Đến nay, chỉ còn 6 tỉnh giải ngân dưới 80% so với số đề nghị là Bình Dương, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hưng Yên. Những tỉnh chưa hoàn thành giải ngân là những địa phương có số lượng hồ sơ lớn.
Như vậy, ngoài 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng không có đối tượng, 60 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận được hơn 5,2 triệu lượt lao động với kinh phí hơn 3.700 tỷ đồng (tương đương với gần 58% kinh phí đề xuất ban đầu).
Các địa phương đã phê duyệt được hơn 5 triệu lượt lao động với kinh phí hơn 3.600 tỷ đồng (96,6% số hồ sơ đề nghị) và thực hiện chi trả cho hơn 4,6 triệu lượt lao động với kinh phí hơn 3.100 tỷ đồng (86,1 % số hồ sơ đã được phê duyệt, 83,3% số hồ sơ đề nghị).
Kinh phí đề nghị hỗ trợ đến nay thấp hơn dự kiến ban đầu khá nhiều (khoảng 54,83% so với 6.600 tỷ đồng), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lý giải là do năm 2021 khi xây dựng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các địa phương báo cáo nhu cầu số lượng lao động và dự kiến kinh phí hỗ trợ lên tới khoảng 6.600 tỷ đồng.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay các tỉnh, thành phố đang cố gắng thẩm định để giải ngân, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn để các tỉnh, thành phố đẩy nhanh hơn nữa tốc độ thẩm định, giải ngân. Việc triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà của các tỉnh sẽ là một trong những căn cứ để theo dõi, đánh giá kết quả việc tổ chức thực hiện chính sách lao động, việc làm, an sinh xã hội ở từng địa phương.
Một số địa phương đã thống kê cả lao động đang làm việc không thuộc phạm vi, đối tượng áp dụng Quyết định, dự kiến số lao động quay trở lại thị trường lao động nhiều, kinh phí hỗ trợ dự kiến tính đủ 3 tháng tiền thuê nhà nhưng có nhiều người lao động chỉ thuê nhà và xin đề nghị hỗ trợ theo số tháng thực tế thuê nhà là 1 tháng hoặc 2 tháng dẫn đến số kinh phí dự kiến ban đầu cao hơn thực tế.