Mất cân bằng giới vì định kiến
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xuất hiện ở Châu Á từ những năm 80 của thế kỷ XX. Ở Việt Nam, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ XXI và diễn ra với tốc độ nhanh thời gian gần đây.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tỷ số chênh lệch giới tính - sinh nam nhiều hơn nữ năm 2005 - 2006 là 109 trẻ trai trên 100 trẻ gái; đến năm 2018 là 115,1 bé trai/100 bé gái. Sơn La là tỉnh đứng đầu với chênh lệch giới tính khi sinh với 120 trẻ trai/100 trẻ gái. Bốn tỉnh tiếp theo có tỷ lệ sinh bé trai nhiều hơn gái là Hưng Yên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương.
Nếu như trước đây, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu xảy ra ở khu vực thành thị thì hiện nay, tình trạng này đã xảy ra ở tất cả địa phương. Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục diễn ra thì đến năm 2050 nước ta sẽ thiếu khoảng 2,3-4,3 triệu phụ nữ, hay nói cách khác 2,3-4,3 triệu đàn ông trong độ tuổi trưởng thành không có khả năng lấy vợ. Hiện nay, nước ta đã thiếu khoảng vài trăm nghìn phụ nữ.
Lý giải về tình trạng này, bà Phạm Thị Thúy cho biết, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với nhiều phong tục, tập quán, trong đó có tục “trọng nam, khinh nữ”. Nhiều người quan niệm chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cùng tổ tiên, nối dõi tông đường. Đây chính là định kiến giới, nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò, năng lực của nam và nữ. Chẳng hạn, định kiến nội trợ là việc của phụ nữ, không phải việc của nam giới; nam giới được coi là trụ cột và là người kiếm tiền chính trong gia đình; con trai giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội; con sinh ra phải mang họ bố; người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn; hay thậm chí, theo phong tục truyền thống ở nhiều địa phương chỉ có con trai mới được thừa kế tài sản của cha mẹ...
“Những quan niệm này đã hình thành từ lâu đời, được truyền từ đời này qua đời khác thông qua giáo dục và học hỏi, lâu dần tạo nên những suy nghĩ cố hữu về vai trò, khả năng, loại công việc mà phụ nữ và nam giới có thể thực hiện”, bà Thúy nói.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng “thừa nam thiếu nữ” trong tương lai, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học. Cụ thể là tăng áp lực kết hôn sớm đối với phụ nữ, tăng nhu cầu dịch vụ tình dục, gia tăng buôn bán phụ nữ kéo theo bạo lực tình dục đối với phụ nữ, làm ảnh nặng nề đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và sức khỏe tâm thần của phụ nữ.
Do vậy, để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, mới đây, Bộ Y Tế tiếp tục đưa ra nhiều đề xuất khác nhau, trong đó có việc ưu tiên cho những gia đình sinh con gái. Bộ Y tế có đề xuất hỗ trợ bằng tiền mặt và những ưu đãi khác cho các bé gái trong việc đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo nghề, việc làm, cơ hội lập nghiệp và phát triển kinh tế gia đình, ưu tiên nhập học, miễn giảm các khoản phí, chỗ ở ký túc xá, dạy nghề, giải quyết việc làm, vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và các phúc lợi xã hội khác…
Nhiều địa phương cũng có các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ các gia đình sinh hai con là gái như: Tổ chức các hội nghị biểu dương, tôn vinh, chia sẻ kinh nghiệm phụ nữ sinh con một bề là gái, các con thành đạt, làm kinh tế giỏi, con cái chăm ngoan, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà…
Giảm sinh trầm trọng
Theo số liệu của Bộ Y tế, mức sinh ở nước ta trong 11 năm qua luôn xoay quanh mức sinh thay thế (2,1 con/bà mẹ). Nhưng mức sinh này không đồng đều giữa các vùng, mà vùng càng nghèo lại càng sinh con nhiều, trong khi những khu vực có điều kiện kinh tế, sinh con ra có điều kiện nuôi dạy trẻ tốt hơn thì lại giảm sinh xuống mức quá thấp. Cụ thể như TP. Hồ Chí Minh, thành phố phát triển nhất nước, hiện bình quân mỗi bà mẹ chỉ có 1,4 - 1,5 con, có thời điểm giảm xuống còn 1,2-1,3 con; khu vực Đông Nam Bộ khoảng 1,67 con/bà mẹ; vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1,8 con/bà mẹ. Trong khi các vùng nghèo vẫn chưa giảm sinh được như mong muốn: vùng Tây Nguyên khoảng 2,6 con/bà mẹ; Kon Tum khoảng 3,4 con/bà mẹ; Tây Bắc khoảng 2,2 con/bà mẹ; Hà Giang khoảng 3 con/bà mẹ; Lai Châu khoảng 3,11 con/bà mẹ.
