lớn. Đâu có cảnh tình dục hoặc máu me, học sinh cấp 3 hoàn toàn có thể tập xem kinh dị từ phim này.