4 sự kiện 'chưa từng có' trong lịch sử ngành giáo dục diễn ra năm 2020

0:00 / 0:00
0:00

(Ngày Nay) - Dịch COVID-19 đặt ra nhiều thách thức cho ngành giáo dục nước ta trong năm 2020, cũng là cơ hội để ngành có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, phù hợp với thời cuộc.

2020 là một năm đầy biến động với ngành giáo dục, toàn ngành nỗ lực khắc phục khó khăn để đạt được nhiều thành tích tốt, khẳng định tầm quan trọng và vị trí trong xây dựng đất nước đổi mới, bắt kịp với thế giới.

24 triệu học sinh, sinh viên nghỉ học vì COVID-19

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020, ngày 30-31/1, học sinh Hà Nội và nhiều tỉnh thành trở lại trường với chiếc khẩu trang. Các trường nhanh chóng tăng cường biện pháp phòng dịch COVID-19 như sát trùng phòng học, đo thân nhiệt thường xuyên cho học sinh.

Chiều 1/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch ở Việt Nam. 23 địa phương quyết định cho học sinh nghỉ học tránh dịch. Với bậc đại học, hơn 70 trường lùi ngày trở lại trường của sinh viên từ ngày 3/2 lên 17/2.

Đến ngày 3/2, toàn bộ 63 tỉnh thành và hơn 200 trường đại học đóng cửa vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử. Cứ như vậy, các hoạt động dạy và học tại trường phổ thông và đại học bị gián đoạn hơn 3 tháng. Điều này khiến các địa phương và các trường triển khai mạnh mẽ phương án dạy học qua Internet và truyền hình.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra lời kêu gọi: "Toàn ngành giáo dục bằng nỗ lực cao nhất luôn cố gắng để học sinh được tiếp tục học tập, chúng ta tạm dừng đến trường nhưng không dừng học trong thời điểm dịch COVID - 19 kéo dài".

4 sự kiện 'chưa từng có' trong lịch sử ngành giáo dục diễn ra năm 2020 ảnh 1

Học sinh học trực tuyến. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Dù có nhiều vướng mắc về thiết bị dạy học trực tuyến, phần mềm không đồng bộ, một số nơi không có Internet, phương pháp này vẫn được cho là hữu hiệu nhất trong bối cảnh học sinh không thể đến trường. Nhiều thầy cô đã sáng tạo cách dạy online hấp dẫn để thu hút học sinh.

Kết quả dạy học trực tuyến của Việt Nam được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao. Theo báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 29/9, Việt Nam có 79,7% học sinh phổ thông được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%). Ở bậc đại học, có trên 50% cơ sở giáo dục cũng dạy học từ xa, trong đó nhiều trường áp dụng trực tuyến hoàn toàn, một số cơ sở kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp.

Hai lần điều chỉnh kế hoạch năm học

Tháng 3, 4, 5, dịch COVID-19 khiến học sinh, sinh viên đến trường tiếp tục bị gián đoạn. Đó cũng là lý do khiến Bộ GD&ĐT phải hai lần thay đổi khung thời gian năm học, ngày kết thúc được lùi đến trước 15/7, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm.

Ngày 4/5, khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát tốt hơn ở Việt Nam, học sinh 63 tỉnh thành bắt đầu trở lại trường học giữa mùa hè nắng nóng; đặc biệt khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ nhiệt độ lên trên 37 độ C. Các trường học phải thay đổi giờ học, cho học sinh nghỉ một buổi, bổ sung quạt, điều hòa... để vừa chống nóng, vừa đảm bảo sức khoẻ, an toàn chống dịch cho học sinh.

Ngoài hoạt động dạy và học bị ảnh hưởng, dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến các trường tư. Hàng loạt trường tư thục bị đóng cửa, tuyên bố phá sản; giáo viên, đặc biệt là bậc mầm non phải nghỉ việc không lương, thậm chí bị sa thải. Các cô giáo phải xoay đủ nghề từ bán hàng online đến trông thêm trẻ và khi hết cách thì về quê nương nhờ bố mẹ.

Năm học 2019-2020 khép lại với thành công kép của ngành GD&ĐT trong thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn sức khoẻ của học sinh, giáo viên; đồng thời hoàn thành kế hoạch năm học. Các nhà trường kết thúc chương trình giáo dục đáp ứng chuẩn yêu cầu đầu ra, đảm bảo tiến độ theo khung thời gian năm học đã quy định.

