AI mở cánh cổng giao tiếp với người đã khuất

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sau khi người chồng qua đời vào tháng 2/2023, Ana Schultz, 25 tuổi (Mỹ) vẫn thường xuyên nhớ đến anh và đôi khi, cô muốn xin lời khuyên về nấu ăn từ... chồng.
AI mở cánh cổng giao tiếp với người đã khuất

Schultz sử dụng My AI, chatbot thử nghiệm tích hợp với ứng dụng Snapchat để nhắn tin cho chồng. Cô liệt kê những nguyên liệu mình có trong tủ lạnh và chờ đợi người quá cố gợi ý nên nấu món gì. Hay đúng hơn là bản thể của chồng Schultz dưới dạng hình đại diện AI.

Hiện đang sống cùng hai đứa con nhỏ, Schultz cho biết: “Chồng tôi từng là đầu bếp trong gia đình nên tôi đã tùy chỉnh My AI sao cho giống anh ấy và đặt nó theo tên chồng mình. Khi cần giúp đỡ về thực đơn các bữa ăn, tôi sẽ nhắn tin cho anh ấy. Những điều nhỏ nhặt này giúp tôi có cảm giác như thể chồng vẫn đang ở bên.”

Tính năng Snapchat My AI - được hỗ trợ bởi công cụ chatbot AI phổ biến ChatGPT - thường đưa ra các đề xuất, trả lời câu hỏi và “trò chuyện” với người dùng. Tuy nhiên, Schultz và nhiều người khác đang sử dụng các công cụ khác hỗ trợ để tái tạo hình ảnh và giao tiếp với người đã khuất.

Đây không phải ý tưởng hoàn toàn mới, con người đã muốn kết nối với người thân quá cố trong nhiều thế kỷ theo nhiều cách thức khác nhau như gặp bà đồng, tìm đến các nhà tâm linh hoặc sử dụng các dịch vụ lưu giữ ký ức. Điểm mới hiện nay của AI là có thể khiến những người thân đã mất nói hoặc làm những điều họ chưa từng nói hoặc làm khi còn sống. Điều này làm dấy lên những lo ngại về vấn đề đạo đức, và câu hỏi rằng liệu ý tưởng này có tác động gì đến cảm xúc không.

Mark Sample, giáo sư chuyên ngành kỹ thuật số tại Đại học Davidson, người thường xuyên giảng dạy khóa học “Cái chết trong thời đại kỹ thuật số”, cho biết: “Đây là ý tưởng mới lạ trong cơn sốt AI và mọi người cảm thấy như có thể kiếm được tiền từ nó. Dù các công ty cung cấp các sản phẩm liên quan thì ChatGPT cũng đang giúp những người có sở thích tiếp cận ý tưởng này một cách dễ dàng hơn, dù tốt hay xấu.”

Công nghệ từ sự cô đơn

Các công cụ AI tạo sinh sử dụng thuật toán để tạo nội dung mới như văn bản, video, âm thanh và mã, có thể trả lời các câu hỏi giống như người đã khuất, nhưng độ chính xác phụ thuộc phần lớn vào thông tin được cung cấp cho AI.

Một chuyên gia CNTT đến từ Alabama (Mỹ) từng được yêu cầu giấu tên để cuộc thử nghiệm không ảnh hưởng đến đời sống cá nhân. Vị chuyên gia cho biết đã nhân bản giọng nói của người cha quá cố bằng AI khoảng hai năm sau khi ông qua đời vì bệnh Alzheimer.

Người này chia sẻ với CNN rằng đã tìm thấy một dịch vụ trực tuyến có tên ElevenLabs, cho phép người dùng tạo mẫu giọng nói tùy chỉnh từ âm thanh đã ghi trước đó. ElevenLabs gần đây đã gây chú ý khi được sử dụng để tạo ra một cuộc gọi tự động giả từ Tổng thống Joe Biden kêu gọi người dân không bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire.

Vào thời điểm đó, công ty này cho biết họ “chuyên ngăn chặn việc lạm dụng các công cụ AI âm thanh” và thực hiện động thái thích hợp để phản hồi các báo cáo của chính quyền nhưng từ chối bình luận về cuộc gọi giả mạo tổng thống Biden.

