Đến cuối ngày 26/8, đã có hơn 1,9 triệu người lao động được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà, đạt gần 68% kế hoạch. Danh sách các tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp vẫn là Bắc Ninh, Phú Thọ, Bình Định. Có 60 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ của 124.084 lượt doanh nghiệp với 5.182.111 lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 3.265 tỷ đồng (tương đương với 50,32 % so với số dự kiến).
Các cơ quan đã thẩm định và ra quyết định phê duyệt được hơn 2.725 tỷ đồng (tương đương 83,4% số hồ sơ đề nghị); giải ngân được 1.677 tỷ đồng (tương đương 51,36% số hồ sơ đề nghị và 61,54% số đã được thẩm định phê duyệt).
Hầu hết các địa phương đã hoàn thành giải ngân 100% số hồ sơ tiếp nhận, như Bắc Giang, Thái Nguyên, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Bình, Lào Cai, Bạc Liêu, Kon Tum, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Đắk Nông...
Để đôn đốc giải ngân vào tháo gỡ vướng mắc, Bộ LĐTBXH đã lập những tổ công tác trực tiếp tới các địa phương chậm thực hiện Quyết định 08.
Chiều 25/8, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh đã cùng tổ công tác làm việc tại Bắc Ninh, địa phương đứng "đội sổ". Thời điểm làm việc, Bắc Ninh mới giải ngân được số tiền hơn 4%, thấp nhất cả nước, trong khi địa phương này là nơi có lượng công nhân lao động thuê trọ thuộc diện hưởng chính sách rất lớn.
Lý giải việc triển khai chậm, lãnh đạo Sở LĐTBXH Bắc Ninh cho biết: Kết quả thẩm định phê duyệt danh sách chỉ dựa trên hồ sơ đề nghị đủ điều kiện theo quy định, không có thời gian tổ chức thẩm định, xác minh trực tiếp, nên quá trình thực hiện chính sách không thể phát hiện kịp thời những đối tượng không đủ điều kiện, lợi dụng để trục lợi chính sách.
Thời gian đầu, sau khi tiếp nhận hồ sơ, địa phương có tổ chức lực lượng công an triển khai xác minh thực tế một vài doanh nghiệp, xác minh rất mất thời gian, khoảng 2-3 tuần. Quá trình xác minh đã phát hiện hàng trăm người lao động không đủ điều kiện nhưng vẫn có hồ sơ và được các doanh nghiệp xác nhận.
Vì vậy, sau khi họp, UBND tỉnh chỉ đạo phải thẩm định chặt chẽ dựa vào cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu này chỉ đạt 30% so với số hồ sơ được tổng hợp.
Vì những vấn đề như vậy, các huyện làm rất chậm. Cho đến ngày 2/8, sau khi rà soát quy trình, chờ UBND tỉnh có chỉ đạo cụ thể, Bắc Ninh thấy chỉ kiểm tra, xác minh xác suất thì mới giải ngân nhanh được. Hiện Bắc Ninh đang huy động nhân lực tập trung giải ngân kịp tiến độ chậm nhất 31/8 hoàn thành.
Đến chiều tối 26/8, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, danh sách những tỉnh, thành tiến độ thực hiện chính sách chậm, có tỷ lệ giải ngân so với số tiếp nhận đề nghị thấp có sự thay đổi. Phú Thọ thành tỉnh "đội sổ" khi tỷ lệ giải ngân mới đạt 8,86%. Tiếp đến là Bình Định, mới đạt 15,2%. Bắc Ninh dù tình hình có cải thiện hơn nhưng vẫn mới chỉ đạt 16,2%. Hải Phòng mới đạt 22,83%, Quảng Ninh 43,2%.