Hiện tại, hơn 20 quốc gia ở châu Mỹ Latinh đã ghi nhận dịch bệnh do virus Zika gây ra và nhiều quốc gia khác đang trong chiến dịch phòng chống loại virus gây teo não ở trẻ sơ sinh này. Đồng thời, nhiều nhà khoa học đã bắt tay vào nghiên cứu vaccine phòng chống virus Zika.
Theo NDTV, trong lúc thế giới đang tìm kiếm một loại vaccine và các tập đoàn y tế toàn cầu đang bắt tay vào những nghiên cứu đầu tiên, công ty TNHH Bharat Biotech ở miền Nam Hyderabad, Ấn Độ cho biết họ đã đăng ký bản quyền sáng chế cho loại vaccine phòng virus Zika của mình từ… 9 tháng trước.
Ấn Độ thông báo đã bào chế thành công vaccine chống virus Zika từ lâu. Ảnh: NDTV
Ngoài ra, hãng dược phẩm lớn nhất châu Á Takeda Pharmaceutical có trụ sở tại Osaka (Nhật) cũng thông báo, đã triển khai một nhóm chuyên gia 8 người để đánh giá các khả năng phát triển vaccine phòng virus Zika, loại virus có khả năng gây teo não ở trẻ sơ sinh, đang lây lan mạnh tại nhiều nước ở châu Mỹ.
Bác sỹ Krishna Ella, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành công ty Bharat Biotech cho biết: “Về virus Zika, có lẽ chúng tôi là công ty nghiên cứu vaccine đầu tiên trên thế giới nộp đơn đăng ký bản quyền sáng chế cho loại vaccine này từ 9 tháng trước”.
Bác sỹ Ella cho biết ông đang tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ về vấn đề này và Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) đã đề nghị giúp đỡ.
Sử dụng một loại virus Zika nhập khẩu để nghiên cứu, công ty Bharat Biotech tới nay đã phát triển được 2 loại vaccine, tuy nhiên việc thử nghiệm chúng trên động vật và người vẫn còn là một quá trình dài.
Tổng giám đốc ICMR - bác sĩ Soumya Swaminathan cho biết: “Chúng tôi đã nhận được thông tin về loại vaccine phòng virus Zika của công ty Bharat Biotech. Chúng tôi sẽ xem xét nó từ góc độ khoa học và tính khả thi của loại vaccine này”.
Bác sĩ Ella cho biết, nếu đạt được điều kiện tốt nhất, công ty của ông sẽ tạo ra được một triệu liều vaccine trong vòng 4 tháng. Theo ông, vaccine này có thể giúp các quốc gia đang tràn lan bệnh dịch Zika như Brazil. Hiện tại, ông đang cố gắng nhờ sự can thiệp trực tiếp của thủ tướng Narendra Modi để giúp đẩy nhanh việc phát triển và phân phối loại vaccine này, loại bỏ những thủ tục hành chính rườm ra, quan liêu.
Thông báo của công ty Bharat Biotech là tin mừng đối với các quốc gia đang lao đao vì loại virus đáng sợ này. Các chuyên gia y tế đã ca ngợi tầm nhìn xa của công ty trong việc nghiên cứu loại vaccine ngay từ lúc virus Zika vẫn còn chưa được quan tâm phòng ngừa.
Em bé đầu tiên bị nhiễm virus Zika tại Brazil. Ảnh: CBC
Hiện tại đã có 23 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Mỹ ghi nhận các ca nhiễm virus, trong đó phải kể đến Brazil với hơn 3.700 trường hợp dị tật đầu nhỏ bẩm sinh có liên quan đến loại virus này.
WHO ước tính khoảng 4 triệu người tại châu Mỹ có thể bị lây nhiễm virus Zika. Điều này càng làm tăng thêm mức độ cấp bách của các nghiên cứu phát triển loại vacxin hiệu quả trong thời gian ngắn nhất.
Do chưa có vaccine phòng bệnh nên cách duy nhất chủ yếu là hạn chế đi đến vùng lưu hành dịch Zika. Các cá nhân trong vùng dịch áp dụng các biện pháp hạn chế muỗi đốt như: Mặc quần áo kín, sáng màu, dùng các thuốc xua đuổi côn trùng, nằm màn… Tại vùng có dịch cần triển khai các biện pháp diện muỗi như: Đảm bảo vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng đọng nước như các mảnh vỡ, lốp xe, vỏ lon, vũng nước đọng. Đậy kín các chum, bể hoặc thả cá diệt loăng quăng, diệt muỗi bằng bẫy, vợt,...
An Mai