Chuyện nghệ sĩ, ngôi sao có hoàn cảnh éo le, hay tuổi thơ đau khổ không phải là chuyện hiếm đối với showbiz Việt.
Hoa hậu này mồ côi, cô ca sĩ kia bị nội ngoại ruồng bỏ, hay những ám ảnh về tuổi thơ nghèo đói, không có cái ăn... của một nghệ sĩ danh tiếng đã trở nên quá đỗi quen thuộc với công chúng.
Thế nhưng, có lẽ ít ai phải đi qua tuổi thơ khắc nghiệt đến tội nghiệp như hoa khôi Nguyễn Thị Lệ Nam Em và ca sĩ Hoàng Lê Vi. Cả hai người đều có những ký ức buồn và đau lòng về bố ruột của mình.
Hoàng Lê Vi và vết thương lòng không thể lành về bố
Tôi gặp chị vào một buổi trưa đầy nắng tại Sài Gòn cách đây vài năm. Khi ấy, Hoàng Lê Vi mới sinh cô con gái đầu lòng chưa lâu và đang bắt đầu quay lại với ca nhạc. Chúng tôi nói nhiều chuyện, chị cũng không tự ti khi chia sẻ về quãng tuổi thơ bất hạnh của mình.
Theo lời kể của Hoàng Lê Vi, bố chị bỏ đi từ khi mẹ sinh chị. Từ ngày ấy, mẹ chị lúc nào cũng đau khổ.
Ca sĩ Hoàng Lê Vi
Chị bảo, chị tiếc cho bố vì ông là một người có tài, có học nhưng lại không xây dựng một gia đình tràn ngập tiếng cười mà luôn áp đặt và làm mọi người đau khổ như vậy.
Những năm tháng sống với bố, mẹ chị bị đánh như cơm bữa. Chị bảo, mẹ đi thu tiền nợ không được về bố cũng đánh. Mua cho chị bộ đồ mới cũng bị đánh. Những năm tháng mẹ sống với bố như là cực hình vậy.
Bố chị vốn làm kế toán cho hợp tác xã, sau ông chuyển ra làm kinh tế tư nhân, mở đại lý trà. Nếu cứ thế thì kinh tế gia đình chị cũng không đến nỗi, nhưng ông còn ghi số đề, rồi bị hụi, nợ nần tùm lum.
Ông suy sụp, bỏ nhà lên thị xã làm ăn, ở nhờ nhà người em gái, rồi ông lấy luôn bà hàng xóm và dọn sang ở cùng bà này.
Nhà chị ở Hòa Phong cho nên tháng tháng ông vẫn đi về, rồi mẹ lại có bầu. Khi đó chị mới học lớp 6. Rồi mẹ sinh em, chị bảo, em chị rất đáng thương vì chưa một lần được bố bế ẵm, cho nên nó không có bất kỳ một cảm nhận nào về cha.
Năm lớp 8, chị tự nói chuyện với thầy hiệu trưởng cho mình chuyển trường lên học ở thị xã. Chị bảo, chị ở nhà người cô, đối diện với nhà bố và bà nhỏ ở, cách nhau có cái hàng rào, nhưng ông cứ thờ ơ như không.
Đến bữa ăn, hai mâm cơm đối diện nhau, bên kia ông ăn cơm với thức ăn, còn hai chị em chị ăn cơm với mắm.
Đã thế, ông còn gọi điện cho mẹ chị, bảo bà gửi tiền để tiêu xài. Mà lúc đó, mẹ chị phải lên Sài Gòn làm thuê, làm mướn, bán hàng đêm cho người ta.
Rồi bố mẹ chị cũng ly dị, ông về sống với bà nhỏ ở thị xã Tuy Hòa. Chị bảo: "Tự ông xóa đi tất cả tình cảm mà vợ con dành cho ông".
