Theo ông Nguyễn Văn Dũng- Chủ tịch UBND TP Hội An, 3 năm trở lại đây biển Hội An liên tục ở trong tình trạng khẩn cấp dù kinh phí đầu tư để chống sạt lở đã đổ ra rất nhiều nhưng vẫn không hiệu quả. Tình trạng sạt lở vẫn diễn ra, nhiều đoạn ăn sâu vào đất liền. Nhiều biện pháp được thực hiện như làm đê chắn sóng, tạo bãi, kè bờ. “Vừa rồi cát có dấu hiệu bồi trở lại khiến người dân, du khách đều mừng, nhưng sợ rằng cứ đến tháng 10 - 11 bờ biển sẽ lại bị phá” - ông Dũng nói.
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định, trong khi chờ thực hiện dự án tổng thể chống xói lở với sự tài trợ (do Cơ quan Phát triển Pháp AFD tài trợ, dự kiến thực hiện năm 2020), thì cần thiết có một giải pháp cấp bách đối với biển Cửa Đại.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thống nhất sử dụng giải pháp nuôi bãi phần đã quây và khu vực phía Bắc, kết hợp mỏ hàn, đê ngầm mềm. Cụ thể, sử dụng mỏ hàn (Larsen, dài 150m) khóa hai đầu đoạn xói lở phía Bắc kết hợp đê ngầm mềm và đổ cát khu vực đã quây trước đây và đổ cát một phần 900m phía Bắc. Mục đích là tạo nuôi bãi và củng cố độ ổn định cho các giải pháp trước đây và một phần bãi 900m phía Bắc. Khối lượng cát dự kiến phục vụ việc này khoảng 282.000m3, kinh phí 81 tỷ đồng.
Theo ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc thực hiện giải pháp khẩn cấp chống xói lở bờ biển Cửa Đại cần khuyến cáo các doanh nghiệp bị ảnh hưởng xói lở biển Cửa Đại thực hiện các biện pháp tương tự. Nguồn cát có thể lấy từ bên ngoài hoặc từ cửa biển An Hòa (huyện Núi Thành), không lấy cát từ sông Thu Bồn hay biển Cửa Đại.