Kết quả của ngành GD&ĐT trong dạy học an toàn dịp Covid-19, được Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 gọi đây là “kết quả nổi bật” của ngành. Nhiều tổ chức quốc tế cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những nỗ lực và thành quả của giáo dục Việt Nam trong cuộc chiến với COVID-19.

“Tôi rất ấn tượng với những nỗ lực và phản ứng rất nhanh của Bộ GD&ĐT Việt Nam trong việc đảm bảo duy trì hoạt động học tập của trẻ em khi trường học đóng cửa vì đại dịch COVID-19. Những giải pháp được đưa ra rất nhanh và hiệu quả, hành động khẩn trương. Bên cạnh việc duy trì hoạt động học tập, Bộ GD&ĐT còn quan tâm đến việc đảm bảo sức khoẻ cho người học…

Những chỉ đạo, nỗ lực thực hiện các mô hình học tập an toàn trong dịch COVID-19 của Bộ GD&ĐT Việt Nam được nhiều quốc gia trên thế giới ca ngợi và học tập”, Trưởng Đại diện của UNICEF tại Việt Nam - bà Rana Flowers phát biểu tại Hội nghị ASEAN - UNICEF về Chuyển đổi kỹ thuật số các hệ thống giáo dục trong toàn ASEAN (tháng 10/2020).

Giáo sư Fernando Reimers, Đại học Havard (Mỹ) cũng cho biết, khi thực hiện nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về những bài học thực tiễn mà nền giáo dục các nước đã làm tốt trong đại dịch, nhóm chọn Việt Nam làm ví dụ điển hình để các nước khác học hỏi kinh nghiệm.

Kỳ thi THPT được đổi tên và chia làm 2 đợt

Năm học 2019-2020 kết thúc muộn dẫn tới sự thay đổi của các kỳ thi quan trọng. Kỳ thi THPT quốc gia của gần 90.000 học sinh được lùi tới ngày 9-10/8 thay vì cuối tháng 6 như mọi năm. Do thời điểm đó Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học có hiệu lực, Bộ GD&ĐT không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà phải thay bằng thi tốt nghiệp THPT, các địa phương giữ vai trò chủ trì, trường đại học chỉ thanh kiểm tra nhằm đảm bảo đúng mục tiêu và quy định của Luật.

4 sự kiện 'chưa từng có' trong lịch sử ngành giáo dục diễn ra năm 2020 ảnh 2

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. (Ảnh: H.C)

Lúc đầu, Bộ GD&ĐT dự kiến vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như năm 2019 nhưng giảm số môn và nội dung. Sau đó một tuần, ngày 21/4 Bộ GD&ĐT trình Chính phủ phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sau ngày 15/6 sẽ được thay thế bằng thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh làm ba bài độc lập là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Mỗi bài tự chọn được công bố chung một đầu điểm thay vì ba đầu điểm môn thành phần. Phương án trên được Thủ tướng chấp thuận.

Tuy nhiên, ngay sau đó, hàng nghìn học sinh lớp 12 và phụ huynh cả nước hoang mang và lên tiếng phản đối khi các em thi tới 5-6 môn thay vì chỉ 3 môn theo tổ hợp xét tuyển truyền thống trước đây. Cuối cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quyết định giữ nguyên ba đầu điểm của ba môn thành phần trong bài thi tổ hợp như năm 2019. Như vậy, kỳ thi THPT gần như chỉ thay đổi về tên gọi, mục đích và hình thức tổ chức vẫn tương tự các năm trước.

Thách thức không dừng lại ở đó, ngày 24/7 Đà Nẵng ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và có tốc độ lây lan nhanh chóng ra các tỉnh Quảng Nam và thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ buộc phải quyết định những thí sinh ở địa phương có bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ thi THPT đợt 2 từ ngày 3-5/9 đảm bảo an toàn sức khoẻ và công bằng cho các em.

Song song với thay đổi tên gọi kỳ thi THPT, nhiều trường đại học chủ động lên phương án và tổ chức thành công kỳ thi đánh giá năng lực, làm căn cứ xét tuyển thí sinh đầu vào, điển hình như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Học viện Báo chí và Tuyên truyền... Kết thúc năm 2020, các trường tuyển sinh được hơn 555.000 thí sinh ở các hệ đại học, hệ cao đẳng, hệ trung cấp, hệ vừa học, vừa làm, hệ liên thông.

