Cả đời ông gắn bó với những trang văn và chưa một ngày rời xa nó cho đến khi không thể cầm bút viết được nữa. Với hơn 160 đầu sách đã xuất bản, trong đó có những tác phẩm được tái bản nhiều lần và được dịch ra tiếng nước ngoài, độc giả của nhiều thế hệ đã gắn bó với ông từ bé đến lớn, từ những trang viết vui tươi, ngộ nghĩnh đến những trang viết sâu sắc tình đời, tình người.
Tô Hoài không phải là người duy nhất sử dụng thể loại tùy bút, tạp văn để viết về Hà Nội. Song có thể nói, ông đem lại cho những thể loại này một quyền lực đáng kể, cạnh tranh về khả năng hấp dẫn bạn đọc so với thể loại “chính thống” của văn học như tiểu thuyết hay truyện ngắn. Đề tài Hà Nội, về phố xá và con người của nó, nhiều người đã lựa chọn, nhưng dường như phải đến Tô Hoài, ông mới là người có được duyên viết ra những sản phẩm có sắc thái giải trí.
Cây đại thụ văn chương, một đời cần cù đi và viết
Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920 tại làng Nghĩa Đô, Từ Liêm thuộc phủ Hoài Đức xưa (nay là phường Nghĩa Đô, Hà Nội). Là người gốc Hà Nội, ông hiểu và yêu Hà Nội sâu sắc. Nhiều người cũng gọi Tô Hoài là "Ông già Hà Nội", xem ông như một biểu tượng của trí thức Thủ đô, một chứng nhân của gần một thế kỷ thăng trầm trên đất Hà thành.
Trong bài viết về chân dungTô Hoài, nhà văn Vũ Bằng chia sẻ: “Có một lần, tôi đã nói chuyện về bút hiệu của Tô Hoài và hỏi xem ai đã đặt cho anh. Tô Hoài cho biết anh chẳng nhờ ai đặt cả. Thấy người ta viết có bút hiệu, anh cũng tự tìm một bút hiệu cho mình. Vì làng Bưởi nơi anh ở có một con sông nổi tiếng là sông Tô Lịch chảy qua, mà ở đấy lại thuộc về phủ Hoài Đức nên anh lấy hai chữ đầu, đặt bút hiệu là Tô Hoài. Thế thôi. Giản dị hết sức: Giản dị như đời anh. Giản dị như lời văn anh”.
Tô Hoài đam mê văn chương từ nhỏ, dù cuộc sống vất vả, lam lũ nhưng ông vẫn tự học Quốc văn, Pháp văn. Học vừa hết tiểu học, ông đã đi vào đời với nhiều nghề để kiếm sống: từ làm thợ dệt, dạy học tư, bán hàng thuê, đến kế toán hiệu buôn…
Với tài năng thiên bẩm, óc quan sát tinh tế và những trải nghiệm cuộc sống phong phú, ông bước vào làng văn một cách tự nhiên. Ở tuổi mười bảy, mười tám, những sáng tác đầu tay của ông đã xuất hiện trên “Hà Nội tân văn” và “Tiểu thuyết thứ bảy”.
Sau tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” (1941), bút hiệu Tô Hoài xuất hiện liên tục dưới nhiều truyện ngắn đăng trên “Truyền bá”, “Phổ thông bán nguyệt san”, “Những tác phẩm hay”… Tuy xuất hiện ở giai đoạn cuối của thời kỳ 1930-1945, nhưng Tô Hoài đã sớm khẳng định được vị trí của mình trong đội ngũ nhà văn thời kỳ này bằng một loạt tác phẩm độc đáo, đặc sắc, như: “Quê người” (1941), “O chuột” (1942), “Giăng thề” (1943), “Nhà nghèo” (1944 ). Từ các tác phẩm này, người đọc dễ nhận thấy sức sung mãn dồi dào trong lao động nghệ thuật của ông.
Văn Tô Hoài có gì đó ma mị, nó cứ cuốn người ta vào chuyện tưởng như là những chuyện vặt, nhưng đằng sau đó là những ý tứ sâu sắc mà phải có cái nhìn bao quát môi trường xã hội và thế cuộc mới hiểu.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Tô Hoài tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị ở các thể loại. Ông làm báo, viết văn sống gắn bó với núi rừng Việt Bắc, Tây Bắc, theo bộ đội tham gia các chiến dịch… Chính những năm tháng này, Tô Hoài đã có điều kiện thu thập nhiều tư liệu để viết nên “Truyện Tây Bắc”, trong đó có những tác phẩm xuất sắc như “Vợ chồng A Phủ”, “Mường Giơn”… Tập sách đã đưa Tô Hoài đến với những đỉnh cao mới của văn học cách mạng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Viết nhiều, nhưng trước sau, Tô Hoài vẫn trở đi trở lại với hai vùng đất là con người, phong thổ ngoại ô Hà Nội và vùng đất Tây Bắc, nơi ông đã gắn bó sâu sắc trong thời kháng Pháp và sau đó còn trở lại nhiều lần. Cắm sâu vào những miền đất đã nên duyên nên số với mình, Tô Hoài điềm tĩnh bóc từng lớp một và khi “người thợ khâu” ấy nối liền các mảnh văn hóa, các số phận trong một sinh thể nghệ thuật, độc giả bỗng ngạc nhiên về sự giàu có của đất và người, của thời gian và không gian, của văn hóa và tâm linh dân tộc.