Trong khi đó, tỷ lệ dân thành thị hiện nay chiếm khoảng 34% nên xu thế giảm sinh sẽ ngày càng gia tăng. Thực tế này đặt ra nguy cơ khi mức sinh đã xuống thấp thì rất khó tăng trở lại.
Trao đổi với báo giới trước đó, TS Lê Cảnh Nhạc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, mức sinh thấp sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là sự phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, nó còn tác động đến cân bằng giới tính bởi nếu sinh một con đa số các cặp vợ chồng thường ưu tiên con trai với bé đầu lòng; và tốc độ già hóa dân số do tỷ lệ người già ngày càng nhiều trong khi trẻ em ngày càng ít. Cũng theo ông Nhạc, nếu ngày nay bố mẹ chỉ sinh một con, trong tương lai đứa trẻ này lớn lên phải “cõng trên vai” cả bố mẹ, ông bà; một người phải nuôi hai hoặc thậm chí bốn người. Một vấn đề đáng lo ngại khác là sự thiếu hụt lao động. Trên thực tế, số lượng lao động nhập cư từ khắp nơi đổ về các thành phố lớn hiện nay ngày càng nhiều gây nên rất nhiều khó khăn cho việc quản lý an ninh.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho mức sinh ở nước ta xuống thấp như hiện nay.
Thứ nhất, xuất phát từ quan điểm sống khác nhau của từng vùng miền. Nếu như ở những vùng kinh tế kém phát triển, việc sinh một đứa con mang lại “nguồn lợi vô cùng lớn” cho gia đình khi nó trở thành lực lượng lao động chính, không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn có thể nuôi cả nhà thì ở những nơi kinh tế phát triển, người dân lại hiểu rất rõ việc một đứa trẻ chào đời “hao tổn kinh tế” như thế nào, từ tiền chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến học tập, y tế…
Thứ hai, phụ nữ hiện nay ngày càng làm chủ cuộc sống, không phụ thuộc vào người chồng. Họ quyết định được quyền lấy chồng và có con theo ý muốn của mình, chủ động tránh thai. Nhiều phụ nữ tự chủ kinh tế, không có ý định kết hôn và sinh con.
Thứ ba, mức sinh thấp còn là do tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng cao. Nhiều trẻ em gái có thể quan hệ tình dục từ rất sớm, thiếu hiểu biết trong sử dụng các biện pháp tránh thai dẫn đến phá thai không an toàn, gây khó có con hoặc vô sinh về sau. Tình trạng vô sinh thứ phát cũng phổ biến, nhiều cặp vợ chồng không thể sinh tiếp đứa con thứ hai như mong muốn. Các nhà nghiên cứu dân số cho rằng, để tăng mức sinh lên mức ổn định (2,1 con/bà mẹ), ngoài việc tuyên truyền khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con thì ngành Y tế cần phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản để phụ nữ bảo đảm sinh con khỏe mạnh, hạn chế tình trạng phá thai ở tuổi vị thành niên…
Người Việt chưa giàu đã già kèm bệnh tật
Báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho thấy, hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, tương đương khoảng 11%. Riêng số người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đã có 2 triệu người. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011.
Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 20%) như Australia 73 năm, Hoa Kỳ 69 năm, Canada 65 năm… thì Việt Nam chỉ mất 22 năm. Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% (19 triệu người) và sẽ nâng lên 25% vào năm 2050 (28 triệu người). Già hóa dân số là đặc trưng của những nước thu nhập cao, không phải tại các nước thu nhập thấp. Việt Nam là nước có thu nhập trung bình nhưng đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh. Nguyên nhân của thực trạng này là tuổi thọ bình quân ngày càng tăng trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Sự chuyển đổi nhân khẩu này không chỉ mang đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế xã hội mà còn đặt ra nhiều thách thức lớn đối với những chính sách liên quan công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Tại Việt Nam, số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội chỉ chiếm gần 30%. Còn 70% số người cao tuổi còn lại không nhận được trợ cấp. Chính vì vậy, rất nhiều người cao tuổi vẫn phải tự lao động và kiếm sống.
Bên cạnh đó, người Việt sống thọ nhưng không khỏe mạnh. Trong những năm qua, nhờ làm tốt những chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe, chất lượng sống được nâng lên, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được nâng lên mức cao (73,4 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp (64 tuổi). Điều đó có nghĩa, trung bình mỗi người cao tuổi ở nước ta phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của mình, với tỷ lệ một người mắc 2,69 bệnh. Các chuyên gia khuyến nghị trong 22 năm trước khi “về già”, Việt Nam cần tận dụng thời gian xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên toàn quốc, xây dựng các mô hình chăm sóc người già tại gia đình và cộng đồng; đảm bảo an sinh xã hội như cải cách cơ cấu hệ thống bảo trợ xã hội, mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm hưu trí, y tế; khuyến khích việc làm cho người cao tuổi, tuổi nghỉ hưu… để mang lại cuộc sống hạnh phúc cho người cao tuổi.