‘Ánh sáng’ không thể tắt

(Ngày Nay) - Nhiều người cho rằng, người mù lòa bị hạn chế trong việc lựa chọn công việc hay hoạt động mà họ yêu thích. Tuy nhiên ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, chỉ cần một vài điều chỉnh, người mù lòa có thể thực hiện hầu hết những điều người bình thường vẫn làm, thậm chí đạt thành công trong sự nghiệp.
Nữ nhà báo Nas Campanella
Nữ nhà báo Nas Campanella

Nhiếp ảnh gia mù

Ở tuổi đôi mươi, Pete Eckert từng hứng thú với thiết kế và điêu khắc, khát khao trở thành sinh viên kiến trúc tại Đại học Yale. Sau khi bác sỹ nói rằng ông mắc chứng viêm sắc tố võng mạc, Eckert hiểu rằng đây là chứng bệnh không chữa được; ông sẽ từ từ mất thị lực rồi mù vĩnh viễn. Eckert mất 2 năm để trải qua “cú sốc tinh thần” này. Vào thời điểm khó khăn nhất, người bạn gái Amy không rời bỏ Eckert. Họ kết hôn khi Eckert 32 tuổi. Khi thị lực dần suy giảm, Eckert phải ngưng sở thích lái xe cổ Moto Guzzi và thôi làm việc ở các công trình xây dựng. Lúc mới bị mù, Pete Eckert muốn làm điều gì đó cho khuây khỏa. Ông quyết định quay lại với sở thích điêu khắc. Eckert thường dành nhiều giờ luyện tập vẽ than chì và chạm khắc gỗ. Cuối ngày, Eckert nhờ vợ miêu tả chi tiết những gì cố diễn đạt trong mỗi tác phẩm. Eckert tâm sự :”Điều này khiến vợ tôi phát điên”. Mặc dù có niềm vui song Eckert nhận ra rằng công việc này chưa đủ nuôi sống gia đình.

‘Ánh sáng’ không thể tắt ảnh 1Nhiếp ảnh gia mù

Một ngày, Eckert tìm thấy chiếc máy ảnh Kodak cũ từ những năm 50 của người mẹ quá cố. Ông vốn là người thích máy móc nên khá hứng thú với những nút cài đặt máy ảnh. Khi Eckert bắt đầu cầm máy, dòng máy kỹ thuật số chưa lấn át các cửa hàng máy ảnh truyền thống. Eckert hồi tưởng: “Khi ấy, tôi cứ ra vào cửa hàng, mua 2 cuộn phim, hỏi rất nhiều về kỹ thuật nhiếp ảnh. Tôi đến đấy mỗi ngày. Tôi không ngừng học hỏi bằng cách đặt ra thắc mắc rồi nhận hồi đáp”. Eckert mua máy tính riêng, học cách sử dụng phần mềm cho người mù để “đọc” sách về nhiếp ảnh.

Thời gian đầu đến với nhiếp ảnh, Eckert thường ra ngoài dạo mát hằng đêm với chú chó dẫn đường của ông. Chủ thể đầu tiên ông chọn là tượng điêu khắc. Dần dà, ông lột tả nhiều đề tài sống động hơn. Eckert trải lòng: “ Tôi nghĩ chụp ảnh tác phẩm tượng có vẻ không mấy công bằng, bởi vẻ đẹp nghệ thuật đã có sẵn ở đó. Thứ tôi muốn tìm là phương thức thật sự linh hoạt để thể hiện góc nhìn thế giới của một người mù”. Kết quả từ thôi thúc này là một phong cách nhiếp ảnh nghệ thuật vẽ ánh sáng (Light Painting) - từng chủ thể ẩn hiện giữa khung hình, bao bọc bằng đường nét huyền ảo lôi cuốn. Bên cạnh khai thác nguyên tắc phơi sáng, sắp đặt ánh sáng, Eckert luôn mường tượng sẵn người hoặc vật ông muốn chụp. Sử dụng âm thanh và xúc giác hỗ trợ, ông có thể phác họa trọn vẹn tác phẩm trước lúc bấm máy. Eckert lý giải: “Như loài dơi, tôi dùng giọng nói để định vị người mẫu tôi muốn chụp. Trong căn studio tối đen, tôi ‘đẩy’ thêm chiều sâu cho tác phẩm bằng ánh sáng, cân nhắc kĩ lại mỗi bước đến khi hài lòng với những gì tâm trí tôi hình dung ban đầu".

