Người khiếm thị & hành trình đi từ bi quan đến hy vọng

(Ngày Nay) - Vẫn tồn tại một góc nhìn còn hạn chế khi người không khuyết tật nghĩ về công ăn việc làm của người khiếm thị, một số người cho rằng người khiếm thị chỉ làm được một số công việc nhất định trong xã hội. Xưa, họ nghĩ ai khiếm thị thì chắc hẳn làm nghề xem bói, hát rong. Nay, xã hội phát triển, họ nghĩ người khiếm thị làm tẩm quất, hoặc học nhạc là tốt rồi.
Một buổi quay video của “Đom đóm studio”
Một buổi quay video của “Đom đóm studio”

Những nghề “lao động trí óc”, đòi hỏi sáng tạo, người khiếm thị ít được tạo điều kiện, cơ hội tiếp cận khó hơn...

Bộ sách giáo khoa: quá lớn đối với cậu trò nghèo

Tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội, năm 1982, khi cậu bé tên Hoàng Văn Lý cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc cha mẹ cậu bé hằn lên một nỗi lo lắng: cậu bé cũng khiếm thị như cha.

Trong nỗi nhớ của Lý về tuổi thơ, anh nói mình có nhiều nỗi buồn, nỗi buồn khi em trai anh cũng khiếm thị, nỗi buồn về những ngày tháng bạn bè vô tư nên nói với anh lời trêu đùa vô ý... Nhưng anh cũng có 2 niềm vui ấm áp chẳng quên được. Một là tình yêu thương của bà nội dành cho anh. Cho đến khi mất, người bà vẫn mong có ngày đôi mắt của cháu trai chữa khỏi được. Niềm vui thứ hai, năm Lý 7 tuổi, trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) gửi thông báo tuyển sinh tới Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Phúc Thọ, Lý được tạo điều kiện cắp sách đi học xa nhà.

Người khiếm thị & hành trình đi từ bi quan đến hy vọng ảnh 1Hoàng Văn Lý – một trong những người sáng lập dự án “Đom đóm studio” 

Ở trường, ngoài những môn học chính, Lý học thêm đàn bầu và guitar. Tuy nhiên, trường chỉ dạy đến hết lớp 9, thành ra Lý bị rơi vào một câu hỏi hóc búa: làm sao Lý được lên cấp 3 học tiếp? May mắn thay, thầy hiệu trưởng của trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) nghỉ hưu đúng năm Lý tốt nghiệp, thầy lại mở ngay trường THPT Dân lập Nguyễn Đình Chiểu chiêu mộ học sinh. Với tấm lòng tốt bụng của thầy và sự nỗ lực của chính bản thân, Lý giành được suất học bổng tại trường này.

Được tiếp tục đi học đã là điều kỳ diệu, nhưng lòng Lý lại dâng lên một nỗi lo âu: dù nhà trường đồng ý hỗ trợ học phí, nhưng bộ sách giáo khoa Lý phải tự lo. Đối với cậu học trò nghèo từ quê lên nuôi giấc mộng học hành, bộ sách giáo khoa là một tài sản lớn khó mà mua được. Vất vả ở chỗ, kể cả khi cố gắng mua thì sách giáo khoa cấp 3 khi đó lại không có loại chữ nổi Braille dành cho người khiếm thị. Lý bèn xoay cố xoay sở sách những môn học chính: toán và tiếng anh. Suốt một kỳ nghỉ hè năm lớp 9, Lý tìm những bạn tình nguyện viên sẵn lòng giúp đỡ anh đánh máy cuốn sách sang chữ nổi, máy móc Lý liên hệ với trường cũ để mượn; còn những môn học khác, Lý chấp nhận việc anh sẽ phải học chay.

Người khiếm thị & hành trình đi từ bi quan đến hy vọng ảnh 2

Anh Hoàng Văn Lý bên con gái

Ngẫm lại một quãng thời gian đã trôi, Lý thường mừng mừng tủi tủi, mừng vì anh đã vượt qua trường THPT để trở thành sinh viên khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, giờ anh công tác tại văn phòng Hội Người mù quận Hoàn Kiếm, đồng thời là cộng tác viên của trang VOV1 – Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Lý cũng mừng vì bây giờ tuy vẫn nhiều em học sinh khiếm thị học lên cấp 3 tuy phải tự lo sách giáo khoa chữ nổi Braille, nhưng các em đỡ vất vả hơn bởi đã có máy tính. Nếu người khiếm thị biết sử dụng máy tính có thể dùng các phần mềm hỗ trợ chuyển từ file word (tệp văn bản) sang giọng nói.