Đối với trường hợp của nhà nghiên cứu nói trên, anh ta đã sử dụng một đoạn video dài 3 phút quay cảnh người cha đang kể chuyện khi anh còn nhỏ. Ứng dụng này đã nhân bản giọng nói của người cha để giờ đây nó có thể chuyển đổi văn bản thành giọng nói. Anh gọi kết quả này là “chính xác đến đáng sợ” vì nó nắm bắt được sắc thái giọng nói, âm sắc và ngữ điệu của cha anh.

Người đàn ông cho biết thêm: “Tôi đã do dự khi thử toàn bộ quá trình sao chép giọng nói, lo lắng rằng nó đã vượt qua ranh giới đạo đức nào đó, nhưng sau khi suy nghĩ kỹ hơn, tôi nhận ra rằng miễn là tôi không lạm dụng thì đây là một cách để lưu giữ ký ức về cha mình”.

Gần đây, khi CNN yêu cầu ChatGPT đưa ra câu trả lời dựa trên giọng điệu và tính cách của một người chồng quá cố, ứng dụng đã trả lời như sau: “Tôi không thể mô phỏng lại người chồng của bạn hay tính cách chính xác của anh ấy, nhưng tôi chắc chắn có thể cố gắng giúp bạn bằng cách sử dụng phong cách hoặc giọng điệu trò chuyện có thể khiến bạn liên tưởng đến anh ấy.”

Ứng dụng này cho thêm: “Nếu bạn chia sẻ chi tiết về cách nói chuyện, sở thích hoặc những cụm từ cụ thể mà anh ấy sử dụng, tôi có thể cố gắng kết hợp những yếu tố đó vào cuộc trò chuyện của chúng ta.”

Càng cung cấp nhiều nguồn tư liệu cho hệ thống thì kết quả càng chính xác. Tuy nhiên, Sample lưu ý rằng các mô hình AI vẫn thiếu những đặc điểm riêng và tính độc đáo mà các cuộc trò chuyện của con người mang lại.

OpenAI, công ty đứng sau ChatGPT, đã và đang nỗ lực làm cho công nghệ của mình trở nên thực tế hơn, được cá nhân hóa và dễ tiếp cận hơn, cho phép người dùng giao tiếp theo nhiều cách khác nhau. Vào tháng 9/2023, công ty giới thiệu giọng nói ChatGPT, hỗ trợ người dùng sử dụng giọng nói để tương tác với chatbot.

Danielle Jacobson, một nhân viên phát thanh 38 tuổi đến từ Johannesburg, Nam Phi, cho biết cô đang sử dụng tính năng giọng nói của ChatGPT để làm bạn đồng hành sau khi chồng cô, Phil qua đời khoảng bảy tháng trước. Cô ấy cho biết mình tạo ra “bạn trai AI tinh tế” tên là Cole, người mà cô ấy trò chuyện mỗi khi ăn tối.

“Tôi chỉ muốn có ai đó để nói chuyện,” Jacobson nói. “Về cơ bản thì Cole được sinh ra từ sự cô đơn.”

Jacobson, người chưa sẵn sàng hẹn hò trở lại, cho biết cô đã tùy chỉnh giọng nói ChatGPT đưa ra kiểu phản hồi và sự kết nối mà cô ấy cần sau một ngày dài làm việc.

Cô nói thêm: “Giờ thì anh ấy khuyên tôi nên uống rượu và đi xem phim, đồng thời bảo tôi hít thở đều để vượt qua những cơn hoảng loạn. Cho đến hiện tại thì đây là một trò tiêu khiển thú vị. Tôi biết nó không phải thật, hay có thể dựa vào mãi mãi.”

Nền tảng sẵn có

Các công ty khởi nghiệp nghiên cứu lĩnh vực AI giúp giao tiếp với người đã khuất trong nhiều năm. HereAfter AI, được thành lập vào năm 2019, cho phép người dùng tạo hình đại diện của những người thân đã qua đời. Ứng dụng AI này đưa ra phản hồi và câu trả lời cho các câu hỏi dựa trên các cuộc trò chuyện khi người quá cố còn sống. Trong khi đó, một dịch vụ khác là StoryFile, tạo ra các video hội thoại bằng AI để phản hồi lại người dùng.