Qua hơn 2 thập niên, dẫu mất hoàn toàn thị lực, Eckert vẫn xây dựng sự nghiệp đáng ngưỡng mộ trong vai trò một nhiếp ảnh gia tự học. Phong cách ảnh nghệ thuật đẹp ‘ma mị’ của ông từng xuất hiện trên tạp chí đình đám Playboy. Volkswagen - hãng xe đắt giá hàng đầu thế giới và thương hiệu trang sức sang trọng Swarovski cũng mời ông chụp mẫu cho một số chiến dịch quảng bá sản phẩm.

Trả lời phỏng vấn  tạp chí Comstock , Eckert khiêm tốn:  “Tôi không có gì đặc biệt. Ngoài kia còn rất nhiều người mù lòa, khuyết tật thật sự thông minh và tuyệt vời. Họ chỉ chưa được trao cơ hội để bắt đầu xây dựng ước mơ”.

Nữ nhà báo mù

Những thính giả nghe chương trình Triple J của Đài ABC (Australia) khá quen thuộc với giọng đọc ngọt ngào của nữ nhà báo Nas Campanella – một cư dân 26 tuổi ở thành phố Sydney, tiểu bang New South Wales. Nhưng ít người biết cô bị mù từ khi mới 6 tháng tuổi. Ngoài việc không nhìn được, Campanella còn mắc bệnh teo cơ Mác khiến ngón tay suy yếu và gần như mất cảm giác. Điều đó có nghĩa cô không thể đọc chữ nổi braille. Campanella ham đọc, là thính giả nghe đài từ bé bởi đó là “cánh cửa” giúp cô khám phá thế giới. Bất chấp gặp nhiều khó khăn hơn người bình thường, Campanella chưa bao giờ từ bỏ quyết tâm trở thành nhà báo. Sau khi tốt nghiệp ngành truyền thông tại Đại học Công nghệ Sydney, Campanella trải qua nhiều cuộc phỏng vấn xin việc nhưng thất vọng với cách một số người nhìn nhận về người mù lòa. Campanella nói : “ Tôi đoán nhiều người đã tiếp xúc song không mấy ai tin tưởng về khả năng của người khuyết tật. Bởi vậy, tôi nghĩ họ rất sốc khi thấy một người mù bước vào văn phòng và nói – Tôi cần một công việc. Đó chính là điều tôi đã nói”.

Năm 2011, Campanella là phóng viên mù đầu tiên được nhận tập sự ở Đài ABC với 01 năm đọc các bản tin khu vực tại vùng Bega, tiểu bang New South Wales. Cô chính thức tham gia chương trình Triple J từ đầu năm 2013. Công việc phóng viên đầu tiên của Campanella là tìm kiếm các tin tức kỹ thuật số để phát trên kênh địa phương, quốc gia và quốc tế. Cô dựa chủ yếu vào phần mềm JAWS – chương trình đọc màn hình máy tính được phát triển dành cho người bị mất thị lực, không thể nhìn thấy màn hình hay điều khiển chuột. Khi Campanella đánh máy, JAWS sẽ đọc to để giúp cô nghe, ghi nhớ.