Cùng với cảm xúc mừng vui, Lý vẫn đau đáu về những câu chuyện mà người khiếm thị chật vật hòa nhập xã hội và tìm kiếm việc làm. Lý cho rằng, những người khiếm thị sống ở chốn thành thị, nhất là giới trẻ có lợi thế khi được tiếp xúc với máy tính và các phần mềm hỗ trợ; còn người khiếm thị ở các tỉnh, thành, vùng sâu vùng xa có nhiều khó khăn.

Lý kể, có những người khiếm thị sống tại dân tộc thiểu số nghe loáng thoáng người khiếm thị ở thành phố có công ăn việc làm bèn “tay đùm tay bọc” tìm về Hà Nội. Song, họ chữ không biết, mối quan hệ ít ỏi hoặc không, nên đã hạn chế vẫn vấp phải hạn chế, gia đình khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Sống hướng đến cộng đồng: được nhiều hơn mất

Hoàng Văn Lý vốn đã quen thuộc với khán thính giả Việt Nam hơn 7 năm trong chương trình phát thanh “Niềm tin ánh sáng”  dành cho người khiếm thị được phát trên kênh VOV Giao thông. Khi chương trình này phải khép lại vào năm 2016, anh không dành cho mình thời gian ngơi nghỉ mà bắt tay ngay vào xây dựng một kênh truyền thông mới với tên gọi “Đom đóm studio” trên mạng xã hội Facebook và Youtube cho người khuyết tật.

Lý giải điều này, Lý bảo phần vì không muốn khán thính giả khiếm thị bị ngắt quãng với thông tin quá lâu, phần vì muốn tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê mà anh dành cho truyền thông.

Dự án “Đom đóm studio” – dự án truyền thông đầu tiên do người khuyết tật sáng lập ở Việt Nam do Lý cùng các bạn sinh viên, học sinh đến từ nhiều trường tại Hà Nội, TP.HCM triển khai với mong muốn hỗ trợ cộng đồng người khuyết tật và mang đến cho người không khuyết tật những cảm nhận, góc nhìn sâu sắc, cùng chia sẻ nỗi lòng của người khuyết tật.

Người khiếm thị & hành trình đi từ bi quan đến hy vọng ảnh 3

Anh Hoàng Văn Lý hạnh phúc bên gia đình nhỏ

Vì kinh phí eo hẹp, nên ngay từ đầu dự án không thể xây dựng một website chất lượng tốt để đăng tải nội dung đầy đủ, thích hợp tra cứu. Nhưng tự đánh giá thì đối với cá nhân Lý, bước khởi đầu này không đến nỗi tệ. Điều khiến anh vui là một số chương trình còn có ngôn ngữ ký hiệu làm mở rộng phạm vi người tiếp cận, không chỉ người khiếm thị mà người mù, người câm, người điếc có thể nắm bắt dễ dàng thông tin. Tại đây, người khuyết tật có thể cập nhật các tin tức liên quan tới người khuyết tật đang diễn ra, cung cấp kiến thức sâu cho người khuyết tật từ cách giao tiếp, chăm sóc, hòa nhập…

Một trong những vấn đề dự án đề cập là mong muốn hòa nhập của người khuyết tật và khi hòa nhập, một số người vấp phải những khó khăn. Khó khăn có thể đến từ một trường hợp rất bình thường, ví như một người khiếm thị ngồi trước mâm cỗ mà không thể chủ động biết các món ăn, gắp món mình thích nếu mọi người cùng mâm không cởi mở giúp đỡ hay chính người khiếm thị không mạnh dạn nói ra mình thích ăn món gì. Hay các bạn trẻ khiếm thị ngại cầm gậy dò đường, như vậy rất dễ gặp nguy hiểm.

Tất nhiên, có lúc Lý mệt nhoài khi trải qua giai đoạn nhân lực dự án mỏng, nhưng anh muốn cố gắng hết khả năng của mình. Lý chạy đôn chạy đáo đi xin tài trợ từ các cá nhân tổ chức, uớc mong dự án có một chiếc máy quay phim vẫn chưa thực được vẫn khiến Lý có thêm động lực. Theo Lý, anh không phải hy sinh hay bao đồng gì hết cả, thậm chí anh được nhiều hơn, đó là mở lòng đón chào những mới quan hệ mới. Anh giúp ai điều gì đâu phải mong được giúp lại, khi cho đi và chia sẻ thì tự nhiên những khó khăn của tất cả mọi người đều có cơ hội được cải thiện. Sống, không nên ích kỷ biệt lập!