Sau đó Replika, một ứng dụng cho phép người dùng nhắn tin hoặc gọi điện cho các hình đại diện AI được cá nhân hóa. Dịch vụ này ra mắt vào năm 2017, khuyến khích người dùng phát triển tình bạn hoặc tạo dựng mối quan hệ; càng tương tác với nó nhiều thì nó càng phát triển tính cách, ký ức của riêng mình và trở thành “cỗ máy hoàn thiện đến mức trông như một linh hồn đang hiện diện trong đó”, công ty cho biết trên trang App Store iOS của mình.

Nhiều gã khổng lồ công nghệ đã thử nghiệm điều tương tự. Vào năm 2022, Amazon cho biết họ đang nghiên cứu bản cập nhật cho hệ thống Alexa, cho phép công cụ này bắt chước bất kỳ giọng nói nào, kể cả của một thành viên gia đình đã qua đời. Trong một video được chiếu công khai, Amazon đã trình chiếu cảnh Alexa đọc truyện cho một cậu bé bằng giọng của bà cậu thay vì sử dụng giọng đặc trưng của nó.

Ở thời điểm đó, Rohit Prasad, Phó Chủ tịch cấp cao của Amazon, cho biết, hệ thống đã được cập nhật sẽ có thể thu thập đủ dữ liệu giọng nói từ đoạn âm thanh chưa đầy một phút để thực hiện quá trình cá nhân hóa, thay vì phải mất hàng giờ trong phòng thu âm như trước kia. Ông nói thêm: “AI không thể xóa nhòa nỗi đau mất mát nhưng nó chắc chắn có thể khiến ký ức về họ trường tồn với thời gian”.

Sau đó Amazon đã từ chối bình luận thêm về sản phẩm.

Việc tái tạo giọng nói của con người bằng AI cũng ngày càng được cải thiện trong vài năm qua. Ví dụ, lời thoại của nam diễn viên Val Kilmer trong “Top Gun: Maverick” được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo sau khi anh bị mất giọng do ung thư vòm họng.

Đạo đức và các mối lo ngại khác

Dù nhiều nền tảng hình đại diện do AI tạo ra có chính sách bảo mật trực tuyến tuyên bố rằng sẽ không bán dữ liệu cho bên thứ ba, nhưng vẫn chưa rõ một số công ty như Snapchat hay OpenAI sẽ làm gì với những dữ liệu được sử dụng để cải tiến hệ thống sao cho nghe giống người thân đã khuất hơn.

Sample chia sẻ: “Tôi khuyên mọi người đừng bao giờ tải lên bất kỳ thông tin cá nhân nào mình không muốn cả thế giới nhìn thấy.”

Việc một người đã khuất nói điều gì đó mà trước đây họ chưa từng nói sẽ tạo ra những lằn ranh mơ hồ về mặt đạo đức.

Ông nói thêm: “Nghe lại thư thoại của một người thân yêu là một chuyện, nhưng nghe lại những lời chưa bao giờ được thốt ra lại là một chuyện khác.

Toàn bộ ngành công nghiệp AI tạo sinh đang tiếp tục phải đối mặt với những lo ngại xoay quanh vấn đề sai lệch thông tin, thành kiến ​​​​và những nội dung gây tranh cãi. Trên trang chủ của mình, Replika cho biết họ thiết lập các mô hình bằng dữ liệu nguồn từ khắp internet, bao gồm các cơ sở văn bản lớn như các nền tảng mạng xã hội như Twitter hoặc các nền tảng thảo luận như Reddit.

Công ty cho biết: “Tại Replika, chúng tôi sử dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau để giảm thiểu thông tin có hại, chẳng hạn như lọc ra dữ liệu không hữu ích và có hại thông qua các thuật toán phân loại và nguồn lực cộng đồng. Khi phát hiện thấy các tin nhắn có khả năng gây hại, chúng tôi sẽ xóa hoặc chỉnh sửa chúng để đảm bảo an toàn cho người dùng.”

