Nhận định trên được đưa ra sau vụ bạo lực gây sốc trước thềm đại hội toàn quốc của đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) Hàn Quốc cầm quyền, do những người dùng nền tảng mạng xã hội YouTube (còn gọi là YouTuber) cực đoan gây ra. Trong đó, 3 YouTuber đã ẩu đả dữ dội vì quan điểm khác nhau khi ủng hộ ứng cử viên chức chủ tịch đảng PPP.
Các phương tiện truyền thông truyền thống, như báo chí và truyền hình, có xu hướng giữ lập trường trung lập đối với các vấn đề gây tranh cãi, vì họ ưu tiên sự thật và đối tượng mục tiêu của họ là công chúng nói chung.
Nhưng YouTuber thì khác. Họ có thể truyền bá tin tức thiên vị đến đối tượng khán giả của mình. Đối với các chính trị gia, YouTuber có thể đóng vai trò là phương tiện hiệu quả để thu hút sự ủng hộ từ cử tri.
Nhưng mặt trái của những YouTuber rất đáng báo động khi họ coi trọng hệ tư tưởng hơn là độc lập, thậm chí còn phát tán tin đồn sai lệch xung quanh các chính trị gia và sử dụng các bình luận kém chất lượng chỉ để kiếm lợi nhuận. Điều này đã biến nền tảng YouTube thành nơi kích động chính trị, khiến môi trường chính trị của Hàn Quốc ngày càng xấu đi.
Theo các chuyên gia, mạng YouTube cũng thúc đẩy sự phân cực chính trị. Khi người đăng ký chỉ nghe những YouTuber yêu thích, quan điểm của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi các YouTuber này, bị bóp méo, lệch lạc, không chấp nhận, thậm chí phản ứng cực đoan với những ý kiến khác nhau. Điều này gây tổn hại nghiêm trọng đến các giá trị cân bằng và đa chiều về môi trường xã hội.
Hàn Quốc hiện không có bất kỳ quy định nào đối với YouTuber mặc dù họ ngày càng có ảnh hưởng sâu sắc đến chính trị. Trong khi đó, năm 2023, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) để đảm bảo nền tảng mạng xã hội YouTube phải xóa tin tức giả mạo và các biểu hiện thù hận trên nền tảng của mình.
Các nhà quan sát chính trị kêu gọi Hàn Quốc học hỏi từ động thái này ở châu Âu. Đã đến lúc chính phủ và xã hội phải tìm ra giải pháp hiệu quả để kiểm soát những YouTuber cực đoan trước khi quá muộn.