Bình yên
Trưa thanh vắng, ông Bính thong thả ngồi ngoài hiên nhà chờ pha ấm trà đặc. Nghe tiếng nước réo trong bếp, ông chạy vào tắt bếp, rót nước rất khéo vào phích, nhân tiện rót nước vào ấm trà đang chờ sẵn. Trên bàn có vài ba cái kẹo lạc nhâm nhi cùng trà đặc. Khoảng sân nhỏ trước nhà ông có tán cây xanh rủ bóng mát, chim hót véo von. Ngày trước ông nuôi nhiều chim lắm, giờ đã hơn 80 tuổi, ông bán gần hết, chỉ còn treo 2-3 lồng chim trước nhà cho vui tai.
Ông Bính lau cái bàn cho thật khô vì chút nước tràn ra lúc rót. Thỉnh thoảng nghe tiếng điện thoại reo, ông bước nhanh vào nhà, hàn huyên đôi ba câu chuyện với mấy người bạn già quanh Hà Nội. Họ hẹn nhau đi chơi, hẹn nhau tụ tập, khi ở công viên, lúc ở nhà riêng của từng người. Dáng đi của ông vẫn nhanh nhẹn, ông vẫn có thể làm đủ mọi thứ, duy chỉ có đôi mắt là không thể nhìn thấy gì.
Người bạn thân thiết của ông Bính là chiếc đài |
Nếu nhìn xa, ngắm cách ông Bính đi lại, nấu nướng, pha trà, quét nhà… nhiều người không thể phát hiện được ông là người khiếm thị. Mắt ông chẳng nhìn thấy được nhiều, chỉ thoáng lờ mờ như người ta đi chạng vạng trong đêm tối nhưng ông sinh hoạt như bình thường, hoàn toàn không cần nhờ ai giúp đỡ.
Tên của ông trùng với tên nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Bính. Trùng hợp nữa là ông cũng có tài làm thơ nhanh chóng vánh. Vừa bắt tay xong ông đã làm ngay được bài thơ, uống một ngụm trà cũng ra thơ. Thơ của ông Bính không có bài nào buồn bã, bi quan, chỉ toàn thơ tươi sáng, lạc quan và pha chút tếu táo.
“Anh nay không thích nằm dài
Sáng dậy thể dục, mở đài ra nghe
Nhâm nhi đôi chén nước chè
Cho người vui khỏe mùa hè đi chơi…”
Thơ sáng tác xong ông đều đọc lại để ghi vào băng đài, cất giữ trong nhà như một phần “tài sản” quý báu của mình. Đầu giường ông chất đầy băng cát xét, mỗi cuộn băng có đến mấy chục bài thơ.
Ông trời chẳng lấy hết của ai bao giờ
Người dân sống trong ngõ 328 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội không ai là không biết đến ông Bính. Ông Bính khiếm thị có vợ cũng khiếm thị, ngày xưa cùng sinh hoạt với nhau trong Hội người mù, yêu nhau rồi lấy nhau, hai người khiếm thị nương tựa vào nhau sau suốt quãng đời tuổi trẻ.
Vợ ông Bính là bà Khổng Thị Giang, mất cách đây đã lâu, nhưng chuyện tình của hai người vẫn là bài thơ đẹp được nhiều người nhắc lại. 50 năm về trước, khi quyết định lấy nhau, ông bà bị phản đối dữ dội. “Người trong nhà khi ấy phản đối lắm, vì nghĩ hai người khiếm thị lấy nhau thì sẽ ra sao, chỉ có chết đói mà thôi, nhưng rồi cả hai vẫn quyết lấy nhau, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn. Có hai người thì lo gì chết đói, một mình mới đáng sợ…” – ông Bính cười.
Vợ khiếm thị, chồng khiếm thị, khó khăn chồng chất nhưng chưa bao giờ ông bà phải vay ai một đồng một hào. Hai người lấy nhau từ hai bàn tay trắng, rồi cứ thế gây dựng kinh tế bằng nghìn lẻ công việc khác nhau.
Hàng xóm ông bà kể lại, tuy bà Giang chẳng nhìn thấy gì, nhưng bà may mắn được ông trời trao cho sự khéo léo, giỏi giang hơn những phụ nữ bình thường. Bà nhớ đường rất giỏi, ngồi sau xe người khác vẫn có thể chỉ dẫn đường một cách rành rọt không sai ngõ ngách nào. Bà Giang cũng đan len rất cừ, pha màu áo len nhanh hơn người mắt sáng. Việc nào bà cũng làm khéo léo và tỉ mỉ, cẩn trọng khiến ai cũng tin tưởng.
“Bà ấy hồi trẻ tham gia đan len cùng tổ đan len của phụ nữ trong khu phố, cô tổ trưởng không bao giờ phải giả đi giả về hay bắt chỉnh sửa, đan lại. Cứ đan xong là đạt yêu cầu. Cái áo của chồng đứt khuy, đứt cúc, bà ấy cũng làm hết, từ xâu kim đến luồn chỉ, chẳng nhờ ai bao giờ…” – ông Bính nhớ lại.
