Gặp 'Anh hùng chống mù lòa' đầu tiên của Việt Nam

(Ngày Nay) - Ông là bác sĩ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được Tổ chức Phòng chống mù lòa thế giới (IAPB) tôn vinh “Anh hùng trong phòng chống mù lòa” tại Nepal trong năm 2017 vừa qua; ông là người tìm lại ánh sáng cho rất nhiều bệnh nhân nghèo ở các tỉnh miền Trung và cả nước...
Bác sĩ Phạm Minh Trường- “Anh hùng phòng chống mù lòa” đầu tiên của Việt Nam.
Bác sĩ Phạm Minh Trường- “Anh hùng phòng chống mù lòa” đầu tiên của Việt Nam.

Đó là Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Minh Trường (55 tuổi), Giám đốc Bệnh viện Mắt Huế (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Nhằm ghi nhận và vinh danh những cá nhân có đóng góp lớn và tạo ra những sự khác biệt thực sự trong việc khôi phục thị lực, phòng chống mù lòa, IAPB đã tổ chức ra giải thưởng “Anh hùng chống mù lòa” hàng năm. Tính đến nay, đã có 15 người trên thế giới được IAPB trao tặng và bác sĩ Phạm Minh Trường là bác sĩ nhãn khoa đầu tiên của Việt Nam đang làm việc trong bệnh viện công lập được nhận giải thưởng này vào cuối năm 2017.

Gặp bác sĩ Trường vào một sáng mưa nhẹ, dường như niềm vui sướng và tự hào vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn của ông. Không giấu nỗi niềm vui, bác sĩ Trường chia sẻ ông sinh ra ở vùng nắng gió Quảng Trị nhưng từ nhỏ đã theo gia đình vào sống ở Huế.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế, năm 1987 ông về công tác ở Sở Y tế Bình Trị Thiên và trở thành phẫu thuật viên mổ mắt lưu động.

Khi Bệnh viện Mắt Huế được thành lập năm 2005, ông được tín nhiệm cử làm giám đốc và đảm đương chức vụ này trong hơn 10 năm qua (10 năm trước ông cũng làm Trạm trưởng Trạm Mắt Thừa Thiên - Huế lúc chưa đổi tên thành Bệnh viện Mắt).

Trong khoảng thời gian làm người đứng đầu và luôn gắn bó với công tác phòng chống mù lòa nên bác sĩ Trường thấm thía nỗi đau của những người khiếm thị và thân nhân của họ. “Nhiều em bị lác mắt, sụp mắt, đục thủy tinh thể bẩm sinh ở Quảng Bình, Hà Tĩnh được cha mẹ lặn lội đưa vào Huế chữa trị nhưng không được đành phải quay về. Lúc đó, tôi ước gì Bệnh viện Mắt Huế có đầy đủ cơ sở vật chất để có thể chữa trị cho các em...”, bác sĩ Trường chia sẻ.

Có rất nhiều kỷ niệm mà bác sĩ Trường luôn ghi nhớ trong suốt hành trình đi tìm ánh sáng cho sự sống. Theo bác, kỷ niệm khó phai nhất là những lần đi bộ cả ngày trời để lên “cắm bản” ở vùng đồi núi huyện A Lưới.

“Có lần tôi lên A Lưới trực tiếp mổ đục thủy tinh thể cho 300 bệnh nhân người đồng bào Pa Cô, Tà Ôi... Thời đó, nghe từ “mổ” là người dân trên bản họ sợ lắm nên mình chỉ dám nói là rửa mắt thôi. Chỉ 1-2 ngày sau là đôi mắt của rất nhiều bệnh nhân sáng lên, có thể nhìn thấy rõ ràng. Họ sung sướng nên tìm đến chỗ mình làm việc để gửi sắn, khoai, ngô... cho mình khiến mình rất vui và cảm động”, bác sĩ Trường nhớ lại.

Gặp 'Anh hùng chống mù lòa' đầu tiên của Việt Nam ảnh 1Bác sĩ Trường đang khám mắt cho một bệnh nhân

Ở cương vị Giám đốc Bệnh viện Mắt Huế, bác sĩ Trường biết rất rõ mỗi năm chỉ khám tối đa được cho 3.000 người và phẫu thuật chừng 700 ca vì kinh phí không có nhiều. Vì thế, ông đã tìm hiểu, mạnh dạn kết nối các tổ chức trong và ngoài nước  hơn 10 năm nay để phục vụ công tác chữa bệnh về mắt và phòng chống mù lòa. Ông luôn mong muốn mang những hiểu biết của mình để giúp đỡ những người bị khiếm thị sớm thoát khỏi tình cảnh mặc cảm, tự ti và không trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội.

“Tôi đã nỗ lực xin sự giúp đỡ, viện trợ của các tổ chức phi chính phủ. Cụ thể như FHF (Úc) đã tài trợ cho bệnh viện mua sắm trang thiết bị và đào tạo cán bộ trị giá 1,8 triệu USD. CBM (Đức) mỗi năm đã hỗ trợ hàng chục ngàn USD cũng để mua trang thiết bị và đào tạo cán bộ. Còn Tổ chức Phòng chống mù lòa châu Á của Nhật Bản thì từ năm 2015 đã chuyển giao kỹ thuật mổ bán phần sau để điều trị hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân bị bệnh lý võng mạc tiểu đường, thoái hóa điểm vàng tuổi già...”, bác sĩ Trường hào hứng nói.