Hoa khôi Nam Em bị ám ảnh cảnh bố bạo hành mẹ
Nguyễn Thị Lệ Nam Em đăng quang cuôc thi Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long ở tuổi 19 khi đang học trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội Hà Nội.
Không chỉ sở hữu một vẻ đẹp đoan trang, cô hoa khôi còn thu hút sự chú ý của công chúng bởi một cái tên lạ: Nguyễn Thị Lệ Nam Em.
Trong ngày ra mắt MV "Tết sang" mới đây của Nam Em, cô đã chia sẻ với báo chí khá nhiều về tuổi thơ bất hạnh của mình.
Nam Em bảo, cô từng rất tự ti về tuổi thơ, về hoàn cảnh gia đình mình. Đã không ít lần Nam Em khóc trong sự tủi thân khi có người động chạm vào nỗi đau quá khứ.
Với cô gái này, tuổi thơ là những ngày đau khổ, ám ảnh mãi mãi với cảnh bố bạo hành mẹ. Nam Em kể trong nước mắt: "Bố tôi vung gáo dừa định đập vào mẹ nhưng lại trúng người tôi. Tôi đã khóc rất nhiều. Mẹ dẫn mấy anh chị em tôi đi nhưng bố không cho.
Tôi không thể quên được cảnh mẹ đưa chị đi, còn tôi phải ở lại với bố. Tôi có cảm giác như người mình bị cắt làm đôi. Những hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi mãi đến tận bây giờ".
Hoa khôi Nam Em
Sau khi mẹ dắt chị gái đi, Nam Em được đưa về cho người cô ruột nuôi. Nhưng nhà người cô ruột cũng rất khó khăn nên hàng ngày, Nam Em phải phụ nuôi heo giúp trang trải cuộc sống.
Đến khi Nam Em lớn hơn một chút thì bố cô qua đời. Và cũng từ ấy, Nam Em hiểu một điều rằng, ông tội nghiệp nhiều hơn là đáng trách.
Mặc dù rất sợ sau này lấy phải người chồng vũ phu như bố nhưng Nam Em cũng bày tỏ rằng, lúc ông mất, cô không trách cứ mà còn thấy thông cảm cho ông.
"Tôi nghĩ ông cũng có nỗi khổ riêng. Bố tôi từng lầm lỡ nhưng suốt những năm tháng cuối đời, ông phải chịu khổ, sống lủi thủi trong căn nhà lụp xụp, lúc nhắm mắt cũng không có ai bên cạnh.
Tôi không quên được khi bố mất, trên môi ông vẫn còn dính một cọng bún, trong túi còn đúng 2.000 đồng. Đến lúc qua đời, bố tôi cũng không có một bộ quần áo đẹp để mang theo".
Nam Em cũng cảm thấy hối hận vì khi bố còn sống cô đã chưa bày tỏ được tình cảm của mình với ông. Cô biết trong thâm tâm, bố mình cũng muốn xin lỗi con nhưng không thể mở lời.
Và lý do để người đẹp vươn lên trong hoàn cảnh bất hạnh ấy rất đáng thương và cũng rất đáng phục. Nam Em kể: "Tôi nhớ một người họ hàng từng nói: 'Cha mẹ mày thế thì mày cũng chỉ vậy mà thôi. Tao sẽ chống mắt lên coi mày sống thế nào'.
Câu nói ấy làm tôi càng quyết tâm phấn đấu để vươn lên trong cuộc sống. Bây giờ, khi đã vượt qua giai đoạn đó, tôi thấy cuộc sống của mình quá tốt. Mỗi lần mệt mỏi, tôi thường nghĩ về quá khứ để có thêm động lực".
Người đẹp cũng khẳng định rằng, mình chưa bao giờ trách móc cuộc đời mình sao lại thiếu may mắn. Cô bảo, ngược lại cô nhận được sự giúp đỡ, yêu thương của nhiều người khác.
Theo Trí Thức Trẻ