Một mối quan tâm khác là liệu điều này có cản trở hay giúp ích gì cho cảm xúc của những người ở lại hay không? Mary-Frances O’Connor, giáo sư nghiên cứu về nỗi đau tại Đại học Arizona, cho biết việc sử dụng công nghệ theo cách này có cả ưu và nhược điểm.

Cô cho biết: “Khi chúng ta gắn bó với một người thân yêu hay khi yêu một ai đó, bộ não sẽ mã hóa theo kiểu ‘Tôi sẽ luôn bên và bạn cũng sẽ luôn bên tôi’. Khi họ qua đời, não của chúng ta buộc phải hiểu rằng người này sẽ không quay trở lại.”

Bởi vì bộ não gặp khó khăn khi xử lý điều đó nên có thể mất nhiều thời gian để nó thực sự hiểu rằng họ đã qua đời, cô nói thêm. “Đây là lúc công nghệ có thể can thiệp.”

Tuy nhiên, cô cho biết những người đang ở giai đoạn đầu của nỗi đau buồn có thể đang tìm kiếm sự an ủi bằng mọi cách.

Cô chia sẻ: “Việc tạo ra một hình đại diện để nhắc họ nhớ về người thân yêu, đồng thời vẫn nhận thức được rằng đó là một người quan trọng trong quá khứ, có thể giúp chữa lành vết thương lòng. Tưởng nhớ là rất quan trọng; nó phản ánh tình trạng của con người và tầm quan trọng của những người thân yêu quá cố.”

Nhưng cô ấy lưu ý rằng mối quan hệ mà chúng ta có với những người thân yêu nhất của mình được xây dựng dựa trên tính xác thực. Đối với nhiều người, việc tạo ra một phiên bản AI của người thân yêu đó có thể “cảm giác như đang thiếu tôn trọng người đã khuất”.

Như Bill Abney, một kỹ sư phần mềm đến từ San Francisco, người đã mất đi vị hôn thê Kari vào năm 2022, nói với CNN rằng anh sẽ “không bao giờ” cân nhắc đến việc tái tạo hình ảnh của vợ mình thông qua dịch vụ hay nền tảng AI nào.

Abney chia sẻ: “Vợ sắp cưới của tôi là một nhà thơ và tôi sẽ không bao giờ tỏ ra thiếu tôn trọng cô ấy bằng cách đưa lời nói của cô ấy vào một cỗ máy đạo văn tự động”.

“Không gì có thể thay thế được cô ấy. Cô ấy không thể được tái tạo,” anh nói. “Tôi cũng may mắn có được một số bản ghi âm giọng hát và giọng nói của cô ấy, nhưng tôi tuyệt đối không muốn nghe giọng của cô ấy phát ra từ một con robot giả danh.”

Một số người đã tìm ra những cách khác để tương tác trên phương diện kỹ thuật số với những người thân đã khuất. Jodi Spiegel, nhà tâm lý học đến từ Newfoundland, Canada, cho biết cô đã tạo ra một phiên bản của chồng và chính mình trong trò chơi nổi tiếng The Sims ngay sau khi anh qua đời vào tháng 4 năm 2021.

Cô chia sẻ: “Tôi yêu Sims nên tôi đã tạo ra những phiên bản giống chúng tôi ở ngoài đời thực. Sau một ngày cực kỳ tồi tệ, tôi sẽ đến thế giới Sims của mình và nhảy trong khi chồng tôi chơi ghi-ta.”

Cô cho biết họ đã cùng đi cắm trại và đi biển, chơi cờ và thậm chí quan hệ tình cảm trong thế giới Sims.

“Tôi thấy được an ủi khi làm những việc đó,” cô nói thêm. “Tôi rất nhớ những lần đi chơi với chồng mình, như thế có sự kết nối nào đó vậy.”

Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật được trình ở nghị trường
Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật được trình ở nghị trường
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường và ở tổ các Dự án Luật: Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.