Bên cạnh dự án “Đom đóm studio”, Lý còn cùng với 2 anh người bạn (một người khiếm thị là giáo viên dạy tiếng Anh, một người không khuyết tật là nhân viên IT) thực hiện khảo sát nhu cầu của người khiếm thị, phát triển máy đọc sách cho họ. Lý tiết lộ, chiếc máy thú vị này to bằng... thùng mì tôm, được sáng tạo trên nền tảng chuyển văn bản sang giọng nói cho người khiếm thị, lắp thêm bảng mạch và camera. Từ đó, camera sẽ chụp lại tài liệu đưa vào phân tích, rồi chuyển thành file word (tệp văn bản) hoặc giọng nói.

Hiện chiếc máy này đang trong quá trình thử nghiệm, lấy ý kiến nhận xét từ chuyên gia, có điều chiếc máy này nếu sản xuất sẽ có giá dao động từ 5-7,5 triệu đồng, hơi cao so với khả năng chi trả của người khiếm thị tại Việt Nam.

Từ bi quan đến hy vọng

Khi được hỏi, câu nói Lý muốn nói nhất với những người khiếm thị là gì? Lý chẳng chần chừ mà đáp ngay: “Tôi muốn nói rằng, nếu bạn tin bạn làm được thì chắc chắn bạn sẽ làm được”.

Tự tin và tự ti, ai cũng từng đắn đo về nó. Ngay cả những người khỏe mạnh không khuyết tật cũng có những nhiều lần tự ti trước cuộc đời. Vậy nên người khiếm thị hãy tích cực, cầu thị để tự vươn lên, trân trọng những tấm lòng giúp đỡ từ gia đình và xã hội.

Hành trình đi từ bi quan đến hy vọng của người khiếm thị cần nhiều yếu tố. Trước tiên, những người thân quen, gần nhất với họ hãy giúp đỡ về tâm lý, “cởi bỏ” giúp họ những định kiến gây áp lực. Hoàng Văn Lý nhấn mạnh, khi khó khăn, họ vẫn không nên nghĩ khiếm thị là hết rồi, khiếm thị là đau khổ không nghĩ đến gia đình, khiếm thị thì yêu làm gì, lấy vợ làm gì... mà hãy xây đắp cho mình những ước mơ.

Bước hai, người thân hãy nhẫn nại tìm ra sở trường của người khiếm thị. Bởi họ còn sức khỏe, nếu người khiếm thị ở độ tuổi thanh niên, cho dù không có điều kiện về học vấn thì vẫn có thể tư vấn cho họ đến các trung tâm dạy nghề cho người khiếm thị, ví như nghề tẩm quất, hoặc họ có thể học nghệ thuật như hát, đàn, sáo... Tìm ra ưu điểm của người khiếm thị có thể giúp họ có việc làm, thu nhập. Đồng thời hãy để người khiếm thị có cơ hội tiếp cận với các thiết bị công nghệ thông tin: phần mềm hỗ trợ đọc màn hình Jaws trên máy tính, trang google có thể chuyển văn bản sang giọng nói, tính năng TalkBack trên Android cung cấp cho người khiếm thị các thông báo và phản hồi bằng giọng nói...

Vượt qua được hai bước đầu, người khiếm thị đã phần nào tự tin và tin rằng họ có thể thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực. Lúc này người khiếm thị chắc chắn cần được giới thiệu những con người là tấm gương cụ thể, những mô hình học tập mà họ có dễ dàng bắt đầu và kiên trì. Từ đó, người khiếm thị tích lũy kiến thức, thực hành, đóng góp cho xã hội.

Có một điều khiến Lý cảm thấy đủ đầy vào cuối ngày, sau khi anh đã tận tụy làm việc, hỗ trợ cho cộng đồng, đó là gia đình êm ấm đợi anh trở về. Vợ anh tuy vẫn cũng khiếm thị như anh, nhưng hai con anh đều mắt sáng.

Thường, những gia đình có bố mẹ khiếm thị, con cái cứng cáp trưởng thành sớm, biết lo lắng cho gia đình, biết làm việc nhà sớm hơn đứa trẻ khác. Cô con gái lớn của anh tuy học lớp 5, nhưng khi gia đình về quê, cô con gái thể đèo bố bằng xe đạp đi quanh quanh trò chuyện với họ hàng, xóm giềng. Trong bữa ăn, con anh biết chủ động lấy bát đĩa, gắp thức ăn cho bố mẹ; hoặc khi đi đến nhà hàng xóm, cô bé sẽ nhắc “bố ơi, bố để giày chỗ này”...

Nhiều người cho rằng hạnh phúc cao xa và lớn lao. Nhưng thực ra hạnh phúc với người khiếm thị quá đỗi giản dị, nếu họ tin họ làm được và không ngừng nắm bắt.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.