Vượt ra ngoài phạm vi của tác phẩm văn học, sáng tác của Tô Hoài trở thành dữ liệu dù đã phủ lớp bụi thời gian mơ hồ như chuyện dã sử. Với nhà văn Tô Hoài, “gừng càng già càng cay”. Vào những năm cuối đời, tưởng ngọn đèn đã lay trước gió, vậy mà ông cho ra hai tập hồi ký văn học “Cát bụi chân ai” (1992) và “Chiều chiều” (2000).
Đầu tháng 2 năm 2018, ba cuốn sách quý gồm “Giữ gìn 36 phố phường” (tạp văn), “Những ký ức không chịu ngủ yên” (hồi ký) và “Người con gái xóm Cung” (truyện ngắn) đã lần đầu được công bố, bổ sung vào kho di sản văn chương giàu có của Tô Hoài.
Nhà văn Tô Hoài được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1, năm 1996) cho các tác phẩm: Xóm Giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế Mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ. Năm 2010, ông còn được trao Giải thưởng Lớn - Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.
"Từ điển sống" về văn hóa với chất chuyên nghiệp bậc nhất
94 năm tuổi đời và hơn 70 năm tuổi nghề, với gần 200 đầu sách trải rộng trên nhiều mảng đề tài, trong đó có những tác phẩm được tái bản nhiều lần như: “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Truyện Tây Bắc”, “Chuyện cũ Hà Nội”, “Chiều chiều”, “Cát bụi chân ai”… Tô Hoài xứng đáng được coi là một trong những cây đại thụ của nền văn học Việt Nam.
Ông đã để lại một gia sản văn chương và văn hóa cho các thế hệ mai sau. Đọc văn của ông, độc giả biết thêm rất nhiều những phong tục, tập tục từ sinh hoạt trong gia đình, đến những sinh hoạt cộng đồng lễ hội, ma chay, cưới hỏi… ở nhiều vùng miền khác nhau.
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng nhận định về nhà văn Tô Hoài rằng: có những nhà văn, nhà thơ làm vinh dự cho chữ Hán, làm vinh dự cho chữ Nôm. Anh Tô Hoài, cùng với Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố… làm vinh dự cho chữ Quốc ngữ. Tôi được gần các thế hệ đi trước, càng hiểu giá trị của những giây phút sống bên cạnh họ, kể cả khi các anh im lặng.
Còn theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, Tô Hoài là một nhà văn lớn, một ông khổng lồ với số lượng tác phẩm thật đồ sộ. Ông viết đủ các thể loại: từ tiểu thuyết, truyện vừa, bút ký, ký sự, truyện ngắn, hồi ký, tự truyện, tiểu luận phê bình, truyện viết cho thiếu nhi, cho đến cả các bài báo ngắn, các bài điểm sách chỉ bằng một... bàn tay trẻ con. Tô Hoài thực sự là nhà văn chuyên nghiệp. Nghĩa là ông hoàn toàn sống được bằng nghề văn. Ngồi đâu, ông cũng viết được văn, kể cả trong những lúc hội họp.
Việc viết lách đối với nhà văn Tô Hoài là một thứ lao động hàng ngày. Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đánh giá, so với các cây bút đương thời, nhà văn Tô Hoài có lẽ là nhà văn giàu chất chuyên nghiệp bậc nhất. Sống đến đâu viết đến đấy.
Ông gần gũi với rất cả mọi người, từ ông tổ trưởng dân phố, đến một người bạn của bác xe ôm, chị bán rau nhưng trên bục văn chương thì ông đứng tầm thế giới, lịch lãm trong ngoại giao, điềm đạm trong ứng xử... Ông là một người thầy lớn đáng trân trọng, kính nể với nhiều thế hệ nhà văn, nhà biên tập và với độc giả thân thiết.
Được coi là “cuốn từ điển sống” về văn hóa và từ ngữ dân gian của Hà Nội, vốn hiểu biết của Tô Hoài giống như nồi cơm Thạch Sanh - xới mãi không hết. Nó vẫn đầy đến những ngày cuối cùng. Theo nhà báo Phương Vũ, con trai ông, đặc điểm lớn nhất mà anh trân trọng ở cha, là cách ông ghi chép tỉ mẩn, sổ ghi chép dày cộp và rất nhiều nhưng cần cái gì, ông dễ dàng tìm đúng quyển sổ ấy.
