Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang đối mặt với bê bối lớn liên quan đến bạn thân Choi Soon-sil, người bị cáo buộc thao túng tổng thống với tư cách là cố vấn bí mật để trục lợi cá nhân. Hàng trăm nghìn người Hàn Quốc đã xuống đường phố biểu tình vào mỗi cuối tuần trong tháng qua để yêu cầu bà Park Geun-hye từ chức.
Người dân Hàn Quốc nổi giận vì ba lý do khiến họ cho rằng Choi Soon-sil đã thao túng quyền lực nghiêm trọng nhằm thu lợi cho bản thân, theoWashington Post.
Kiếm chác từ các doanh nghiệp lớn
Vụ bê bối Choi Soon-sil bắt đầu vỡ lở sau khi có những tiết lộ xung quanh số tiền 70 triệu USD mà bà Choi huy động cho hai quỹ do bà quản lý, nhờ đóng góp của một nhóm vận động hành lang đại diện cho hơn 50 công ty lớn nhất Hàn Quốc, trong đó có Samsung, Hyundai Motor và LG.
Phó chủ tịch tập đoàn Samsung Jay Lee cùng lãnh đạo 6 công ty lớn khácđã bị triệu tập đến văn phòng cơ quan công tố để trả lời về những cuộc họp tay đôi bí mật với tổng thống.
Giám đốc điều hành công ty Samsung Electronics cũng bị triệu tập hai lần vì công ty này bị cáo buộc chuyển tiền trực tiếp cho Choi cũng như các quỹ của bà.
Năm ngoái, Samsung đã gửi ba triệu USD cho Widec Sports, một công ty Đức có mối liên hệ với bà Choi. Khoản tiền này được gửi ngay sau vụ sáp nhập Samsung C&T và Cheil Industries, hai công ty con của Samsung hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và dệt may.
Choi Soon-sil. Ảnh: AFP. |
Vụ sáp nhập là một phần quan trọng trong kế hoạch của gia tộc họ Lee nhằm giúp Jay Lee kiểm soát vững chắc tập đoàn Samsung và đặt ông vào vị trí kế tục người cha đang già yếu nhưng về lý thuyết vẫn đang nắm quyền lãnh đạo Samsung, dù ông đã hôn mê trong bệnh viện hai năm.
Samsung là một thế lực kinh tế thống trị ở Hàn Quốc, sở hữu nhiều lợi ích ở hàng loạt lĩnh vực từ công viên giải trí, bóng rổ cho đến các bệnh viện và tất nhiên là gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics. Samsung đóng góp đến 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc mỗi năm, do vậy, nếu tập đoàn này dính vào rắc rối nào đó, đây rõ ràng là chuyện lớn.
Bẻ cong quy định tuyển sinh
Choi Soon-sil bị cáo buộc can thiệp để con gái được vào học một trường đại học danh tiếng. Chung Yoo-ra, con gái của Choi, không cần phải học hành nhiều. Cô gái này chỉ đi học đúng 17 ngày trong năm cuối cấp ba và xếp bét lớp về thành tích học tập, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết.
Mặc dù không đủ điểm, Chung Yoo-ra vẫn được nhận vào Đại học nữ sinh Ewha danh giá ở Seoul. Tại đây, Chung chẳng cần đi học hay nộp các bài luận để lấy điểm và rõ ràng các giáo sư đã can thiệp vào các bài luận của cô để bảo đảm cô vượt qua các khóa học, theo kết quả điều tra của Bộ Giáo dục Hàn Quốc.
"Chúng tôi chắc chắn có trách nhiệm vì đã không giám sát đúng đắn trường đại học này", Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Lee Jun-sik, nói.
Học sinh biểu tình tại trung tâm Seoul để yêu cầu bà Park từ chức. Ảnh: Reuters. |
Đại học Ewha và ban lãnh đạo bao gồm cựu hiệu trưởng Choi Kyung-hee sẽ bị các công tố viên điều tra. Hôm 22/11, các công tố viên đã lục soát văn phòng làm việc của trường này và tịch thu ổ cứng máy tính, điện thoại di động và tài liệu liên quan đến công tác tuyển sinh năm 2015.
