Những đô thị được các chuyên gia của Viện Học tập suốt đời UNESCO (UIL) lựa chọn đưa vào Mạng lưới Thành phố Học tập Toàn cầu của UNESCO (GNLC) theo đề xuất của một ban giám khảo độc lập gồm các chuyên gia quốc tế. Các đô thị này đã chứng minh được nỗ lực và thành quả của việc lồng ghép chủ trương học tập suốt đời, áp dụng thực tế ở cấp độ địa phương, trong định hướng phát triển bền vững dựa trên tri thức.
Với hơn một nửa nhân loại sống ở các khu vực thành thị, các đô thị có vai trò trung tâm trong việc đảm bảo mang tới các cơ hội học tập cho công dân. Những đô thị được trao danh hiệu Thành phố Học tập Toàn cầu của UNESCO năm nay đã tạo điều kiện cho công dân của mình thích ứng với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng và có được kiến thức cần thiết để chung tay hành động giải quyết các thách thức toàn cầu. Thông qua việc học tập suốt đời, họ [Mạng lưới Thành phố Học tập toàn cầu của UNESCO] mở đường cho việc kiến tạo những xã hội bình đẳng, công bằng hơn, bền vững hơn và một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta.
Ông David Atchoarena, Giám đốc UIL
Mười đô thị tham gia vào Mạng lưới Thành phố Học tập Toàn cầu của UNESCO năm 2021 bao gồm:
1. Thành phố Wyndham, Australia
Chủ trương học tập suốt đời ở Wyndham được thực hiện bởi một mạng lưới rộng lớn các bên liên quan, từ chính quyền thành phố đến các cơ sở giáo dục, khu vực công-tư. Chiến lược Cộng đồng Học tập của Thành phố giai đoạn 2018-2023 đặt mục tiêu thúc đẩy văn hóa giáo dục-học tập cho hơn 270.000 công dân đến từ 162 quốc gia hiện đang sinh sống tại đây, nhấn mạnh sự bình đẳng và hòa nhập trong công tác lập kế hoạch, tham gia và đón nhận các cơ hội học tập.
Với trọng tâm là tôn vinh việc học, Wyndham không chỉ tổ chức Lễ hội Học tập Wyndham của riêng mình trong sáu năm mà còn hợp tác với thành phố Melton (Australia) để tổ chức Ngày hội Học tập Toàn cầu, hợp tác với năm chính quyền địa phương khác để tổ chức Ngày hội Học tập - Việc làm (Learning for Earning Festival) với các hoạt động giúp công dân có được kiến thức cần thiết để tìm việc và cuối cùng là đóng góp vào phúc lợi kinh tế và xã hội của cộng đồng.
2. Thành phố Damietta, Ai Cập
Thông qua chủ trương học tập suốt đời, Damietta tìm cách thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao các kỹ năng cơ bản ở người trưởng thành và cải thiện sức khỏe cộng đồng cho dân số hơn 330.000 người. Các Sở Giáo dục thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức Phụ nữ, Thanh niên, các tổ chức xã hội, y tế, các thư viện địa phương, tổ chức văn hóa, trung tâm truyền thông & thông tin của thành phố đều phối kết hợp nhằm đảm bảo rằng việc học tập suốt đời được triển khai xuyên ngành. Bên cạnh đó, với việc thực hiện dự án "Thành phố An toàn", Damietta cũng đặc biệt chú trọng đến việc thúc đẩy tinh thần kinh doanh khởi nghiệp cho phụ nữ.
3. Thành phố Clermont-Ferrand, Pháp
Chương trình Học tập suốt đời tại Clermont-Ferrand cung cấp thông tin về tất cả các chính sách công của thành phố. Đây là một thành phố học tập bao gồm 25.000 công ty, 35.000 sinh viên, 1.300 nhà nghiên cứu, 35 phòng thí nghiệm nghiên cứu và một số cơ sở ươm mầm doanh nghiệp khác. Thành phố đã dành hơn 43% ngân sách cho giáo dục và thanh niên, 10% cho lĩnh vực văn hóa thông qua triển khai nhiều hoạt động mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận. Vào năm 2021, để phù hợp với mục tiêu của thành phố là phát triển văn hóa dân chủ, Clermont-Ferrand đã dành hơn 2 triệu euro từ ngân sách thành phố hàng năm để tài trợ cho 380 dự án học tập do công dân của mình đệ trình và lựa chọn.
4. Thành phố Dublin, Ireland
Đầu tư vào nguồn nhân lực được xem là bước đi rất quan trọng đối với sự phát triển thành công của Dublin và học tập suốt đời chính là chìa khóa cho nỗ lực này. Là một thành phố học tập, Dublin theo đuổi nguyên tắc "học tập vì công việc, cuộc sống và niềm vui" thông qua các sáng kiến trên phạm vi rộng được điều phối bởi sáu trường đại học và học viện địa phương cùng với các đối tác khác. Chiến dịch "Đây là nơi của bạn" khuyến khích ghi danh vào vào các chương trình giáo dục đại học bất kể nền tảng giáo dục, tuổi tác hoặc hoàn cảnh cá nhân. Những chương trình học tập để cải thiện sức khỏe cá nhân, thể chất và tinh thần của công dân nằm trong số rất nhiều chương trình sáng kiến đa dạng và có sẵn cho dân số hơn 1,2 triệu người của Dublin.