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2020 và tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2020 khép lại với sự ghi nhận và đánh giá cao của nhân dân, của Quốc hội, Chính phủ. Các nước trong khu vực và quốc tế cũng bày tỏ sự khâm phục với quyết định dũng cảm và việc tổ chức thành công kỳ thi cấp quốc gia của Việt Nam.

“Việt Nam đã nêu gương tốt về việc tổ chức kỳ thi chất lượng cao trong điều kiện rất khó khăn vì đại dịch. Phương án tổ chức thi toàn quốc cho các thí sinh không ảnh hưởng vì dịch bệnh trước, rồi thi bù đợt 2 cho thí sinh các tỉnh chịu tác động của COVID-19 thể hiện sự cân bằng tốt giữa những gì quan trọng và những gì có thể.

Việt Nam nằm trong số các quốc gia đã thành công với việc cân bằng điều kiện tổ chức thi đảm bảo công bằng với điều kiện đảm bảo sức khỏe cho người học”, Giám đốc Giáo dục và Kỹ năng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - ông Andreas Schleicher đánh giá.

Chương trình nặng, SGK nhiều "sạn"

Năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới với học sinh lớp 1. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 với 46 đầu sách của đầy đủ 8 môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc và sách giáo khoa môn tự chọn tiếng Anh.

Tuy nhiên, sau một tháng triển khai, nhiều phụ huynh, giáo viên đánh giá việc dạy và học môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ. Tiếp sau đó, phụ huynh và dư luận "nhặt sạn" về từ ngữ và ngữ liệu trong sách Tiếng Việt 1- bộ Cánh diều (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM biên soạn). Dư luận tranh luận về sách có sạn, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định sách, Bộ GD&ĐT, nhà biên soạn và nhà xuất bản.

Những "sạn" trong sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh diều cũng được 12 đại biểu Quốc hội phản ánh và nêu quan điểm xử lý ngay tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14 (diễn ra vào cuối tháng 10/2020).

4 sự kiện 'chưa từng có' trong lịch sử ngành giáo dục diễn ra năm 2020 ảnh 3

Sách giáo khoa lớp 1. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Sau khi rà soát lại, Bộ GD&ĐT thừa nhận trách nhiệm khi sách giáo khoa Tiếng Việt 1 xuất hiện lỗi và yêu cầu nhà xuất bản, nhóm tác giả sách phải chỉnh sửa, hiệu đính nội dung chưa phù hợp.

Ngoài sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh diều, giáo viên cũng liên tiếp chỉ ra "sạn" trong 4 cuốn sách Tiếng Việt 1 ở 4 bộ sách: Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương chặt chẽ hơn theo lộ trình đảm bảo chất lượng, không để xảy ra những hạn chế, thiếu sót như sách Tiếng Việt lớp 1 thời gian qua.

Theo VTC News
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: TTXVN phát
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam
(Ngày Nay) - Theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 1401/QĐ-TTg ngày 15/11/2024 cử ông Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao kiêm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thay cho Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc vừa có quyết định nghỉ hưu.
Đại diện Đại học RMIT, VICAS, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại lễ khai mạc VFCD ở Hà Nội.
Khai mạc Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam (VFCD) thường niên lần thứ 6 với chủ đề “TÁI TẠO” diễn ra tại Hà Nội từ ngày 16 đến 22/11 với các hoạt động đa dạng gồm trưng bày, tọa đàm, workshop và tour khám phá, chào đón người yêu sáng tạo đến tham gia và khám phá.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa làm Ngoại trưởng trong chính quyền sắp tới. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Lựa chọn nội các mới của ông Trump gây lo ngại ở châu Âu
(Ngày Nay) - Danh sách nội các mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang làm dấy lên lo lắng tại châu Âu. Giới ngoại giao EU lo ngại rằng những lựa chọn này có thể làm suy yếu mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, khiến châu Âu phải tự mình đối mặt với các thách thức địa chính trị.
Biểu tượng ChatGPT của Công ty OpenAI tại một văn phòng ở Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Công nghệ AI trước cuộc đua chuyển hướng
(Ngày Nay) - Một kỷ nguyên mới đang đến khi các công ty AI đang chuyển hướng tập trung vào việc tinh chỉnh các mô hình hiện có và bổ sung cho chúng khả năng lập luận giống con người hơn.