Bác sĩ Trường cũng cho hay, ông có ước nguyện lớn lao là hình thành nên một trung tâm chăm sóc nhãn nhi ở miền Trung. Vì thế ông âm thầm ra Hà Nội trình dự án hỗ trợ phòng chống mù lòa cho trẻ em với Tổ chức Orbis. Qua nhiều lần cố gắng, cuối cùng Orbis đã chấp thuận hỗ trợ.

“Qua khảo sát, tôi biết khu vực miền Trung là nơi có nhiều bệnh nhi bị mù bẩm sinh. Tổ chức Orbis đã tài trợ cho Bệnh viện Mắt Huế 2 triệu USD để xây dựng Trung tâm chăm sóc nhãn nhi thuộc hàng đầu ở khu vực miền Trung và Tây nguyên, qua đó đã tạo cơ hội giúp các em bị khiếm thị sớm thoát khỏi cảnh sống trong tăm tối. Điều này khiến mình thật sự rất vui”, vị bác sĩ mắt chia sẻ.

Từ khi đi vào hoạt động, mỗi năm, Trung tâm này đã tiến hành phẫu thuật miễn phí cho trên 200 bệnh nhi ở khu vực Bắc miền Trung. Ngoài ra, bác sĩ Trường còn trích kinh phí của bệnh viện để giúp đỡ người bệnh đặc biệt khó khăn.

Còn với Bệnh viện Mắt Huế - nơi bác sĩ Trường đang đảm nhiệm, đơn vị đang trở thành một trong những đơn vị chuyên khoa về mắt hàng đầu của cả nước. Hàng năm, bệnh viện khám hơn 50.000 lượt, điều trị nội trú và phẫu thuật khoảng 5.000 bệnh nhân; trong đó nhiều trường hợp khó phải áp dụng kỹ thuật cao như cắt dịch, mổ bán phần sau... mà trước đây các bệnh này phải điều trị tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Với những điều lớn lao mà bác sĩ Trường đã làm được, lần đầu tiên IAPB chính thức tôn vinh một bác sĩ nhãn khoa của Việt Nam là “Anh hùng trong phòng chống mù lòa” của thế giới với nhận xét: “Bác sĩ Phạm Minh Trường đã thực hiện sứ mệnh cuộc sống của mình để giúp đỡ những người khiếm thị, đặc biệt là trẻ em nhìn thế giới bằng mắt tốt hơn. Ông đã trải qua 10 năm hoạt động để phát triển dịch vụ chăm sóc mắt nhi cho khu vực miền Trung. Ông mong muốn làm dịch vụ miễn phí cho trẻ em tại Bệnh viện Mắt Huế và thiết lập mạng lưới để cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em cho tất cả trẻ em có nhu cầu”.

Chúng tôi rời bệnh viện khi trời đã quá trưa khi mà bác sĩ Trường vẫn miệt mài khám bệnh cho một bệnh nhân ở xa. “Bệnh nhân này nhà ở tận Thanh Hóa nên mình phải khám cho xong để đầu giờ chiều bà ấy kịp đón xe về nhà. Nếu mình không làm xuyên trưa thì chiều sẽ trễ, bệnh nhân và người thân phải ở trọ thêm một đêm thì tốn kém chi phí lắm”. Nghe được câu nói của bác sĩ Trường với đội ngũ trị bệnh, chúng tôi thấy thêm vui với danh hiệu cao quý mà bác vừa có được... 

Hướng đi mới tăng chiều sâu văn hóa, lịch sử cho lễ hội
Hướng đi mới tăng chiều sâu văn hóa, lịch sử cho lễ hội
(Ngày Nay) - Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 do UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức những ngày qua, đã trở thành tâm điểm trên bình diện văn hóa quốc gia, với chuỗi các hoạt động ấn tượng, nhiều màu sắc, mang đến một cách nhìn, cách tiếp cận mới về lịch sử thông qua ngôn ngữ của thơ văn, âm nhạc và công nghệ.
Bác sĩ Chuyên khoa II Võ Trương Quý, Phó Trưởng Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi.
Khu vực phía Nam: Trẻ mắc sởi phải nhập viện tăng mạnh
(Ngày Nay) - Liên tục trong những ngày qua, các bệnh viện tuyến cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều ca trẻ nhập viện do mắc sởi. Bệnh đang lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, trong đó nhiều trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm chưa đủ mũi.
Bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ Tản viên Sơn Thánh
Bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ Tản viên Sơn Thánh
(Ngày Nay) - Phát tích từ vùng núi Ba Vì, trấn Sơn Tây xưa, Thủ đô Hà Nội ngày nay, tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, vị thánh đứng đầu trong "Tứ bất tử" thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết cùng ước vọng chinh phục thiên nhiên ngàn đời của người Việt.
Chùa Yên Phú, di sản cổ tự 2.000 năm tuổi ở Hà Nội
Chùa Yên Phú, di sản cổ tự 2.000 năm tuổi ở Hà Nội
(Ngày Nay) - Chùa Yên Phú có tên chữ là Thanh Vân tự, sau đổi thành Khánh Hưng tự - là một trong nhng ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Chùa cách trung tâm Hà Nội 18km về phía Nam, với bề dày lịch sử 2.000 năm và những câu chuyện ly kỳ xung quanh cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.