Tại studio làm việc, Campanella có bàn chỉnh âm riêng và sử dụng nhiều miếng dán nhám để phân biệt các nút: phát sóng, tắt âm thanh, bật micro…Khi Campanella đọc bản tin, một giọng nói điện tử giống hệt sẽ truyền tới một bên tai nghe và giúp cô lặp lại ngay lập tức trên sóng phát thanh. Ở bên tai nghe khác, đồng hồ biết nói sẽ báo cho cô biết thời gian còn lại trên sóng. Campanella cho biết một trong những khó khăn nhất trong công việc của cô là xử trí với những âm thanh sai lệch của giọng nói điện tử. Campanella nói :” Bạn có thể phân biệt giọng nói của phụ nữ hay đàn ông nhưng khó đoán được phát âm tên người. Giọng nói điện tử thường xuyên phát âm sai như “Wag-a Wa-a” thay vì Wagga Wagga hoặc “Coe-barney” thay vì Cobain. Tôi thường nói vấp tên các vận động viên và cầu thủ”.

Mặc dù không nhìn thấy thế giới xung quanh, Campanella cho rằng một nhà báo mù vẫn cần đi tới nhiều vùng đất để khám phá sâu về sở thích người dân, mùi vị, thức ăn…bản địa. Chính vì vậy, để phát triển nghề nghiệp tương lai, cô đã thử là phóng viên tự do viết mảng du lịch cho những tờ báo lớn của Australia như Sydney Morning Herald, The Age và sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet. Năm 2014, Campanella có hành trình tới Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, nơi cô được cưỡi voi, đi bộ xuyên rừng, bơi dưới những dòng thác tự nhiên…Campanella cho biết: “ Lần đầu đi du lịch, một vài người hỏi tôi tại sao lại đi khi không nhìn thấy gì. Tôi chỉ nghĩ đó là cách nhìn hạn hẹp về du lịch. Du lịch không chỉ là nhìn thấy mặt trời mọc trên những nóc nhà và cảnh đẹp, đó còn là việc đứng bên hè đường phố, ví dụ ở Việt Nam, để ngửi, nghe và cảm nhận; cố gắng hiểu cuộc sống nơi đó để truyền tải tới thính giả”. Năm 2016, Campanella đã sản xuất chương trình truyền hình đầu tiên khi tham gia khóa tình nguyện giúp người khuyết tật ở Fiji.

Ngoài công việc nhà báo, Campanella còn được mời làm diễn giả tạo động lực sống cho mọi người, nhất là cho những gia đình có trẻ em khuyết tật. Cô là tấm gương để cộng đồng và phụ huynh hiểu tầm quan trọng trong việc đối xử với trẻ khuyết tật như người bình thường. Campanella tự tin nói : “ Tôi đã sống xa nhà thời gian dài, giờ đây tôi có thể làm việc, hoạt động như người bình thường”.

“Phượt thủ” mù

Nhắm mắt, bịt tai và một mình du lịch đến Rome. Đó là điều tưởng chừng không thể với nhiều người chúng ta. Nhưng đó lại là những gì Tony Giles – một người mù và gần như điếc đặc– trải nghiệm. Tony Giles mắc chứng sợ ánh sáng và thoái hóa võng mạc trung tâm lúc 9 tháng tuổi. Khi lên 6 tuổi, Tony Giles hầu như điếc cả hai tai. Đến năm 10 tuổi, Tony Giles bị mù hoàn toàn. Tony Giles đã tốt nghiệp tại 2 trường dành cho người khiếm thị, nơi anh có thể học mọi kỹ năng để trở nên độc lập như học chữ braille, tập luyện vận động, sử dụng phần mềm máy tính…

Năm 16 tuổi, Giles bắt đầu những chuyến chu du khi du lịch cùng trường học tới Boston, Massachusetts, Mỹ. Sau đó anh tới New York, Washington Dc, New Orleans và Hawaii. Giles chia sẻ: "Từ chuyến đi New Orleans tôi nhận ra mình có thể đi một mình không cần ai hỗ trợ. Tôi không biết về điểm đến nên mọi thứ trở nên choáng ngợp. Tôi hít một hơi sâu, tự nhủ mình cứ tiếp tục, và đã dành 8-9 ngày ở đó để khám phá".