Rồi ông nói tiếp: “Đẻ con đầu lòng, mọi người cứ nghĩ người khiếm thị sẽ bón cháo vào mũi vào mắt con nhưng làm gì có chuyện đó (ông cười). Bà ấy nuôi con khéo lắm, nấu bột nấu cháo cho con hết, các con ăn thun thút, chẳng bao giờ bỏ bữa. Con quá nhỏ thì dùng những chai đựng bột có vú giả, đổ bột vào chai, ấn vào miệng con là con tu sạch. Khi con lớn hơn, chỉ cần nghe mẹ nói xúc cho ăn là con tự há mồm đón cái thìa gọn ghẽ… Trời sinh ra cũng lắm điều hay, những đứa trẻ có bố mẹ khiếm thị như tự ý thức được hoàn cảnh của mình, lúc nào cũng tự giác ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn…”.
Ông Bính và bà Giang có cả thảy 3 người con, con trai đầu đang sống cùng ông sinh năm 1974, hai con gái sau lần lượt sinh năm 1977 và 1984. Hạnh phúc hơn nhiều gia đình của ông là cả ba con đều mắt sáng, khỏe mạnh. Cô con gái thứ hai sống ở Quảng Ninh, cơ ngơi khá giả. Con út ông Bính đang ở nước ngoài, sống hạnh phúc cùng chồng và đứa con gái mới lên 3.
Ông Bính và con gái út Nguyễn Hà Anh |
Nhưng để có được thành quả như hôm nay, ông bà đã phải vượt khổ, mưu sinh vất vả gấp 5- 10 lần những người mắt sáng…
Quá khứ hát rong, làm tăm, bán thuốc tây…
Một người sáng mắt nuôi vợ con đã khó, với những người khiếm thị như ông Bính bà Giang thì thật lắm gian nan. Nhưng không vì mắt kém mà ông Bính “chịu trận” nhìn cảnh vợ con sống khổ.
Hồi những năm 80, ông nhận làm tăm xỉa răng để kiếm tiền nuôi vợ con. “Hồi ấy cả ngày được 1 đồng là quý lắm, vì lúc đó sổ mua gạo niêm yết giá 4 hào 1 cân gạo”. Từ vót tre, chuốt tăm… ông Bính đều làm tỉ mỉ và cần cù. Ông còn mang tài lẻ đánh đàn hát hay, dong duổi theo các chuyến tàu để kiếm thêm tiền. Người biếu 1 hào, người cho 5 xu… Cứ thế, cuộc sống ổn định, chồng làm tăm, ca hát, vợ đan len, nhận đột dập làm thêm cho cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, mỗi ngày được 2 đồng rưỡi.
Nhắc về những ngày khốn khó ấy, nhiều lúc giọng ông Bính trầm lại vì xúc động. Những ngày ấy chưa bao giờ bị xóa mờ trong tiềm thức của ông. Người khiếm thị không nhìn được, nên tất cả những kỉ niệm, những cung bậc cảm xúc hạnh phúc, đau buồn đều tạc đậm trong lòng.
Ngày ấy, ông bà có xin trợ cấp của Nhà nước, mỗi tháng được trợ cấp 5 đồng, nhưng cách 3 tháng mới được xin một lần. Khốn khó bủa vây, hai ông bà quyết định đổi sang bán thuốc tây dạo khu vực chợ Đồng Xuân. Mỗi người một hộp thuốc trong lòng, dây đeo cổ, cứ thế mải miết đi khắp khu vực Hoàn Kiếm bán thuốc. “May mắn ngày ấy chẳng có cướp giật như bây giờ, hai vợ chồng đưa thuốc cho khách rồi mà bị đuổi là chạy tán loạn. Thế mà, người khách mua thuốc vẫn ngóng mình quay lại, trả tiền đầy đủ rồi mới ra về”. Những loại thuốc kháng sinh cao cấp, thuốc giảm sốt… mang lại lãi cao, giúp ông bà nuôi con đỡ vất vả.
Ông bán thuốc cho người khác nhưng lại chẳng thể cứu được người vợ hiền khéo léo của mình khi căn bệnh khủng khiếp ung thư vú ập đến bà Giang. Hai ông bà chạy chữa khắp nơi, cắt thuốc Đông y tận Phú Thọ để kéo dài cuộc sống của bà. Nỗ lực đến cùng nhưng sự sống chẳng thể mãi mãi, chục năm sau ngày phát hiện bệnh, bà Giang bỏ ông mà đi.
Trưa nay, ông ngồi một1 mình, lại nhớ quãng đời ông bà đã trải qua. Ông nhấp ngụm chén trà đặc và mở đài hát khe khẽ. Ông lại làm những công việc thường ngày, nấu cơm, giặt giũ, pha chè, quét dọn nhà cửa… Người khiếm thị chẳng có việc gì là không thể làm ngoại trừ ngắm phố phường và con người xung quanh. Ông bảo, người khiếm thị ai cũng muốn sống khỏe, sống có ích, riêng ông – ông muốn sống nhiệt tình cho cả phần người vợ hiền.
Không ngắm được phố xá được nhưng tâm trí ông vẫn cảm nhận được hương sắc thu vô cùng quyến rũ. Ông lại ngâm nga làm thơ:
“Tiết trời nay đã vào thu
Mây xanh biêng biếc gió thu nhẹ nhàng
Hàng cây buông rụng lá vàng
Tiếng kêu xào xạc trên đàng phố vui…”