Chính vì vốn tư liệu rất phong phú nên ông viết nhanh và chính xác. Sau khi nhà văn qua đời, còn khoảng chừng hơn 1.500 trang đánh máy các bài viết, tác phẩm, bản thảo của ông chưa từng công bố trong gần 100 cuốn sổ tay được lưu giữ tại gia đình cùng nhiều tài liệu khác. Nhiều trang viết thăm thẳm nỗi niềm về Hà Nội xưa mà đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
Ông cũng là người rất chuyên nghiệp và nghiêm khắc trong nghề. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể: “Khi còn là Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trực tiếp phụ trách các mục như: Văn vật thủ đô, Chuyện cũ Hà Nội… Ông biên tập rất kỹ. Một lần, duyệt bài “Chuyện cũ Hà Nội” có câu: “Phần thưởng là một dải lụa đỏ” và “chiếc kiệu sơn đen”, ông đã ôn tồn giảng giải cho chúng tôi: “Mình đã sửa lại cho đúng: “Phần thưởng là một tấm lụa điều” và “chiếc kiệu sơn then”. “Tấm lụa điều” là cách nói vừa dân dã vừa trân trọng từ ngàn xưa, còn dải lụa đỏ là cách nói rất thực nhưng thô và thiếu trang nhã. “Sơn đen” cũng là tiếng nói của hôm nay.
Trong không khí của Chuyện cũ Hà Nội, ta nên dùng đúng từ cổ của các cụ xưa, nghe trang trọng và nho nhã. Các cô các cậu còn trẻ, phải chịu khó đọc nhiều, muốn là người biên tập giỏi thì cái gì cũng phải biết, nhất là câu chữ”.
Một đời cần cù đi và viết như chưa lúc nào ngơi nghỉ, ngày 6-7-2014, nhà văn Tô Hoài đã từ giã cõi đời. Khép lại một hành trình ngót gần thế kỷ, ông đã để lại cho đời nhiều giá trị cao quý.
''Dế Mèn phiêu lưu ký'' - dấu ấn một đời của nhà văn Tô Hoài
Ra đời từ chính những ký ức một thời niên thiếu, “Dế mèn phiêu lưu ký” lập tức trở thành tác phẩm văn xuôi đặc sắc và nổi tiếng nhất của Tô Hoài viết cho lứa tuổi thiếu nhi, được đọc nhiều nhất từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với cách quan sát, cái nhìn tinh tế về loài vật, kết hợp với những nhận xét thông minh, hóm hỉnh, nhà văn đã đưa trẻ nhỏ đến với thế giới loài vật sinh động và cũng đầy yêu thương.
Ai đã từng đọc “Dế mèn phiêu lưu ký” chắc chắn sẽ không thể quên tình bạn gắn bó của Dế Mèn, Dế Trũi, Xén Tóc trầm lặng, chị Cào Cào ồn ào duyên dáng, Bọ Ngựa kiêu căng hay Cóc huênh hoang... Mỗi một loài vật, nhà văn lại dùng ngòi bút của mình để lột tả rõ nét tính cách và đời sống riêng của chúng, để từ đó, bày tỏ quan niệm của chính tác giả về nhân sinh, về khát vọng của người lao động, về một cuộc sống hòa bình, yên vui và sự đoàn kết.
Câu chuyện về chú Dế Mèn không chỉ có ý nghĩa dành cho trẻ em, mà còn cho cả xã hội. Nó thực sự mang giá trị lâu bền trong đời sống tinh thần của con người. Bởi thế, dù ở đâu, ở thời kỳ nào, người đọc vẫn tìm thấy bao điều thú vị, bao bài học ý nghĩa từ tác phẩm này. Vì thế, ''Dế Mèn phiêu lưu ký'' được tái bản nhiều lần, dịch ra 20 thứ tiếng và được bạn bè quốc tế đón nhận nồng nhiệt không thua kém gì những truyện cổ tích kinh điển của Andersen, của anh em nhà Grimm… Năm 2006, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao tặng nhà văn bằng chứng nhận “Nhà văn Tô Hoài với tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký được dịch nhiều thứ tiếng nhất”.
Nhân 100 năm Ngày sinh nhà văn Tô Hoài, người được các độc giả nhỏ tuổi nhớ tới với một biệt danh dễ thương “ông Dế mèn”, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra mắt bộ sách gồm nhiều ấn phẩm đặc biệt. Nổi bật trong đó là cuốn “Dế Mèn phiêu lưu ký” song ngữ, minh họa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân và “Dế Mèn phiêu lưu ký” bản viết tay của nhà văn Tô Hoài, minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long. Ngoài ra, độc giả cũng sẽ gặp lại Dế Mèn bản tranh truyện comic của họa sĩ Trương Qua…
Nhân dịp này Nhà xuất bản Kim Đồng cũng ra mắt “Tuyển tập văn học viết cho thiếu nhi”, “Truyện đồng thoại Tô Hoài”, “Chuyện cũ Hà Nội” và ấn phẩm đặc biệt là cuốn “Tự truyện ký” gắn với bao nỗi vui buồn và ước mơ của tuổi thơ, bao kỷ niệm về những người bạn văn, đời văn của ông