Việc bỏ phiếu luận tội bà Park sẽ bắt đầu hôm nay ở quốc hội Hàn Quốc và 9 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp sẽ có 6 tháng để duy trì hoặc bác bỏ kết quả bỏ phiếu.
Về nguyên tắc, nếu bà Park bị quốc hội luận tội, bà buộc phải rời bỏ nhiệm sở trong lúc chờ đợi quyết định của Tòa Hiến pháp. Thủ tướng Hàn Quốc sẽ đóng vai trò là lãnh đạo tạm thời trong giai đoạn này.
Giới chuyên gia pháp lý cho rằng khả năng các nghị sĩ đồng ý luận tội bà Park là rất cao giữa lúc đông đảo công chúng muốn bà rút khỏi chính trường. Các cuộc biểu tình lớn hàng tuần giờ đã có hơn triệu người trong khi tỉ lệ ủng hộ bà đã giảm xuống chỉ còn 4%.
Tuy nhiên, cơ cấu của Tòa Hiến pháp hiện có vẻ có lợi cho Tổng thống Park. Để bà Park bị luận tội, ít nhất 6 trên 9 thẩm phán phải ủng hộ quyết định của quốc hội.
Cơ cấu tòa lợi cho bà Park
Hai trong số 9 người này sẽ sớm kết thúc nhiệm kỳ tại tòa án. Một người nghỉ hưu vào ngày 31/1 và người còn lại vào ngày 13/3 năm sau. Và việc bổ nhiệm người mới sẽ khó xảy ra trong bối cảnh khủng hoảng chính trị hiện tại.
Tuy vậy, khi số lượng thẩm phán giảm thì việc đồng ý luận tội vẫn phải cần có đủ 6 phiếu - điều được cho là có lợi cho bà Park.
"Hai thẩm phán về hưu vì vậy cũng tương đương với 2 người bỏ phiếu chống (quyết định của quốc hội)", Chon Jong-ik, giáo sư luật tại Đại học Quốc gia Seoul, người từng là phát ngôn viên của tòa trong phiên tòa luận tội Tổng thống Roh Moo-hyun vào năm 2004 cho biết.
Ông Roh là tổng thống Hàn Quốc duy nhất từng bị quốc hội đồng ý luận tội. Tuy nhiên sau đó, tòa án Hiến pháp đã bác bỏ quyết định này.
Ha Kyung-chull, người đứng đầu nhóm luật sư của ông Roh tại phiên tòa cho rằng khả năng bà Park bị luận tội là khá cao do đã có căn cứ rõ ràng để ủng hộ việc này.
Quyết định để đời
Chưa từng có tổng thống Hàn Quốc nào không hoàn thành nhiệm kỳ 5 năm của mình kể từ khi nền dân chủ được thiết lập tại Hàn Quốc vào năm 1987.
Toà án Hiến pháp sẽ nghe lý lẽ của 2 bên - chủ tịch Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho việc luận tội và luật sư đại diện cho bà Park - trong buổi điều trần được mở trước khi tòa đưa ra phán quyết. Bà Park có thể sẽ không có mặt.
Nếu thông qua việc luận tội, 9 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp, những người làm việc cách không xa phủ tổng thống, sẽ có một quyết định để đời.
"Thời khắc quốc hội chấp thuận việc luận tội, có thể nói rằng các thẩm phán sẽ lập tức 'ăn không ngon ngủ không yên'. Áp lực sẽ rất lớn", Kim Jong-dae, người từng phục vụ tại tòa án từ năm 2006 đến năm 2012, cho biết.
Tất cả 9 thẩm phán đều do tổng thống bổ nhiệm, trong đó có 3 người do Chánh án Tòa án Tối cao đề xuất và 3 người khác do quốc hội đề xuất.
9 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tại một phiên tòa ngày 26/2/2015. Ảnh: AFP. |
Tòa án bảo thủ
Tòa án hiện tại được cho là khá bảo thủ, thường xuyên đứng về phía chính phủ trong các biến cố lớn trong nhiệm kỳ tổng thống của bà Park cũng như người tiền nhiệm, ông Lee Myung-bak.
Tuy nhiên, theo 2 cựu thẩm phán Kim và Ha, một tòa án có khuynh hướng bảo thủ có thể không đủ để giúp bà Park khi xét tới các bằng chứng chống lại bà.
Bà Park bị các nhà lập pháp cáo buộc không thực hiện đúng nhiệm vụ hiến định của mình nhằm duy trì các nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ tự do và phạm pháp khi thông đồng với bạn và các trợ lý cũ.
Các công tố viên công bố bà Park là đồng phạm trong vụ án tham nhũng cùng với người bạn thân nhưng bà được miễn trừ truy tố trong thời gian đương nhiệm.
"Bà Park tiếp tục đặt bản thân lên trước nhân dân và làm cho mọi chuyện phức tạp thêm", Kim Jong-dae nhận xét.
"Tôi tin rằng các thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết dựa trên lương tâm và lòng yêu nước. Họ cũng là những người dân của Đại Hàn Dân Quốc, giống như tất cả chúng tôi".