‘Ánh sáng’ không thể tắt ảnh 2Phượt thủ Giles 

Để lên kế hoạch “phượt”, Giles sử dụng phần mềm JAWS giúp đọc to chữ trên màn hình máy tính, từ đó giúp anh tìm kiếm các điểm du lịch, đặt khách sạn, dự tính hành trình. Giles thường xuyên phải nhờ người đặt vé máy bay, bởi website của các hãng hàng không thường “khét tiếng” là rườm rà, bất tiện cho người khiếm thị. Giles đi du lịch cùng một thiết bị điện tử chứa các văn bản, hướng dẫn, số điện thoại cần thiết, hướng đi sân bay, bến của các phương tiện công cộng, sách điện tử…Ngoài ra, anh còn mang theo gậy dẫn đường, thiết bị trợ thính, hàng loạt pin dự phòng.   

Giles tâm sự: “Tôi không thích công nghệ bởi nó khiến tôi phát rồ. Công nghệ rõ ràng giúp tôi định vị một địa điểm cụ thể nhanh hơn và giúp tôi độc lập hơn. Nhưng tôi thích hòa mình với dân địa phương để họ giúp tôi tìm điểm đến và giao lưu văn hóa. Sự thực ở những nơi như châu Phi, thật khó dựa vào Internet”. Để tránh lạc đường và bất đồng ngôn ngữ, Giles chuẩn bị sẵn tấm thiệp ghi địa chỉ khách sạn bằng tiếng địa phương. Khi lạc đường, anh gọi taxi và đưa tài xế chiếc thiệp này. Học ngôn ngữ mới trên đường “phượt” quả là một thách thức với người mù, nhưng Giles cho biết anh luôn cố nhớ những từ cơ bản như “xin chào”, “cảm ơn”, “nước”, đồng thời tìm tới người dân nào đó biết chút tiếng Anh.

Trải nghiệm thế giới của một người mù như thế nào? Giles cho biết anh trải nghiệm về những công trình lớn bằng cách…trèo lên chúng, chẳng hạn trèo lên tháp Eiffel hoặc tượng Nữ thần Tự do; trải nghiệm các thành phố bằng cách đi bộ, cảm nhận dưới đôi chân sự thay đổi của những con đường từ đất đá, rải sỏi cho tới rải nhựa đường, xi măng, lát đá cẩm thạch…

Giles có thể cảm nhận sự thay đổi không gian khi đi qua những con đường mòn nhỏ trong rừng dẫn tới cánh đồng rộng mở, khi gió lùa vào mặt. Giles đi qua nhiều đền, chùa, nhà thờ nổi tiếng; đặt tay lên những bức tường tróc vảy để cảm nhận kết cấu tồn tại nhiều thế kỷ. Giles cũng thưởng thức mùi của thịt nướng, vị hành tây và tỏi, gừng và thảo mộc…trong các khu chợ địa phương. Thú vị hơn là những trải nghiệm cảm giác mạnh. Giles tự hào nói :” Tôi đã 16 lần nhảy bungee, 3 lần nhảy dù và chèo thuyền vượt ghềnh thác ở Australia, New Zealand, Costa Rica và Zambia…Tôi yêu thích vì cảm nhận được mọi thứ”...

Giles trang trải các chuyến “phượt” của mình từ lương hưu do người cha quá cố để lại và từ tiền bán 02 cuốn sách điện tử mà anh là tác giả (cuốn Tony The Traveller và Seeing The World My Way) . Trên tất cả, nhờ du lịch, Giles đã gặp tình yêu của đời mình là Tatiana, một người phụ nữ mù người Hy Lạp. Trải qua ca ghép thận vào năm 2008, Tony Giles tuyên bố :” Tôi tiếp tục lên kế hoạch du lịch tới tất cả quốc gia trên thế giới và “phượt” cho tới khi chết”. Đến nay nhà thám hiểm 40 tuổi sống ở Devon (Anh) này đã “phượt” đến 127 quốc gia, trong đó có Việt Nam; tất cả 50 bang của Mỹ và cả 7 lục địa trên Trái đất.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.