Vụ việc đặc biệt gây phẫn nộ cho nhiều thanh thiếu niên Hàn Quốc, những người phải trải qua kỳ thi như "địa ngục" để kiếm tấm vé vào các trường đại học danh tiếng nhằm kiếm được việc làm tốt sau này.
'7 tiếng biến mất'
Khi Tổng thống Park thuê một luật sư để ứng phó với các cáo buộc nhằm vào bà ngày càng gia tăng, luật sư này đã kêu gọi người dân tôn trọng sự riêng tư vì tổng thống là phụ nữ.
Ban đầu người dân không hiểu hàm ý của lời kêu gọi này nhưng thông tin lộ ra sau đó cho thấy bà Park đã bí mật sử dụng dịch vụ của một phòng khám tư nhân sang trọng chuyên nghiên cứu tế bào gốc và điều trị chống lão hóa tại Gangnam, khu vực giàu có ở phía nam Seoul. Lúc này, người dân mới hiểu lời kêu gọi của luật sư.
Theo báo chí Hàn Quốc, phòng khám thẩm mỹ này có tên gọi Chaum, từng điều trị liệu pháp trẻ hóa bằng cách tiêm tế bào gốc miễn phí cho bà Park trước khi bà trở thành tổng thống.
Câu chuyện này cũng có liên quan đến bà Choi vì bà đã thay mặt bà Park mua các dung dịch tiêm để tổng thống có thể điều trị lúc thuận tiện. Bác sĩ kê đơn cho bà Choi đã bị đình chỉ công tác vì phạm luật, do bác sĩ bị cấm kê đơn thuốc cho những người không phải là bệnh nhân.
Chuyện này cũng làm dấy lên những nghi ngờ liên quan đến '7 tiếng biến mất' của Tổng thống khi vụ chìm phà Sewol xảy ra vào ngày 16/4/2014, làm hơn 300 người thiệt mạng, phần lớn là học sinh.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nói rằng bà Park được thông báo về vụ chìm phà bằng điện thoại và các báo cáo khác. Tuy nhiên, khi xuất hiện trước công chúng nhiều giờ sau đó để chủ trì cuộc họp khẩn cấp, bà Park lại chất vấn tại sao không cứu được nhiều học sinh có phao cứu sinh. Lời chất vấn này gây bối rối cho nhiều người vì Tổng thống có vẻ không hề biết chiếc phà đã chìm với nhiều học sinh bị kẹt bên trong.
Sau này người ta mới biết rằng không ai có mặt trong văn phòng Tổng thống, kể cả thư ký trưởng của bà Park, trong khoảng thời gian từ 9h53, khi bà Park nhận được báo cáo văn bản đầu tiên về vụ chìm phà đến 17h15 cùng ngày, khi bà triệu tập cuộc họp khẩn cấp.
Bà Park bị chỉ trích vì không xử lý được cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và cấp bách khi mà mỗi phút mỗi giây đều hết sức quý giá. Bất chấp sự tò mò và suy đoán của dư luận, bà Park chưa bao giờ giải thích đầy đủ bà làm gì trong khoảng 7 tiếng đồng hồ 'biến mất' đó. Khi thông tin về phòng khám thẩm mỹ chống lão hóa Chaum bị lộ ra, một số người dân Hàn Quốc nghi ngờ liệu có phải tổng thống đang chăm sóc sắc đẹp khi vụ chìm phà diễn ra hay không.
Văn phòng tổng thống Hàn Quốc hôm 11/11 bác tin đồn tổng thống đã phẫu thuật thẩm mỹ khi vụ chìm phà diễn ra. Tuy nhiên, những lời giải thích không làm người Hàn Quốc từ bỏ yêu cầu bà Park từ chức.
"Tổng thống nên từ chức nếu các cáo buộc là đúng sự thật. Bê bối đã làm tôi mất tin tưởng vào chính quyền. Thật đáng buồn là đồng hồ lại quay ngược ở nước ta", Lee Hyun-soo, một nhà thiết kê nội thất, nói.