5. Thành phố Huejotzingo, Mexico
Bằng cách đặt việc học tập suốt đời vào trung tâm của sự phát triển, thành phố Huejotzingo đã chuyển mình từ một cộng đồng nông nghiệp thành trung tâm công nghiệp thuộc thành phố Puebla, Mexico. Thông qua một chiến lược học tập toàn diện, ưu tiên công bằng và hòa nhập, phát triển bền vững và tinh thần kinh doanh, cùng hơn 140 dự án học tập trong 10 năm, thành phố đã đạt được những bước tiến lớn: giảm tỷ lệ mù chữ 50%; mở rộng khả năng tiếp cận internet và các công nghệ mới; hỗ trợ 1.000 nữ doanh nhân lập dự án; tổ chức Ngày hội Học tập đầu tiên của Huejotzingo với sự tham gia của hơn 25% trong số hơn 90.000 cư dân của thành phố.
6. Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc
Thượng Hải luôn cam kết ở mức cao đối với khái niệm "Thành phố Học tập", hình thành một mô hình xây dựng thành phố học tập đặc trưng bởi "sự thúc đẩy của chính phủ, sự hợp tác của các bên liên quan, hỗ trợ từ xã hội và sự tham gia của người dân", mang lại nhiều cơ hội học tập suốt đời cho 24,8 triệu cư dân của thành phố. Dựa trên các nguyên tắc hòa nhập, cởi mở và phát triển bền vững, Thượng Hải tập trung vào việc thực hiện các chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng, giáo dục cho người cao tuổi, giáo dục và đào tạo nghề (VET) cho người lớn, giáo dục vì sự phát triển bền vững (ESD) và khuyến khích đọc sách đối với tất cả mọi người.
7. Thành phố Al Wakra, Qatar
Al Wakra đã phát triển thành một trong những thành phố lớn nhất ở Qatar với hơn 80.000 dân. Thành phố đã ưu tiên đưa học tập suốt đời trở thành một phần của kế hoạch phát triển bền vững. Ai Wakra đặc biệt chú trọng đến các nhóm dễ bị tổn thương, như phụ nữ và người lớn tuổi. Một loạt các chương trình được xây dựng nhằm đảm bảo rằng phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong chính quyền thành phố và xã hội nói chung.
8. Thành phố Osan, Hàn Quốc
Mục tiêu của Osan là trở thành nơi công dân và việc học tập được gắn kết với nhau. Với sự đóng góp của nhiều tổ chức giáo dục, người già và trẻ đều được hưởng lợi từ các cơ hội học tập tập trung vào bồi dưỡng sức khỏe và hạnh phúc, tinh thần kinh doanh, bình đẳng và hòa nhập, xóa mù chữ, quyền công dân toàn cầu và phát triển bền vững. Sáng kiến Stepping Stone của thành phố là trọng tâm của chiến lược học tập suốt đời: văn phòng, nhà thờ và không gian trường đại học được sử dụng ngoài giờ, trở thành các địa điểm phục vụ cho cho các hoạt động học tập, giáo dục toàn dân. Trước dịch COVID-19, 41.824 người học mỗi năm được hưởng lợi từ sáng kiến này, bằng cách tham gia vào các chương trình học tập suốt đời được tổ chức tại 216 địa điểm trên toàn thành phố.
9. Thành phố công nghiệp Jubail, Ả Rập Xê Út
Là thành phố công nghiệp hóa dầu lớn nhất thế giới, thành phố công nghiệp Jubail phải thúc đẩy hơn nữa sản xuất công nghiệp bền vững bằng cách đảm bảo rằng dân số hơn 200.000 người được trang bị kiến thức và kỹ năng toàn diện. Chủ trương tập trung vào giáo dục vì sự phát triển bền vững, tinh thần kinh doanh, sức khỏe và hạnh phúc, Jubail đã thành công trong việc nâng cao kỹ năng cho hơn 168.000 công dân thông qua các lớp học buổi tối, nâng cao kỹ năng đọc viết của hơn 5.000 người, và giúp công dân - đặc biệt là phụ nữ - thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
10. Thành phố Belfast, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland
Thành phố Belfast sử dụng phương pháp học tập để giải quyết các vấn đề bất bình đẳng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả công dân của mình. Các học viện, cơ sở đào tạo việc làm cung cấp hỗ trợ cho các nhóm thất nghiệp và khó tiếp cận, hỗ trợ đọc viết và làm toán cho trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn. Với hơn 500 sự kiện trong khuôn khổ Ngày hội Học tập Belfast hàng năm, thành phố thúc đẩy hàng loạt cơ hội học tập đa dạng của thành phố, giúp xây dựng văn hóa học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Mạng lưới các Thành phố Học tập Toàn cầu của UNESCO (GNLC) ra đời nhằm đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện học tập suốt đời tại các thành phố trên thế giới. Mục tiêu tổng quan của việc thành lập GLCN là tạo ra một nền tảng toàn cầu để tập hợp các thành phố, minh họa cách sử dụng các nguồn lực hiệu quả để phát huy và làm giàu tiềm năng con người, thúc đẩy sự phát triển cá nhân, phát triển bình đẳng và công bằng, duy trì sự gắn kết xã hội, tạo ra sự thịnh vượng bền vững.
Danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO” sẽ giúp nâng cao uy tín và sự công nhận của cộng đồng quốc tế, gia tăng khả năng thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, sự thịnh vượng và phát triển bền vững của chính các đô thị được công .